Vì sao Trung Quốc yêu cầu xét nghiệm dư lượng nhôm trong tổ yến xuất khẩu?

tổ yến - Ảnh 1.

Các đại biểu trao đổi tại hội nghị – Ảnh: C.TUỆ

Bà Đỗ Thị Thu Phương, đại diện Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết như vậy tại hội nghị triển khai nghị định thư về xuất khẩu tổ yến thô và tổ yến sạch xuất khẩu sang Trung Quốc (nghị định thư) diễn ra sáng 8-5.

Dư lượng nhôm trong tổ yến không quá 100mg/kg

Theo bà Phương, sau 4 năm ký nghị định thư chỉ có hơn 4 tấn sản phẩm tổ yến được xuất khẩu vào Trung Quốc, thu về khoảng 4 triệu USD.

Số lượng này chưa tương xứng với tiềm năng sản xuất cũng như nhu cầu của thị trường Trung Quốc.

Nguyên nhân do tổ yến Việt Nam tiếp cận sau thị trường Malaysia, Indonesia hơn 10 năm nên người tiêu dùng Trung Quốc chưa biết đến nhiều thương hiệu yến nước ta.

Công nghệ, kỹ thuật sản xuất tổ yến của Việt Nam chưa cao, dẫn tới giá thành sản phẩm tổ yến Việt Nam cao hơn, mẫu mã kém hơn nên khó cạnh tranh với sản phẩm yến của các nước trong khu vực.

Bà Phương cho biết các quy định của nghị định thư mới sẽ thay thế nghị định thư đã ký năm 2022, vì vậy tất cả yêu cầu, điều kiện thì doanh nghiệp phải đáp ứng theo quy định mới.

Điểm mới của nghị định thư vừa ký là nhiệt độ xử lý phải trên 70 độ C trong tối thiểu 3,6 giây, điều này nhằm xử lý triệt để vi rút cúm gia cầm và Newcastle theo hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới.

Đối với tiêu chuẩn sản phẩm, theo bà Phương, nghị định thư năm 2022 không quy định về dư lượng nhôm nhưng nghị định thư mới này quy định chỉ tiêu dư lượng nhôm dưới 100mg/kg khô.

“Việc Trung Quốc đưa chỉ tiêu nhôm này vào là do có hiện tượng doanh nghiệp sử dụng chất tẩy trắng và nhôm là thành phần có trong chất tẩy trắng này. Việc áp dụng chỉ tiêu này không chỉ Việt Nam mà cả Indonesia, Malaysia” – bà Phương nói.

tổ yến - Ảnh 2.

Sơ chế đặc sản yến sào tại Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa – Ảnh: TRẦN HOÀI

Có doanh nghiệp khai chưa đúng thực tế

Bà Phương nhấn mạnh nghị định thư mới yêu cầu phải có giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Newcastle. Các lô hàng chỉ cần có giấy chứng nhận kiểm dịch, không cần xin giấy chứng nhận xuất xứ.

Về năng lực, quy mô sản xuất thì nghị định thư mới yêu cầu “phải phù hợp”, còn trước đây họ không có quy định.

“Chữ phù hợp này có rất nhiều vấn đề, doanh nghiệp phải khai báo trung thực, hợp lý và logic. Ví dụ như doanh nghiệp khai báo có thể xử lý nguyên liệu hàng chục tấn xuất khẩu nhưng thực tế máy móc chỉ nhỏ xíu, như vậy là hình thức, chưa phù hợp với quy mô khai báo” – bà Phương phân tích.

Bà Phương cũng lưu ý doanh nghiệp cần có hệ thống quản lý và truy xuất nguồn gốc hiệu quả, đây là việc làm cực kỳ quan trọng đối với sản phẩm tổ yến.

“Trung Quốc nói rằng có hiện tượng các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu mặt hàng tổ yến rẻ tiền, chất lượng thấp để chế biến hoặc nhà yến có mã số đăng ký nhưng sản lượng khai báo xuất khẩu lại nhiều hơn so với thực tế đăng ký nên họ nghi ngờ sản phẩm tổ yến đó có đúng nguồn gốc từ mã số đăng ký đó không” – bà cho biết.

Theo Cục Chăn nuôi và Thú y, trong những năm gần đây nghề yến phát triển quá nhanh với nhiều loại hình và quy mô khác nhau. Đến hết năm 2024, cả nước có khoảng 29.320 nhà yến, tăng hơn 21.000 nhà yến so với năm 2017.

Với tập đoàn chim yến hiện có, Việt Nam có sản phẩm tổ yến chất lượng cao nhất khu vực.

Nghề dẫn dụ, gây nuôi chim yến và khai thác sản phẩm từ tổ yến là một nghề cho sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế rất cao từ 1.500 – 2.000 USD/kg tổ yến.