Vụ mì chính, dầu ăn, hạt nêm giả: Nhiều người ngơ ngác khi lãnh đạo xã ‘ngỡ ngàng’

Vụ mì chính, dầu ăn, hạt nêm giả: Nhiều người ngơ ngác khi lãnh đạo xã 'ngỡ ngàng' - Ảnh 1.

Các mặt hàng mì chính, dầu ăn, bột nêm, bột canh do Công ty TNHH Famimoto Việt Nam sản xuất – Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ

Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, Công an tỉnh Phú Thọ vừa đột kích, khám xét khẩn cấp xưởng sản xuất và kho hàng của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam (gọi tắt Công ty Famimoto, ở xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì), tạm giữ hàng trăm tấn mì chính (bột ngọt), dầu ăn, hạt nêm, bột canh giả.

Lãnh đạo UBND xã Thụy Vân (TP Việt Trì) cho biết xã không có thẩm quyền kiểm tra và công ty này cũng không báo hoạt động. 

Dưới bài viết “Lãnh đạo xã ‘ngỡ ngàng’ khi nghe tin Công ty Famimoto sản xuất mì chính, hạt nêm giả“, nhiều bạn đọc “ngơ ngác” đặt vấn đề trách nhiệm quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng.

Cơ quan quản lý ở đâu?

Bạn đọc Lê Quang Hùng lo lắng: “Thời gian gần đây nhiều nhu yếu phẩm bị phát hiện làm giả như kẹo giả, sữa giả, thuốc giả. Giờ đến thứ người dân hằng ngày không thể thiếu trong bữa ăn của mình cũng bị làm giả. Thật đáng sợ”.

Bạn đọc Ana bày tỏ: “Trong thời gian ngắn lực lượng công an các tỉnh đã phá nhiều cơ sở sản xuất hàng giả như sữa giả, thuốc giả và bây giờ là thực phẩm giả…

Mong rằng lực lượng công an tiếp tục tấn công loại tội phạm này nhiều hơn nữa, góp phần làm trong sạch thị trường. 

Qua đây cũng xin hỏi cơ quan quản lý thị trường đã làm gì khi mà hàng giả ngày càng nhiều như vậy?”.

“Hậu quả của việc quản lý lỏng lẻo khiến cho tệ nạn sản xuất và buôn bán hàng giả tràn lan” – bạn đọc Toàn đặt vấn đề.

Bạn đọc Dương Văn Tuấn cho rằng: “Một đại công xưởng hoành tráng như thế giờ đây mới bị phát hiện sản xuất thực phẩm giả. Hết sữa bột đến thuốc giả, nay lại đến thực phẩm giả. 

May là có cơ quan chức năng vào cuộc phát hiện ra. Không biết các cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm ở đâu, làm gì mà không biết?”.

Vụ mì chính, dầu ăn, hạt nêm giả: Nhiều người ngơ ngác khi lãnh đạo xã 'ngỡ ngàng' - Ảnh 2.

Cơ quan công an khám xét kho hàng và xưởng sản xuất của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam – Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ

Sản xuất thực phẩm giả: Không tử hình thì phải chung thân!

Bạn đọc Tạ Thị Hằng cho rằng đây là nguyên nhân dẫn tới việc người vào viện ngày càng nhiều, bởi mì chính, dầu ăn, hạt nêm là thực phẩm mà người dân dùng trong bữa ăn hằng ngày của gia đình.

“Xử lý thật nghiêm khắc về việc làm hàng giả, kém chất lượng theo quy định của pháp luật hiện hành” – bạn đọc Tạ Thị Hằng kiến nghị.

Bạn đọc Phúc Phát lo ngại: “Cứ làm giả như thế này, bảo sao ngày càng nhiều bệnh tật. Mong pháp luật trừng trị thật nghiêm minh và thu hồi tất cả sản phẩm đã bán ra thị trường, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người dân”.

“Đã đến lúc thay đổi luật để xử phạt những hành vi làm hàng giả hàng nhái, nhất là thực phẩm và các loại hóa chất dùng trong chế biến” – bạn đọc Vũ Đình Chiều nhận định.

Bạn đọc Minh Trần phân tích: “Sản xuất kinh doanh hàng giả là hành vi ảnh hưởng rất xấu đến sự phát triển kinh tế, uy tín hàng hóa, doanh nghiệp và sức khỏe của người dân, phải bị xử lý hình sự”.

Bạn đọc Danh Trung nhấn mạnh: “Phải chăng các chế tài xử phạt hàng giả, đặc biệt các loại thực phẩm thiết yếu, thuốc chữa bệnh giả, liên quan đến sức khỏe chưa đủ sức răn đe?”.

Vì thế bạn đọc Lê Hoài Nam kiến nghị: “Cần một bản án thật nặng để làm gương, không tử hình thì chung thân”.

Theo bạn đọc Trần Hữu Toàn, để phòng ngừa sản xuất mua bán các loại sản phẩm giả, nhái kém chất lượng.

“Mong cơ quan pháp luật thẳng tay trừng trị với mức án không khoan dung, tịch thu tài sản do phạm tội sung vào công quỹ. 

Đồng thời kịp thời kiểm tra, thanh tra những điểm bán sản phẩm qua mạng thật quyết liệt. Có như vậy nơi sản xuất, mua bán hàng giả không còn đất sống” – bạn đọc Trần Hữu Toàn kiến nghị.

Liên quan đến vụ việc này, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Hưng, giám đốc Công ty TNHH Famimoto Việt Nam, về hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm.