‘Ông ơi sao ông nhiều huy chương thế!’

huy chương - Ảnh 1.

Rất đông người tham quan bảo tàng sáng 1-5, các gia đình đưa em nhỏ đến tìm hiểu lịch sử – Ảnh: N.AN

Cơn mưa nặng hạt buổi đêm, về sáng tại Hà Nội sáng 1-5 không ngăn được dòng người đổ về Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam trong những ngày tháng 4 lịch sử. Từ những em bé còn rất nhỏ tuổi hay các cụ già đi lại đã khó khăn, được trực tiếp nhìn ngắn những chứng tích còn lại của chiến tranh giữa thời bình, đều không khỏi xúc động. 

Những người lính già tìm về… ký ức

Từ sáng sớm tinh mơ, đi cùng đoàn con cháu gồm hơn 20 người đến tham quan bảo tàng, cụ ông Lê Văn Trót (80 tuổi, quê Yên Bái) mang trong mình nỗi niềm bồi hồi xúc động. Dù sức khỏe không còn được như trước, đi lại khó khăn nhưng được trực tiếp nhìn ngắm những kỷ vật một thời bom đạn, khuôn mặt ông rạng rỡ. 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Văn Trót hồi tưởng lại suốt gần chục năm rời quê hương vào chiến trường miền Nam, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với biết bao gian khổ, hiểm nguy – là những kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời ông.

Là chiến sĩ của đội kỷ luật, đóng quân tại huyện Phước Long (cũ), tỉnh Bình Phước thuộc sư đoàn 7, ngoài nhiệm vụ chính là canh giữ các phạm nhân đảo ngũ, ông và các đồng đội còn có nhiệm vụ đặc biệt, đó là chuyển tài liệu về các đơn vị để triển khai thực hiện yêu cầu của cấp trên trong cuộc chiến.

huy chương - Ảnh 2.
huy chương - Ảnh 3.

Ông Lê Văn Trót giới thiệu về những huân, huy chương nhận được cho một cô bé – Ảnh: N.AN

Dù tuổi đã cao nhưng trong ký ức ông vẫn vẹn nguyên những ngày tháng không thể nào quên. Ông Trót kể gần như đêm nào, các chiến sĩ cũng phải thay nhau vượt sông Sài Gòn, hoàn thành nhiệm vụ cao cả là đưa tài liệu của Bộ Tư lệnh miền cho các đơn vị. 

“Đó là giai đoạn ác liệt của cuộc chiến, khi nhiều chiến dịch lớn liên tục diễn ra để giành lại trận địa miền Nam, nên nguy hiểm luôn bủa vây, rình rập với mỗi người lính. 

Có nhiều trận đánh của Mỹ, vừa bao vây bộ chỉ huy vừa cho trinh sát vào các cứ điểm, các chiến sĩ đều có thể hy sinh bất cứ lúc nào” – ông Trót bồi hồi nhớ lại. 

Câu chuyện của người chiến sĩ năm xưa được các em nhỏ chăm chú lắng nghe trong niềm thích thú. Một cô bé nhìn vào ông cụ, tò mò đặt câu hỏi: “Ông ơi, sao ông có nhiều huy chương thế!”. Ông Trót nắm tay cô bé, chỉ lên ngực của mình và giảng giải từng chiếc huy chương có ý nghĩa thế nào, trong sự khâm phục và ngưỡng mộ lớn của cô bé và các bạn trẻ.

huy chương - Ảnh 4.

Ông Phạm Huy Thái nhìn các kỷ vật còn lại trong chiến trang với niềm xúc động – Ảnh: N.AN

Những câu chuyện làm xúc động người trẻ

Một người lính khác là ông Phạm Huy Thái – chiến sĩ đóng quân tại bến Phà Đen thuộc đoàn vận tải đường thủy Hồng Hà – trở về bảo tàng để có thể ôn lại những năm tháng mà ông cùng đồng đội đã sống và chiến đấu hào hùng.

Ông Thái kể đoàn vận tải Hồng Hà được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt tên, có nhiệm vụ vận chuyển những chuyến hàng bằng xà lan với hàng trăm tấn để chi viện cho miền Nam. Đặc biệt trong giai đoạn chiến trường ác liệt nhất, việc vận tải luôn đối diện với rất nhiều hiểm nguy, gian khó.

“Để ngăn chặn những chuyến hàng chi viện, Mỹ thả bom từ trường chặn các cửa biển, cửa sông. Có những lúc mà trong miền Nam thiếu xăng đến mức chúng tôi phải gùi từng chuyến xăng vào cho tàu vận chuyển.

Tôi và đồng đội đã có nhiều lần gặp hiểm nguy, nhưng kỷ niệm nhớ nhất là mở đường ở âu Bến Thủy năm 1970, chuyến tàu chỉ chở 50 tấn hàng thay vì 100 tấn để đi thật nhanh, dụ địch thả bom từ trường. Sau loạt bom đó thì chúng tôi đã mở được đường cho các đoàn tàu khác đi qua an toàn” – ông Thái xúc động kể. 

huy chương - Ảnh 5.
huy chương - Ảnh 6.
huy chương - Ảnh 7.

Những bạn trẻ và các cháu nhỏ hào hứng xem các thước phim, kỷ vật còn lại từ chiến tranh – Ảnh: N.AN

Đi qua những năm tháng bom đạn, đối diện với những hiểm nguy nhất, câu chuyện của những người lính già làm xúc động những người bạn trẻ cùng tham quan bảo tàng. 

Thanh Mai (sinh viên Học viện Tài chính) xin được nghe câu chuyện của ông Thái khi kể cho chúng tôi, cảm phục bởi sự dũng cảm, chấp nhận đương đầu với hi sinh của những người lính khi làm nhiệm vụ mở đường vận tải đưa hàng chi viện miền Nam.

Sang chiều, cơn mưa nặng hạt đã ngớt, trời hửng nắng, dòng người vẫn đổ về Bảo tàng Lịch sử quân sự ngày càng đông. Những chiếc máy bay, xe tăng, pháo xạ… trưng bày trong sân bảo tàng được những người lính năm xưa nhìn ngắm lại trong niềm xúc động, trong khi những cô bé, cậu bé thích thú xen lẫn niềm tự hào về một lịch sử hào hùng của dân tộc.