Cựu giám đốc bị khởi tố từ 15 năm trước xin bổ sung chứng cứ bị tiêu hủy hồ sơ

Bị cáo xin bổ sung tài liệu, chứng cứ

Sáng 6/5, TAND TP Hà Nội mở lại phiên sơ thẩm xét xử các bị cáo Nguyễn Đình Bang (SN 1951, cựu Giám đốc Công ty Trường Sinh), Nguyễn Huy Khang (SN 1959) và Hoàng Thị Xuân (SN 1963) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Phiên tòa dự kiến kéo dài nhiều ngày.

Vụ án được khởi tố năm 2010, ông Bang bị bắt giam từ đó đến năm 2016 mới được thay đổi biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Còn ông Nguyễn Huy Khang bị tạm giam năm 2011, được tại ngoại hồi giữa năm 2024 sau một phiên tòa không thể tuyên án.

Đáng chú ý, cơ quan tố tụng từng nhiều lần điều tra bổ sung vụ án và xét xử lần đầu năm 2016 nhưng bị tòa phúc thẩm hủy án năm 2017.

Đến năm 2020, TAND TP Hà Nội xử lại vụ án, vẫn kết tội ông Bang đồng phạm với Nguyễn Huy Khang về hành vi lừa đảo. Năm 2022, tòa cấp cao lại tuyên hủy án sơ thẩm do bị cáo Hoàng Thị Xuân mới bị bắt.

Tại tòa sáng nay, bị cáo Nguyễn Đình Bang xin bổ sung chứng cứ gồm 5 file ghi âm và các tài liệu thể hiện trong giai đoạn đầu vụ án, một phần hồ sơ có dấu hiệu bị tiêu hủy rồi tráo bằng các tài liệu khác dẫn tới thay đổi nội dung vụ việc.

Bị cáo Nguyễn Huy Khang nộp một chứng cứ thể hiện vào năm 2011, ông vẫn đang làm báo cáo thuế ở công ty, không bỏ trốn nhưng hồ sơ vụ án thể hiện ông “bị bắt theo lệnh truy nã”.

Các luật sư tham gia vụ án đề nghị triệu tập thêm người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nhằm làm rõ bản chất vụ án, bao gồm áp giải một luật sư tham gia soạn thảo hợp đồng.

Một luật sư khác bảo vệ quyền lợi, nghĩa vụ cho người liên quan cũng nộp thêm tài liệu, cho rằng chúng thể hiện cơ quan điều tra đã bỏ lọt tội phạm về cho vay lãi nặng, xâm phạm chỗ ở hợp pháp của người khác và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau hội ý, chủ tọa thay mặt HĐXX tuyên bố dù vắng mặt một số người nhưng họ đã có nhiều lời khai ở giai đoạn điều tra; nếu cần thiết sẽ triệu tập sau. Do vậy, tòa tiếp tục với việc đại diện viện kiểm sát công bố cáo trạng.

Cựu giám đốc bị khởi tố từ 15 năm trước xin bổ sung chứng cứ bị tiêu hủy hồ sơ ảnh 1

Bị cáo Nguyễn Đình Bang cùng nhóm bị cáo tại phiên tòa.

Vụ án nhiều mâu thuẫn, xét xử nhiều lần

Theo cơ quan truy tố, năm 2008, khi Công ty Trường Sinh được UBND tỉnh Hà Tây (sau nhập vào Hà Nội) cho làm chủ đầu tư dự án An Khánh, trên khu đất 6.448m2. Doanh nghiệp này do bị cáo Bang và một người khác làm chủ.

Dù đứng tên dự án nhưng trước đó Công ty Trường Sinh đã chuyển 50% diện tích cho Công ty ADISCO do ông Nguyễn Kim Hải làm Giám đốc nên thực tế, 2 doanh nghiệp này đồng sở hữu dự án An Khánh.

Tỉnh Hà Tây sau đó sát nhập nên UBND TP Hà Nội yêu cầu Công ty Trường Sinh bổ sung giấy tờ về dự án. Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội cũng xác định, đến năm 2011, doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện các thủ tục liên quan.

Theo Viện kiểm sát, dù chưa đầy đủ giấy tờ nhưng Nguyễn Đình Bang đã tạo dựng các văn bản thể hiện bị cáo Nguyễn Huy Khang là người mua 80% cổ phần của Công ty Trường Sinh, chịu trách nhiệm triển khai dự án An Khánh. Việc này nhằm tạo điều kiện cho bị cáo Khang đi “huy động vốn”.

Còn Nguyễn Huy Khang sau đó dùng văn bản này để ông Thái Khắc Toàn, Phó giám đốc Công ty Huy Phát tin tưởng, ký hợp đồng góp vốn không số ngày 8/4/2010, thể hiện Công ty Huy Phát góp 34 tỷ đồng vào dự án của Công ty Trường Sinh.

Sau đó, ông Toàn đã chuyển tổng cộng hơn 22 tỷ đồng cho các bị cáo Khang và Bang.

Cơ quan truy tố xác định trong số 22 tỷ đồng trên, Nguyễn Đình Bang chiếm đoạt 19 tỷ đồng còn Nguyễn Huy Khang chiếm đoạt 3 tỷ đồng cùng 17.000 USD.

Với bị cáo Hoàng Thị Xuân, điều tra xác định đây là bạn gái của Nguyễn Huy Khang, có hành vi làm giả quyết định bổ nhiệm bản thân là Phó giám đốc Công ty Trường Sinh. Bị cáo cũng lợi dụng văn bản này, đi huy động vốn rồi chiếm đoạt của 4 bị hại với tổng số tiền hơn 57 tỷ đồng.

Bản án sơ thẩm các năm 2016 và năm 2020 đều tuyên phạt ông Khang 18 năm tù, ông Bang 16 năm tù nhưng cả 2 người đều kêu oan.

Riêng ông Bang cho rằng, bản chất việc ông Toàn chuyển tiền cho ông Khang là “vay nặng lãi” nhưng hợp thức thành văn bản đầu tư dự án nên khi không thể trả nợ, ông Toàn mới làm đơn tố cáo. Về số tiền 19 tỷ đồng ông Bang bị cáo buộc nhận rồi chiếm đoạt, thực chất là tiền ông Khang trả nợ (15 tỷ đồng) và mua cổ phần, đặt cọc góp vốn…

Còn tại bản án phúc thẩm năm 2017, cũng chỉ ra hàng loạt vấn đề quan trọng chưa được làm rõ. Đầu tiên là việc không có tài liệu chứng minh hơn 22 tỷ đồng là thiệt hại trong vụ án có nguồn gốc từ Công ty Huy Phát nên chưa thể khẳng định doanh nghiệp này là nguyên đơn dân sự.

Tòa phúc thẩm còn cho rằng, điều tra viên ghi không đúng lời khai của bị cáo Nguyễn Huy Khang, nhiều lần bị cáo phải tự ghi lại và đề nghị thay đổi điều tra viên nhưng đều không được giải quyết theo quy định.

Bản thân ông Toàn có lời khai không thống nhất về các hành vi gian dối tự xưng là Giám đốc Công ty Trường Sinh của bị cáo Nguyễn Huy Khang. Nội dung tố cáo của ông Toàn, các lời khai của ông Toàn mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với các chứng cứ khác.

Tòa phúc thẩm cho rằng chưa có cơ sở vững chắc để xác định quan hệ giữa ông Toàn và ông Khang là quan hệ vay nợ cá nhân hay thực sự là quan hệ góp vốn đầu tư dự án. Cũng chưa làm rõ quan hệ này có liên quan đến vai trò đồng phạm của ông Bang hay không.

Diễn biến các phiên tòa cũng ghi nhận, ông Bang đề nghị xem xét hành vi cố tình làm sai lệch hồ sơ của điều tra viên, theo ông việc này khiến ông bị oan.