Biến động giá xăng dầu lộ bất cập

giá xăng dầu - Ảnh 1.

Tàu chờ lấy xăng dầu của PVOil tại Tổng kho xăng dầu Nhà Bè (TP.HCM) – Ảnh: T.T.D.

Các “ông lớn” như Petrolimex cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Tại đại hội cổ đông ngày 25-4, Phó tổng giám đốc Trần Ngọc Năm cho biết chính sách thuế quan của Mỹ đã tác động sâu rộng đến thị trường toàn cầu và Việt Nam, khi giá dầu sau ngày 2-4 giảm sốc từ 75 USD/thùng xuống dưới 60 USD/thùng, có thời điểm lao dốc hơn 20%.

Một phiên điều chỉnh giá mất cả… nghìn tỉ

Từ sau lệnh áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, giá xăng dầu biến động mạnh, liên tục lao dốc và đảo chiều. Trong bối cảnh giá như vậy, Petrolimex và các doanh nghiệp gặp thế khó do quy định cơ chế điều hành kinh doanh xăng dầu là thương nhân đầu mối phải dự trữ tồn kho tối thiểu 20 ngày.

Ngoài ra hằng năm Bộ Công Thương giao chỉ tiêu tổng nguồn tối thiếu, điều hành giá trong phạm vi 7 ngày. Vì vậy với biến động giá dầu giảm sâu chỉ trong 3-5 ngày lên tới 20%, khiến lượng hàng tồn kho của Petrolimex theo quy định dao động lên tới 700.000 – 750.000m3, đã tác động ghê gớm đến hoạt động kinh doanh của tập đoàn.

Ông Năm dẫn chứng kể từ phiên điều hành ngày 10-4, doanh thu của tập đoàn “mất luôn” 1.000 tỉ đồng, tác động hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Với lượng tồn kho vào chu kỳ ngày 17-4, doanh nghiệp này tính toán mất khoảng 300 tỉ đồng, tác động về mặt doanh thu.

Trong thời gian tới, ông Năm nhận định kinh doanh xăng dầu tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các thông tin tích cực và tiêu cực đan xen, giá cả biến động không kiểm soát. Vì vậy kết quả kinh doanh xăng dầu của tất cả các thương nhân dự báo có chiều hướng không thuận lợi.

Đại diện PVOIL cho biết quý 1-2025 giá dầu Brent trung bình chỉ 75,66 USD/thùng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước và tiếp tục lao dốc xuống 68,93 USD/thùng trong nửa đầu tháng 4. Nguyên nhân chủ yếu do dư cung toàn cầu và chính sách năng lượng, thuế của các nước lớn khiến thị trường thiếu ổn định.

Trong nước giá bán lẻ xăng dầu liên tục giảm, nhu cầu thấp, chiết khấu cao, tỉ giá tăng mạnh… khiến biên lợi nhuận bị bào mòn. Dù đạt sản lượng gần 1,3 triệu m³/tấn (98% kế hoạch quý) và doanh thu hơn 33.000 tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ, nhưng PVOIL cho biết lợi nhuận trước thuế gần như hòa vốn và giảm mạnh so với mức lãi 299 tỉ đồng cùng kỳ 2024.

Bóp chiết khấu, lo rủi ro từ chậm sửa đổi chính sách

Trong khi các doanh nghiệp đầu mối bị sụt giảm nghiêm trọng doanh thu và lợi nhuận do biến động giá rất lớn, nhiều thương nhân phân phối và bán lẻ xăng dầu cũng gặp khó khăn do bị “bóp” chiết khấu.

Một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM cho hay kể từ sau phiên điều chỉnh ngày 10-4 khi giá xăng dầu giảm tới 1.000 đồng/lít, chiết khấu doanh nghiệp nhận về chỉ còn khoảng 500 – 600 đồng/lít. Ngày 25-4, giá xăng dầu tăng trở lại nên mức chiết khấu tăng lên, nhưng mức chiết khấu thấp ở các phiên trước cùng với giá bán giảm, rủi ro thị trường trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông T. (giám đốc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM) cho biết chiết khấu ngày 25-4 đã tăng trên 1.000 đồng/lít đối với xăng dầu, cho thấy giá xăng dầu trong phiên điều hành tới có khả năng giảm. Giá xăng dầu thời gian qua biến động, dẫn đến giá bán lẻ trong nước cũng biến động mạnh, chiết khấu nhiều thời điểm chỉ duy trì 400 – 500 đồng/lít.

Với mức chiết khấu này, ông T. cho rằng các doanh nghiệp bán lẻ nếu không thuê mướn mặt bằng chỉ ở mức hòa vốn, còn nếu thuê mặt bằng sẽ chịu lỗ bởi điểm hòa vốn phải đạt mức chiết khấu 700 – 800 đồng/lít xăng dầu.

Các doanh nghiệp càng bày tỏ sự sốt ruột khi nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu cùng các quy định liên quan chậm được sửa đổi càng khiến doanh nghiệp gặp bất lợi. Chủ một thương nhân phân phối nhượng quyền của Petrolimex cho hay đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu, nhưng đến nay dự thảo vẫn đang trong quá trình các bên cho ý kiến. “Chúng tôi kỳ vọng sớm sửa đổi quy định để hạn chế rủi ro khi thị trường biến động”, vị này cho biết.

Cập nhật về việc sửa đổi nghị định này, ông Trần Ngọc Năm thông tin tại đại hội cổ đông của Petrolimex dự thảo lần 6 đã được thông qua và hiện đang tiếp tục gửi tới các thương nhân cho ý kiến. Trong đó nhiều nội dung mới được sửa đổi yêu cầu ràng buộc hơn đối với các thương nhân kinh doanh.

Điểm đáng chú ý, theo ông Năm, đó là với những doanh nghiệp không kết nối hóa đơn điện tử tại cột bơm với cơ quan quản lý thuế sẽ không được tham gia thị trường. Việc điều chỉnh giá cũng dự kiến trao quyền cho doanh nghiệp đầu mối trên cơ sở Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá, giao quỹ bình ổn về Bộ Công Thương.

Với việc sửa đổi này, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ góp phần lành mạnh hóa thị trường và đảm bảo diễn biến giá bám sát thị trường, tránh những rủi ro lớn trong kinh doanh.

Điều hành giá xăng dầu sẽ linh hoạt, sát thị trường hơn

Tại đại hội cổ đông ngày 25-4, ông Nguyễn Đăng Trình – tổng giám đốc PVOIL – cho hay trong tháng 4-2025 doanh nghiệp đã nhận được dự thảo lần thứ 6 về nghị định kinh doanh xăng dầu với thay đổi lớn nhất là công thức giá xăng dầu.

Nghị định mới đã trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp đầu mối về công bố giá với hai phương án được đưa ra trong dự thảo là giao toàn quyền doanh nghiệp được công bố cả về chi phí tạo nguồn, chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức; hoặc doanh nghiệp sẽ công bố chi phí tạo nguồn và lợi nhuận định mức, còn Nhà nước sẽ công bố chi phí kinh doanh.

“Cả hai phương án này đều là bước tiến lớn trong điều hành giá xăng dầu linh hoạt theo cơ chế thị trường, phù hợp với Luật Giá”, ông Trình nói.

Những điểm mới được điều chỉnh liên quan điều kiện cấp phép cho đầu mối và thương nhân phân phối, cho phép thương nhân phân phối được mua bán lẫn nhau cũng được doanh nghiệp này kỳ vọng sẽ giúp việc kinh doanh, công bố giá với thị trường xăng dầu linh hoạt, chủ động và theo sát cơ chế thị trường hơn đối với doanh nghiệp.