Trung QuốcKhông có chồng con, không còn cha mẹ, sau khi Triệu Tấn qua đời ở tuổi 41 vì bệnh tật, chín người thân hai bên nội ngoại đòi chia di sản cô để lại dù không phải người thừa kế hợp pháp.
Trong hồ sơ tòa án công bố ngày 28/4, Triệu Tấn được chẩn đoán bị suy thận mạn tính ở tuổi 34, gia đình cô có tiền sử bệnh tiểu đường. Sau 7 năm điều trị, bệnh của Tấn đã đến giai đoạn cuối, gây ra gần 20 biến chứng, phải đến bệnh viện để chạy thận ba lần một tuần.
Ốm đau nhiều bệnh nhưng Tấn chỉ sống một mình vì đã ly hôn, không có con cái. Là con một, sau khi bố mẹ lần lượt qua đời vào năm 2019, Tấn đã mất đi tất cả người thân trực hệ về mặt pháp lý.
Tấn có năm cô, chú bên nội và bốn cậu, dì bên ngoại. Chín người này thỉnh thoảng liên lạc, đi cùng cô đến bệnh viện, mang cho ít đồ ăn, và mời cô đến nhà ăn uống dịp lễ Tết. Phần lớn thời gian, Tấn dựa vào chính mình.
Tình hình tài chính của Tấn không quá khó khăn. Cô phải nghỉ việc sớm vì bệnh tật, nhận được lương hưu hàng tháng khoảng 1.500 nhân dân tệ (hơn 5 triệu đồng). Ngoài ra, Tấn còn mở một cửa hàng trực tuyến bán trái cây, có một người chú lái taxi thỉnh thoảng giúp giao hàng.
Dù đến bệnh viện chạy thận đều đặn hàng tuần, việc sống một mình vẫn có rủi ro. Tấn qua đời ở tuổi 41 vì biến chứng tăng kali máu, gây liệt cơ và rối loạn nhịp tim mà không được cấp cứu kịp thời.
Tấn để lại tài sản gồm căn nhà, tiền gửi ngân hàng và hai hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Cô không có người thừa kế hợp pháp, không lập di chúc khi còn sống. Năm cô, chú và bốn cậu, dì của Tấn đều muốn được chia di sản.
Bên nội và bên ngoại bất đồng quan điểm về cách chia tiền: bên nội họ Triệu cho rằng nên chia đều theo số người, mỗi người 1/9; nhưng bên ngoại họ Mễ ít người hơn nên đòi chia đôi theo hai bên nội – ngoại trước, sau đó lại chia đều cho các thành viên trong nhà. Theo cách tính này, mỗi người họ Triệu sẽ nhận được 1/10, và mỗi người họ Mễ nhận được 1/8, nhưng nhà họ Triệu không đồng ý. Vì không thống nhất được tỷ lệ phân chia, nhà họ Triệu kiện nhà họ Mễ ra tòa.
Ngày 17/11/2023, hơn một năm sau khi Tấn qua đời, vụ tranh chấp di sản thừa kế của Tấn được đệ trình lên TAND quận Xương Bình (Bắc Kinh).
Bộ luật Dân sự của nước CHND Trung Hoa quy định vợ/chồng, con, cha mẹ là hàng thừa kế thứ nhất; anh chị em ruột, ông bà nội, ông bà ngoại là hàng thừa kế thứ hai; pháp luật không thiết lập hàng thừa kế thứ ba. Vì vậy, dưới tình huống di sản của Tấn không có người thừa kế và không có người được để lại di chúc thì về mặt pháp lý, di sản sẽ do nhà nước quản lý và sử dụng vào mục đích phúc lợi công cộng, nếu có người đảm nhận chăm sóc Tấn thì có thể phân chia một phần tài sản hợp lý.
Thẩm phán Đỗ Xuân Long cho rằng sẽ không hợp lý nếu 9 người thân nhận được toàn bộ di sản, vì không phải là người thừa kế hợp pháp. Số tiền cụ thể mà 9 người thân có thể nhận được sẽ phụ thuộc vào chứng cứ mà họ đưa ra trước tòa để chứng minh mức độ chăm sóc dành cho Tấn khi cô còn sống.
Trên phiên tòa xét xử vào tháng 5/2024, cả 9 người họ hàng của Tấn đều có mặt, ngồi thành hai hàng đối diện nhau.

Hai gia đình nội – ngoại của Triệu Tấn ra tòa trong vụ kiện tranh di sản. Ảnh: Renwu
Với tư cách là nguyên đơn, nhà họ Triệu đưa ra lời khai trước. Cô cả của Tấn cho biết, khi Tấn nằm viện, bà sẽ gọi điện hỏi thăm tình hình và thỉnh thoảng đến nhà giúp dọn dẹp.
Cô hai kể con trai bà đã lo liệu tang lễ cho Tấn. Cô ba sống khá xa Tấn, thỉnh thoảng mới đến thăm nhưng lần nào cũng mang theo quà cáp. Chú tư sống cùng khu phố với Tấn, thỉnh thoảng đi cùng cháu gái đến bệnh viện để chạy thận và mời đến nhà ăn mừng lễ Tết. Chú năm, tài xế taxi giúp giao hoa quả, chứng minh rằng vợ ông từng đưa Tấn đi Hong Kong du lịch, bản thân cũng đưa cháu đến bệnh viện trong trường hợp khẩn cấp.
Năm người bên nội không cung cấp nhiều chi tiết, nhưng quan điểm chung là họ chăm sóc Tấn nhiều hơn bên ngoại.
Trong khi đó, nhà họ Mễ cho biết đã cung cấp trợ giúp và chăm sóc tương tự nhà họ Triệu. Dì cả của Tấn cũng mắc bệnh tiểu đường, phải chạy thận nhân tạo hơn ba năm qua, cho biết bà đã đến thăm và chăm sóc Tấn tại bệnh viện. Cậu hai thường mang đồ ăn mà Tấn thích đến, thỉnh thoảng cho cháu ở lại nhà khi đến bệnh viện điều trị. Dì ba từng đưa Tấn đi khám bong võng mạc, thường xin nghỉ làm về sớm để chăm sóc cháu. Cậu tư kể từng gửi đồ ăn cho cháu gái, nhắn tin hỏi han.
Tuy nhiên, chỉ có người chú năm lái taxi cung cấp được nhiều bằng chứng hơn một chút, như vé máy bay cho vợ và Tấn đi Hong Kong, lịch sử chuyển tiền lì xì trực tuyến và chữ ký của ông trên tờ đơn đồng ý phẫu thuật khi Tấn nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, chứng minh rằng ông đã giúp Tấn đưa ra quyết định y tế trong thời điểm nguy cấp.
Ủy ban khu phố nơi Tấn sinh sống cho biết cô có thể tự chăm sóc bản thân và thường tự mình đến bệnh viện, chỉ cần sự giúp đỡ của người thân khi tình trạng nghiêm trọng. Nhìn chung, không có người thân nào đảm nhận công việc chăm sóc rõ ràng.
Thẩm phán Đỗ Xuân Long nhận định, không ai trong số 9 người thân có đủ tư cách được coi là người chăm sóc và không có quyền thừa kế nhiều di sản của Tấn.
Sau phiên xét xử thứ hai, tòa ra phán quyết căn nhà của Tấn sẽ do nhà nước quản lý, còn tiền gửi ngân hàng và bảo hiểm nhân thọ được chia cho chín người thân. Theo chứng cứ, chú năm lái taxi là người giúp đỡ Tấn nhiều nhất nên được hưởng 20% số di sản này, mỗi người thân khác được 10%.
Dù cả hai gia đình không đồng tình với việc căn nhà thuộc về nhà nước, không ai kháng cáo nên phán quyết có hiệu lực.
Với tư cách là đơn vị quản lý di sản, Cục Dân chính có thể sử dụng cho các hoạt động phúc lợi công cộng như xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người già và trẻ mồ côi, cứu trợ người bệnh và người tàn tật…
Trên thực tế, 9 người họ hàng nhận được rất ít di sản. Số tiền trong thẻ ngân hàng của Tấn chỉ hơn 24.000 nhân dân tệ (khoảng 86 triệu đồng). Với khoản trợ cấp hơn 70.000 nhân dân tệ, theo phán quyết, mỗi người thân sẽ nhận được hơn 8.000 nhân dân tệ, nhưng một phần trong đó đã được dùng để chi trả cho đám tang của Tấn.
Với hai hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trị giá hơn 1 triệu nhân dân tệ, chú năm lái taxi có thể nhận được 200.000 nhân dân tệ, những người thân khác nhận 100.000 nhân dân tệ. Nhưng sau khi trừ đi chi phí luật sư và tố tụng của vụ kiện kéo dài một năm, hầu hết người thân cuối cùng chỉ nhận được vài chục nghìn nhân dân tệ, không nhiều như mong đợi ban đầu.
Sau khi vụ án này kết thúc, một vụ án liên quan xảy ra ở Thượng Hải: một ông lão sống một mình đột ngột qua đời tại nhà cách đây ba năm, để lại tài sản trị giá một triệu nhân dân tệ và một ngôi nhà. Ông cũng không có người thừa kế hợp pháp và không có di chúc, vì vậy tòa án đã chỉ định Cục Dân chính là đơn vị quản lý di sản.
Em họ của ông lão kiện Cục Dân chính, đưa ra bằng chứng rằng thường đến thăm ông lão khoảng một lần một tuần và đôi khi chăm sóc khi ông lão lên cơn động kinh. Ủy ban khu phố xác nhận việc này. Tòa án xem xét mức độ giúp đỡ của người em họ và cuối cùng đã trao toàn bộ tiền tiết kiệm và tiền bảo hiểm của ông lão cho người em họ, còn ngôi nhà do nhà nước quản lý.
Phán quyết của hai vụ án tương tự nhau. Thẩm phán Đỗ Xuân Long cho rằng, thời đại ngày nay, độc thân và sống một mình đã trở thành hiện tượng phổ biến, trong tương lai sẽ có càng nhiều vụ tranh chấp di sản không có người thừa kế. Luật pháp cũng sẽ xây dựng các quy định để theo kịp những thay đổi của thời đại.
Tuệ Anh (Theo Renwu Magazine)