Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định chặt chẽ hơn trong sản xuất, nhập khẩu và lưu trữ, xử lý chất thải, hóa chất độc hại như xyanua, tránh mua – bán diễn ra tràn lan.
Trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) tại Quốc hội sáng 6/5, đại biểu Trần Khánh Thu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình) nêu thực trạng việc mua bán chất xyanua diễn ra tràn lan trên thị trường. Cá nhân, tổ chức không phải đáp ứng các điều kiện nào khi mua, sử dụng loại chất này.
Xyanua và hợp chất chứa xyanua thường được sử dụng trong thuốc trừ sâu, chất khử trùng, nhựa, mạ điện và khai thác mỏ vàng, bạc. Theo Nghị định 113, chất này không trong diện hóa chất cấm, mà chỉ thuộc danh mục quản lý có điều kiện. Các quy định hiện hành cũng không nêu việc người bán phải kiểm tra điều kiện của bên mua mới được bán.
“Tình trạng mua bán chất xyanua diễn ra tràn lan và thực tế có nhiều vụ án thương tâm liên quan đến đầu độc bằng hóa chất”, bà Thu nêu.

Bà Trần Khánh Thu, đại biểu tỉnh Thái Bình phát biểu tại phiên thảo luận ngày 8/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Năm ngoái từng xảy ra hai vụ án rất nghiêm trọng mà hung thủ sử dụng xyanua để gây án. Một vụ ở Đồng Nai và vụ còn lại do người Việt tại Thái Lan thực hiện. Đặc điểm của các vụ án là lượng xyanua rất nhỏ nhưng có thể gây ra án mạng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quốc phòng – an ninh.
Hiện nhiều nước quản lý xyanua và các sản phẩm chứa chất này khá nghiêm ngặt. Danh mục xyanua được phân cấp quản lý phù hợp theo mức độ nguy hiểm, mục đích sử dụng từng loại. Thực tế, theo bà Thu, xyanua có các dạng khác nhau (khí, rắn, lỏng) và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, trong y tế, hợp chất xyanua natri nitroprusside còn được sử dụng giúp làm giảm huyết áp khẩn cấp và sử dụng như một chất giãn mạch trong các nghiên cứu về mạch máu, hỗ trợ điều trị bệnh lao, phong…
Theo quy định hiện hành, khi mua bán chất độc xyanua trên thị trường phải có phiếu kiểm soát, xác nhận của bên mua, bên bán. Phiếu kiểm soát này phải được các bên lưu giữ và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, tại phiếu kiểm soát bắt buộc phải thể hiện số CMND/CCCD của người đại diện bên mua và bên bán kèm địa chỉ; tên, chữ ký của người mua, người bán; ngày tháng giao hàng; thông tin về tên hóa chất, số lượng hóa chất, mục đích sử dụng.
Tại lần sửa đổi này, Chính phủ tính siết quản lý, các hóa chất khi nhập khẩu phải được khai báo. Số liệu khai báo sẽ được đồng bộ vào Cơ sở dữ liệu hóa chất và cung cấp trực tiếp cho các bộ quản lý chuyên ngành. Việc mua, bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, có phiếu kiểm soát, xác nhận của bên mua, bên bán.
Tuy vậy, các đại biểu cho rằng quy định tại dự thảo luật và nghị định hướng dẫn chưa thể hiện tính nghiêm khắc khi có hành vi vi phạm kinh doanh hóa chất cấm. “Các thủ tục cấp phép kinh doanh, kể cả loại bị kiểm soát đặc biệt chủ yếu là thủ tục hành chính”, bà Trần Khánh Thu nói, đề nghị bổ sung chế tài phạt nặng với trường hợp vi phạm, gây mất an toàn, hậu quả xấu tới sức khỏe, môi trường.
“Doanh nghiệp muốn sản xuất, nhập khẩu xyanua phải đăng ký mục đích sử dụng, số lượng và cam kết biện pháp quản lý rủi ro”, bà Thu nói.
Trong khi đó, ông Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) cho rằng cần bổ sung trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong xử lý vi phạm hay xảy ra sự cố hóa chất. Ngoài ra, quá trình vận chuyển, lưu trữ loại chất này cũng cần chặt chẽ, xử lý chất thải theo quy trình đặc biệt, cấm xả thải ra môi trường.
Ông Thạch Phước Bình, Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Trà Vinh, băn khoăn khi dự thảo luật mới chưa có quy định đánh giá rủi ro môi trường xã hội, đặc biệt với khu vực nhạy cảm như đô thị, khu dân cư… Việc thiếu tiêu chí rõ ràng, theo ông, dẫn tới lúng túng trong xây dựng đầu tư, hoặc bỏ lọt nguy cơ tiềm ẩn trong dự án hóa chất.
Ngoài ra, dự thảo luật chưa quy định bắt buộc kiểm định định kỳ hệ thống, thiết bị, điều kiện an toàn hóa chất, nhất là với cơ sở quy mô lớn hoặc có rủi ro cao. “Thực tế, nhiều vụ cháy nổ, rỏ rỉ, phát tán hóa chất xảy ra trong thời gian qua cho thấy lỗ hổng trong giám sát kỹ thuật định kỳ tại các cơ sở hóa chất, nhất là ở doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Bình cho hay.
Từ phân tích này, đại biểu đề nghị dự luật bổ sung quy định cơ sở hóa chất quy mô lớn phải kiểm định định kỳ theo thời hạn 3 năm một lần; lưu hồ sơ, đảm bảo các điều kiện về kiểm định khi có yêu cầu của cơ quan chức năng; vi phạm sẽ bị dừng hoạt động hoặc yêu cầu khắc phục trong thời hạn cụ thể…
“Việc bổ sung này nhằm chủ động phòng ngừa thay vì chỉ phản ứng sau khi có sự cố và tạo nền tảng hình thành thị trường dịch vụ kỹ thuật kiểm định hóa chất”, Phó trưởng đoàn tỉnh Trà Vinh nói thêm.
Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội bấm nút thông qua vào giữa tháng 6.
Anh Minh