Người nhà đạp thẳng vào bụng bác sĩ khi đang cấp cứu bệnh nhân 12 tuổi bị sốc phản vệ

Người nhà đạp thẳng vào bụng bác sĩ khi đang cấp cứu bệnh nhân 12 tuổi bị sốc phản vệ - Ảnh 1.

Người nhà hành hung bác sĩ khi đang cấp cứu bệnh nhân – Ảnh cắt từ clip

Trên mạng xã hội đang lan truyền, chia sẻ clip ghi lại hình ảnh các y, bác sĩ đang khẩn trương, nỗ lực cấp cứu cho một bệnh nhân bị sốc phản vệ khi tiêm kháng sinh.

Đáng chú ý, trong đoạn clip dài hơn 3 phút, có nhiều người được cho là người nhà bệnh nhân đứng xung quanh liên tục gào khóc, công kích, thậm chí đạp thẳng vào bụng bác sĩ khi đang cấp cứu cho bệnh nhân.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Quang Thọ – giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ – xác nhận sự việc xảy ra chiều 25-4 tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba.

Theo đó, khoảng 17h15 ngày 25-4, em K.B.L. (12 tuổi) được gia đình đưa vào Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba trong tình trạng vùng trán, chân, tay xuất hiện vết sưng nề, bầm tím, chảy máu do tai nạn giao thông.

Sau khi thăm khám và làm các cận lâm sàng cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán chấn thương sọ não, vỡ xương trán do tai nạn giao thông.

Đến 17h30 cùng ngày, khi điều dưỡng tiến hành tiêm kháng sinh đường tĩnh mạch theo y lệnh được 1/3 bơm tiêm (7ml/20ml kháng sinh), bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện sốc phản vệ, khó thở, mạch nhanh, huyết áp tụt và nhanh chóng rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn.

Nhận định tình huống khẩn cấp, kíp trực đã ngay lập tức hồi sức tim phổi (CPR), cấp cứu sốc phản vệ theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Báo động cấp cứu toàn viện.

bác sĩ - Ảnh 2.

Các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba cấp cứu cho bệnh nhân bị sốc phản vệ do tiêm kháng sinh

Ông Thọ cho biết trong lúc các y, bác sĩ đang cấp cứu cho bệnh nhân thì người nhà bệnh nhân hoảng loạn, không giữ được bình tĩnh đã gào khóc, chửi bới, lao vào hành hung (đạp vào bụng – PV) bác sĩ.

Dù vậy các y, bác sĩ vẫn nỗ lực, tập trung cấp cứu cho bệnh nhân. Sau khoảng 3 phút, tim bệnh nhân đã đập trở lại và 5 phút sau, bệnh nhân đã tỉnh, gọi hỏi biết, huyết áp đã đo được ổn định.

Sau 20 phút bệnh nhân tỉnh táo, thở oxy qua gọng kính, có thể giao tiếp bình thường với nhân viên y tế và người nhà.

Sau khi bệnh nhân ổn định, các bác sĩ tiên lượng bệnh nhân có thể chảy máu não thêm ở vùng tổn thương nên bệnh nhân được chuyển tuyến đến cơ sở y tế có khả năng phẫu thuật sọ não để theo dõi tiếp và điều trị.

Theo giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, sốc phản vệ là một biến chứng hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được xử trí kịp thời.

Việc người nhà không giữ được bình tĩnh, gào thét, chửi bới, hành hung bác sĩ làm ảnh hưởng, có thể bỏ lỡ thời cơ vàng để cứu sống bệnh nhân.

Việc cấp cứu thành công ca bệnh này cũng cho thấy vai trò rất quan trọng của việc theo dõi sát bệnh nhân sau khi dùng thuốc, cũng như sự sẵn sàng và phối hợp của đội ngũ nhân viên y tế trong những tình huống khẩn cấp.