Ngân sách cần bổ sung 8.200 tỷ đồng để mở rộng diện miễn học phí

Chính phủ ước tính cần 30.000 tỷ đồng để miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến lớp 12 trên cả nước, bao gồm 8.200 tỷ đồng bổ sung cho trẻ mầm non và học sinh THPT.

Chiều 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc miễn, hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết dự thảo nghị quyết đề xuất mở rộng diện được miễn, hỗ trợ học phí so với quy định hiện hành, bao gồm trẻ em mầm non dưới 5 tuổi đang theo học tại các cơ sở giáo dục và học sinh THPT, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục.

Điểm đáng chú ý trong dự thảo là Nhà nước sẽ hỗ trợ học phí cho cả trẻ em mầm non và học sinh phổ thông đang học tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Mục tiêu của việc này là đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục công bằng, thống nhất cho mọi trẻ em, đồng thời thể hiện tính ưu việt của chế độ và khuyến khích sự phát triển của giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục.

Chính sách này được đánh giá là phù hợp với Hiến pháp và kết luận của Bộ Chính trị về việc miễn học phí cho học sinh mầm non và phổ thông trong hệ thống trường công lập.





Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Theo số liệu thống kê năm học 2023-2024, cả nước có tổng cộng 23,2 triệu học sinh, trong đó khối công lập chiếm phần lớn với 21,5 triệu, và 1,7 triệu học sinh theo học tại các trường ngoài công lập. Trong đó, 4,8 triệu là trẻ mầm non, 8,8 triệu học sinh tiểu học, 6,5 triệu học sinh THCS và 2,99 triệu học sinh THPT.

Ước tính tổng kinh phí để thực hiện chính sách miễn và hỗ trợ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết lớp 12 trên cả nước khoảng 30.000 tỷ đồng. Ngân sách dự kiến để miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học và THCS trong năm học 2025-2026 là 22.500 tỷ đồng. Như vậy, để triển khai đầy đủ chủ trương mở rộng miễn giảm và hỗ trợ học phí theo kết luận của Bộ Chính trị, ngân sách nhà nước cần tăng thêm 8.200 tỷ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay việc hỗ trợ học phí cho các trường công lập sẽ được cấp trực tiếp cho nhà trường. Trong khi đó với các trường ngoài công lập, khoản hỗ trợ sẽ được chuyển trực tiếp đến người học. “Có hai phương thức là hỗ trợ theo cơ sở hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người học. Qua trao đổi với Ủy ban Văn hóa và Xã hội, chúng tôi thấy hỗ trợ thông qua người học cũng hợp lý”, ông Sơn nói.





Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh lưu ý rằng Luật Giáo dục hiện hành chỉ quy định Nhà nước hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở địa bàn thiếu trường công lập, trong khi chưa có quy định tương tự cho học sinh mầm non và phổ thông ngoài công lập ở các cấp học khác. Vì vậy, Ủy ban đề nghị Chính phủ rà soát kỹ diện thụ hưởng của chính sách và xem xét mở rộng diện thụ hưởng.

Ông Vinh cũng chỉ ra tổng ngân sách nhà nước để miễn học phí theo quy định của Luật Giáo dục đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học và học sinh trung học cơ sở từ năm học 2025-2026 là 22.000 tỷ đồng. Kinh phí ngân sách nhà nước cần đảm bảo thêm khi thực hiện chính sách theo dự thảo Nghị quyết này là 8.200 tỷ đồng mỗi năm học. Tuy nhiên con số cần đảm bảo ở từng địa phương sẽ phụ thuộc vào quy định về mức đóng học phí do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ lưỡng khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, đặc biệt là những nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đồng thời bổ sung quy định ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách theo quy định về ngân sách nhà nước.

Cuối tháng 2, Bộ Chính trị đã quyết định miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên cả nước từ năm học 2025-2026. Quyết định này được đưa ra sau khi Bộ Chính trị xem xét báo cáo của Chính phủ về khả năng cân đối tài chính trong và sau quá trình tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Dự kiến, dự thảo nghị quyết này sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, khai mạc vào ngày 5/5.

Sơn Hà