
Ông Dương Thế Hảo sau khi phiên tòa tạm dừng – Ảnh: T.HOÀNG
Phiên tòa xét xử vụ ông Dương Thế Hảo kiện Trường ĐH Kinh tế quốc dân (nay là ĐH Kinh tế quốc dân) vì giữ bằng tốt nghiệp 25 năm được TAND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) mở ngày 6-5 sau nhiều lần tạm hoãn, hòa giải bất thành.
Từ sáng sớm, ông Hảo mang theo cặp da đựng nhiều hồ sơ, tài liệu liên quan vụ kiện đến tòa. Người đàn ông 66 tuổi này cho biết việc đi lại khó khăn là hệ quả của lần tai biến sau phiên tòa phúc thẩm năm 2019, khi ông kiện nhà trường sửa năm tốt nghiệp ghi trên tấm bằng do Trường ĐH Kinh tế quốc dân cấp.
“Bị giữ hồ sơ, tôi sống như người vô gia cư”
Người bị kiện trong vụ này là Trường ĐH Kinh tế quốc dân, với đại diện theo pháp luật là ông Phạm Hồng Chương (hiệu trưởng nhà trường). Tuy nhiên, nhà trường ủy quyền cho luật sư đại diện tham dự phiên tòa.
Trong phần thẩm vấn, ông Hảo thay đổi yêu cầu bồi thường từ 36 tỉ (theo đơn khởi kiện) lên 44 tỉ đồng vì cho rằng bị nhà trường giữ bằng tốt nghiệp 25 năm, giữ hồ sơ giấy tờ 30 năm “gây nhiều tổn thất” cho ông cả về kinh tế và tinh thần.
Theo trình bày tại tòa, năm 1977 ông Hảo nhập ngũ, phục vụ bốn năm tại Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không – Không quân. Ra quân năm 1981, ông thi đậu khoa kinh tế của Trường ĐH Kinh tế kế hoạch (tiền thân của Trường ĐH Kinh tế quốc dân ngày nay), khóa năm 1984.
Năm 1989, ông hoàn thành thi tốt nghiệp với tất cả các môn, nhận được giấy xác nhận đã thi tốt nghiệp và đợi cấp bằng. Sau khi hoàn thành khóa học, ông Hảo không nhận được bằng tốt nghiệp và nhiều giấy tờ tùy thân quan trọng.
Ông từng là phó giám đốc một hợp tác xã công nghiệp và ứng cử làm quyền giám đốc một doanh nghiệp khác. Do không có bằng tốt nghiệp ĐH nộp cho công ty, ông không thể tiếp tục đảm nhận chức vụ.
Ông Hảo cho rằng việc Trường ĐH Kinh tế quốc dân giữ bằng tốt nghiệp đã gây ra hàng loạt hậu quả, thiệt hại cho bản thân như ông không được làm các thủ tục đăng ký kết hôn, khai sinh và cho con học tại các trường công ở Hà Nội. Ông còn không được tiếp cận công việc, mua nhà đất, không được hưởng ưu đãi của bộ đội phục viên, không có cơ hội thăng tiến.
Ông Hảo nói mình sống như “người vô gia cư, không chứng minh thư, hộ chiếu, không thể xuất ngoại, không mua bán tài sản nhà đất, có tiền để thành lập doanh nghiệp nhưng không thể đứng tên”.
“Trước khi khởi kiện, ông có động thái gì với trường?” – chủ tọa đặt câu hỏi.
“Nói thật, giờ nhắc lại tôi thấy nản. Tôi đã đi lại rất nhiều, tần suất dày đặc đến trường liên hệ với người có chức vụ và quyền hạn. Năm nào tôi cũng đến trường nhiều lần để hỏi, vì công ty cũng thúc giục chuyện bằng cấp, nhưng không có kết quả”, ông Hảo giãi bày.
Đến năm 2019 ông Hảo mới nhận được bằng tốt nghiệp ĐH từ Trường ĐH Kinh tế quốc dân, sau khi đã khởi kiện ra tòa và trải qua năm phiên hòa giải. Tại phiên tòa, do nhà trường trao trả bằng nên tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính.
Phía nhà trường nói gì?
Đại diện phía nhà trường tham dự phiên tòa, luật sư Trần Hồng Phúc đưa ra nhiều lập luận khẳng định Trường ĐH Kinh tế quốc dân “không giữ bằng” của ông Hảo như tố cáo. Luật sư đưa ra một số tài liệu cho rằng ông Hảo ban đầu là sinh viên lớp công nghiệp khóa 26 (niên khóa 1984 – 1988). Tuy nhiên trong quá trình học, ông bị lưu ban và chuyển sang học tiếp với lớp khóa 27.
Về lý do ông Hảo không được xét tốt nghiệp vào thời điểm năm 1989, luật sư cho biết ông Hảo đã vi phạm quy chế thi, dẫn đến việc bị tạm hoãn công nhận tốt nghiệp. Theo quy định, sinh viên vi phạm như vậy có thể bị tạm hoãn trong 1-2 năm.
Tuy nhiên phải đến năm 1994, tức sau 5 năm, ông Hảo mới được đưa vào danh sách xét công nhận tốt nghiệp. Giải thích về thời gian kéo dài này, đại diện cho biết nhà trường không tìm thấy giấy tờ liên quan đến việc ông Hảo đã nộp hồ sơ xét tốt nghiệp từ năm 1989. Mãi đến năm 1994, nhà trường mới ghi nhận tên ông Hảo trong danh sách xét tốt nghiệp.
Luật sư tiếp tục khẳng định “phải đến 2017 ông Hảo mới có thư gửi đến trường hỏi có thể cấp bằng tốt nghiệp và lấy lại hồ sơ giấy tờ không”. Nhà trường đã họp phân công cán bộ phụ trách trực tiếp triển khai tìm kiếm và tìm thấy hồ sơ của ông Hảo “trong một khe tủ”.
Việc chậm trễ trả hồ sơ theo luật sư là do “nguyên nhân khách quan”. Trong thời gian đó, trường liên tục chuyển địa điểm, nhiều cán bộ nghỉ hưu hoặc qua đời, việc quản lý hồ sơ gặp nhiều khó khăn.
“Theo quy định, sinh viên phải chủ động đến trường đề nghị cấp bằng tốt nghiệp chứ không có thông báo nào?” – chủ tọa đặt vấn đề.
Luật sư khẳng định sinh viên phải chủ động đến đề nghị nhà trường cấp bằng tốt nghiệp tùy theo nhu cầu công việc. Nguyên tắc có lợi cho sinh viên, nhà trường sẽ bảo lưu kết quả cho đến khi sinh viên đến trường liên hệ đề nghị cấp bằng.
“Từ năm 1994 đến trước 2017 ông Hảo không có động thái nào liên hệ nhà trường, mà phải đến năm 2017 mới có thư gửi đến nhà trường hỏi có thể lấy bằng tốt nghiệp không. Do đó phải đến năm 2019 trường mới cấp bằng lần đầu cho ông Hảo” – luật sư nói và cho rằng các yêu cầu đòi bồi thường của phía nguyên đơn là “không có căn cứ”.
Sau khi thẩm vấn cả phía nguyên đơn và bị đơn, chủ tọa cho biết nội dung đơn khởi kiện ban đầu của ông Hảo và lời trình bày tại tòa có nhiều điểm khác biệt.
Đáng chú ý, số tiền yêu cầu bồi thường đã được ông Hảo điều chỉnh tăng từ hơn 36 tỉ lên gần 44 tỉ đồng, con số khác biệt rất lớn. Chủ tọa đề nghị ông Hảo cần cung cấp bảng đánh giá chi tiết, làm rõ căn cứ của từng khoản bồi thường để hội đồng xét xử có cơ sở xem xét, đánh giá đầy đủ và chặt chẽ nên đã tạm dừng phiên tòa.
Cựu sinh viên khẳng định chưa từng nghe “bị nhà trường kỷ luật”
Trước khi hội đồng xét xử dừng phiên tòa, ông Hảo xin được trình bày “ý kiến nhỏ”. Ông nói “bị bất ngờ” khi nghe thông tin luật sư trình bày mình từng bị nhà trường kỷ luật.
“Tôi từng có sáu học kỳ là lớp phó học tập, là thành viên hội đồng khen thưởng của nhà trường, năm học kỳ là sinh viên tiên tiến, nhưng giờ nói tôi bị kỷ luật, vin vào văn bản nào đó nói tôi bị treo bằng” – ông Hảo nói và đề nghị nhà trường cung cấp văn bản liên quan.
Trước ý kiến trên, chủ tọa ngắt lời thông báo tài liệu liên quan đã được nộp lên hội đồng xét xử, nguyên đơn có quyền làm đơn đề nghị sao chụp toàn bộ hồ sơ vụ án. Mặc dù được hội đồng xét xử giải thích, nhưng ông Hảo vẫn cho rằng mình đang đề nghị công khai tại tòa “nên không phải làm đơn”.