Bình ThuậnCông viên Tháp nước Phan Thiết được thiết kế mới, tăng vẻ đẹp đô thị, phục vụ nhu cầu văn hoá giải trí của người dân, du khách, dự kiến hoàn thành vào tháng 8 tới.
Ngày 27/4, ông Đỗ Minh Trí, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Phan Thiết cho biết dự án chỉnh trang cụm công viên Tháp nước Phan Thiết vừa được đầu tư với tổng vốn gần 14 tỷ đồng từ nguồn xổ số kiến thiết.

Phối cảnh tổng thể dự án chỉnh trang công viên tháp nước Phan Thiết. Ảnh: UBND TP Phan Thiết
Dự án do UBND TP Phan Thiết làm chủ đầu tư, ủy quyền cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quản lý điều hành, được triển khai ngay trong tuần này, dự kiến hoàn thành sau 4 tháng thi công.
Gần 7.000 m2 khuôn viên cũ, xuống cấp, tới đây sẽ được san nền để cải tạo, làm mới nhiều hạng mục như: lát vỉa hè, lối đi, khu vực hoạt động tập thể, quảng trường, công viên xanh, cây cảnh, điện chiếu sáng.

Phối cảnh một góc công viên cây xanh quanh tháp nước. Ảnh: UBND TP Phan Thiết
Theo thiết kế, vỉa hè được lát đá bazan kết hợp gạch terrazzo, bó vỉa granite; quảng trường, nền bát giác chân tháp lát đá bazan; đường dạo, đường dạo xuyên vành đai nền lát đá rối núi lửa xếp bậc, xen sỏi đen, lớp bêtông đá. Công trình còn lắp đặt nhiều đèn chiếu sáng, trang trí lối đi, rọi quanh tháp nước, khu vực quảng trường…
Mảng xanh sẽ giữ lại 37 cây lớn đang hiện hữu, trồng mới thêm các loại cây tạo cảnh như: sứ trắng, hoa giấy; thảm cỏ lá gừng, cỏ tóc tiên… kỳ vọng trở thành điểm vui chơi, ngắm cảnh, hóng mát hấp dẫn người dân, du khách.

Hiện trạng khuôn viên Tháp nước Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Việt Quốc
Tháp nước Phan Thiết (còn được gọi “Lầu nước”) được người Pháp xây dựng 1928-1934 theo chủ trương quy hoạch đô thị của nhà cầm quyền đương thời. Công trình phục vụ cung cấp nước sinh hoạt cho Tòa Công sứ Pháp (nay là trụ sở UBND Bình Thuận) và người dân nội thị Phan Thiết, hiện được xem là biểu tượng của tỉnh Bình Thuận.
Từ lâu, hình ảnh tháp nước Phan Thiết cũng được nhiều công ty, doanh nghiệp địa phương cách điệu thành biểu tượng của đơn vị, cũng là biểu tượng của tỉnh Bình Thuận. Ngày 19/10/2018, công trình kiến trúc này đã được UBND Bình Thuận quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Việt Quốc