ADB định hướng tương lai bền vững cho châu Á

tương lai bền vững - Ảnh 1.

Chủ tịch ADB Masato Kanda (phải) tại cuộc họp báo về Hội nghị thường niên ADB lần 58 ở Allianz MiCo ngày 4-5 – Ảnh: QUỲNH TRUNG

Hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khai mạc ngày 4-5 tại Milan (Ý), là sự kiện cấp cao đầu tiên của ADB tại châu Âu trong gần một thập niên qua.

Với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng tương lai”, hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề then chốt nhằm định hình lộ trình phát triển bền vững cho các quốc gia thành viên.

Cơ hội phát triển mới

Tại cuộc họp báo trưa 4-5 (giờ địa phương) ở trung tâm hội nghị Allianz MiCo, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Masato Kanda đã công bố kế hoạch mở rộng hỗ trợ an ninh lương thực và dinh dưỡng dài hạn.

Buổi họp có sự tham dự của hàng trăm phóng viên từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có phóng viên báo Tuổi Trẻ.

Theo đó, ADB sẽ bổ sung 26 tỉ USD, nâng tổng vốn tài trợ cho lĩnh vực này lên 40 tỉ USD trong giai đoạn 2022 – 2030.

Khoản hỗ trợ này được dùng để triển khai một chương trình toàn diện, bao trùm toàn bộ quy trình sản xuất thực phẩm – từ trồng trọt, chế biến đến phân phối và tiêu dùng.

“Hạn hán, lũ lụt, nắng nóng cực đoan và tài nguyên thiên nhiên bị suy thoái chưa từng có đang làm suy yếu sản xuất nông nghiệp, đồng thời đe dọa an ninh lương thực và sinh kế nông thôn. Sự hỗ trợ mở rộng này sẽ giúp các quốc gia giảm bớt nạn đói, cải thiện chế độ ăn uống và bảo vệ môi trường tự nhiên, đồng thời tạo cơ hội cho nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp”, Chủ tịch Kanda nhấn mạnh.

Vấn đề nóng nhất tại hội nghị là tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các nền kinh tế châu Á.

Chủ tịch Kanda thẳng thắn đánh giá chính sách này chứa đầy “sự không chắc chắn” và liên tục thay đổi. Tuy nhiên, ông khẳng định khu vực châu Á hiện nay đã mạnh hơn trước đây.

“Tôi cho rằng sự không chắc chắn hiện tại là cơ hội tốt để cho các quốc gia châu Á và Thái Bình Dương biến những thách thức này thành cơ hội để làm cho nền kinh tế của họ kiên cường hơn, mạnh mẽ hơn và cởi mở hơn với các đối tác mới”, người đứng đầu ADB chia sẻ.

Ông Kanda đưa ra hai kiến nghị chính sách cho khu vực châu Á: thực hiện chính sách kinh tế bảo vệ sự ổn định của dòng chảy kinh doanh bền vững và tăng cường kết nối khu vực để củng cố khả năng phục hồi tập thể.

Chính sách kinh tế này bao gồm thúc đẩy nhu cầu trong nước và đa dạng hóa các ngành công nghiệp, đối tác thương mại và điểm đến của chuỗi cung ứng.

Hỗ trợ Việt Nam

Tính đến cuối năm 2023, ADB đã cam kết 458 khoản vay, viện trợ không hoàn lại và hỗ trợ kỹ thuật cho khu vực công của Việt Nam với tổng giá trị 16,5 tỉ USD.

ADB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường hệ thống giao thông vận tải có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển đô thị bền vững, cải thiện kết nối nông thôn và giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa.

Trong cuộc tiếp Phó chủ tịch ADB Scott Morris ngày 16-4 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ADB hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn có tính chất xoay chuyển tình thế, như các tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, cao tốc trục ngang, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, các tuyến đường sắt đô thị tại TP.HCM, Hà Nội, tuyến đường sắt kết nối Việt Nam với Lào, các dự án hạ tầng năng lượng như nhà máy điện hạt nhân và các dự án năng lượng tái tạo.

Thủ tướng cũng đề nghị ADB tiếp tục dành các khoản tài trợ phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam. Ông Scott Morris khẳng định ADB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm các nguồn tài chính, đặc biệt là tài chính cho các dự án hạ tầng theo đề xuất của Thủ tướng.

Bên cạnh đó, một vấn đề thu hút nhiều sự chú ý tại hội nghị là cạnh tranh Mỹ – Trung, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang leo thang.

Chủ tịch ADB Masato Kanda trong cuộc phỏng vấn với báo Yomiuri Shimbun tiết lộ ngân hàng đa phương này sẽ thảo luận về việc có nên chấm dứt các khoản vay cho Trung Quốc hay không, sau yêu cầu gần đây của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Mỹ cho rằng việc Trung Quốc, một siêu cường kinh tế, nhận các khoản vay từ ADB – tổ chức tồn tại để hỗ trợ các nước đang phát triển – là không phù hợp.

Hội nghị thường niên ADB 2025 tại Milan diễn ra trong bốn ngày với khoảng 5.000 đại biểu tham dự, bao gồm hơn 60 phái đoàn quốc tế từ các nước G7 và các nền kinh tế lớn của châu Á – Thái Bình Dương.

Sự kiện còn có sự góp mặt của khoảng 700 tổ chức tài chính và ngân hàng từ khắp nơi trên thế giới. Bốn trọng tâm chính của hội nghị gồm: an ninh lương thực bền vững, chuyển đổi số, cách mạng năng lượng và đổi mới để phục hồi.

ADB định hướng tương lai bền vững cho châu Á - Ảnh 2.ADB tăng quy mô tài trợ lên 36 tỉ USD

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố kế hoạch mở rộng hoạt động đầy tham vọng, dự kiến tăng quy mô tài trợ hằng năm từ 24 tỉ USD vào năm 2024 lên hơn 36 tỉ USD vào năm 2034.