Trong 5 năm, các cơ quan TP.HCM tạm hoãn xuất cảnh hơn 57.000 trường hợp

tạm hoãn xuất cảnh - Ảnh 1.

Các cơ quan của TP.HCM thực hiện tốt tạm hoãn xuất cảnh, góp phần ngăn chặn bị can, bị cáo… bỏ trốn – Ảnh minh họa

UBND TP.HCM vừa có báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện thông tư 79/2020 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện tạm hoãn xuất cảnh, chưa cho nhập cảnh (từ 1-9-2020 – 28-2-2025).

Kịp thời ngăn chặn các trường hợp bỏ trốn, tiêu hủy chứng cứ

Theo báo cáo, qua thống kê trong 5 năm (từ 1-9-2020 đến nay) có 58.484 trường hợp do các cơ quan của TP.HCM thực hiện tạm hoãn xuất cảnh, chưa cho nhập cảnh theo thông tư 79 (có 57.766 trường hợp tạm hoãn xuất cảnh, 718 trường hợp chưa cho nhập cảnh).

Cụ thể, Công an TP.HCM đăng ký 14.810 trường hợp. Trong đó 14.092 trường hợp tạm hoãn xuất cảnh là bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù được tại ngoại bỏ trốn… và 718 trường hợp chưa cho nhập cảnh là người nước ngoài bị trục xuất theo thủ tục hành chính, tâm thần…

Chi cục Hải quan khu vực II đăng ký 674 trường hợp tạm hoãn xuất cảnh là những người đại diện pháp luật các doanh nghiệp đang nợ thuế bị cưỡng chế.

Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP đăng ký 704 trường hợp tạm hoãn xuất cảnh; chi cục THADS 21 quận huyện và TP Thủ Đức đăng ký 9.040 trường hợp tạm hoãn xuất cảnh (cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật các cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ THADS hoặc thi hành bản án)

Chi cục Thuế khu vực II đăng ký 583 trường hợp tạm hoãn xuất cảnh; chi cục thuế 21 quận huyện và TP Thủ Đức đăng ký 20.051 trường hợp tạm hoãn xuất cảnh (cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế).

Tòa án nhân dân TP.HCM đăng ký 1.138 trường hợp tạm hoãn xuất cảnh; các tòa án 21 quận huyện và TP Thủ Đức đăng ký 751 trường hợp tạm hoãn xuất cảnh (bị can, bị cáo, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố).

Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đăng ký 9.189 trường hợp tạm hoãn xuất cảnh; các viện kiểm sát 21 quận huyện, TP Thủ Đức đăng ký 1.544 trường hợp tạm hoãn xuất cảnh (bị can, bị cáo, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố).

Theo báo cáo, nhìn chung sau 5 năm thực hiện thông tư 79, các trường hợp đăng ký tạm hoãn xuất cảnh, chưa cho nhập cảnh được thực hiện nhanh chóng, đầy đủ, chính xác và hiệu quả.

Công an TP thường xuyên trao đổi, phối hợp Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an (A08) kịp thời cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu và đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh phát hiện, từ chối xuất cảnh, nhập cảnh và thông báo cho đơn vị đăng ký phối hợp.

Qua đó, góp phần chủ động trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn các trường hợp bị can, bị cáo, người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, người có nghĩa vụ chấp hành bản án, nghĩa vụ thuế bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Tuy nhiên vẫn còn hạn chế, vướng mắc trong phối hợp giải quyết khiếu nại; cơ sở pháp lý; trình tự, thủ tục và quản lý, lưu trữ.

Một số hạn chế, vướng mắc trong công tác tạm hoãn xuất cảnh, chưa cho nhập cảnh

Nguyên nhân của các hạn chế là do các quy định về bảo mật, tài liệu giữa các ngành, cơ quan và chưa có quy định phối hợp, cung cấp thông tin giữa các cơ quan.

Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam hiện hành còn một số vướng mắc trong công tác thực hiện tạm hoãn xuất cảnh, chưa cho nhập cảnh.

UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Công an tập hợp, nghiên cứu các quy định còn bất cập để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, khắc phục nhằm đảm bảo áp dụng pháp luật một cách đồng bộ, thống nhất.