‘Đội quân robot’ – vũ khí bí mật của Trung Quốc trong thương chiến

Trung Quốc - Ảnh 1.

Các cánh tay robot lắp ráp ô tô trong dây chuyền sản xuất xe điện của Leapmotor tại một nhà máy ở thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc ngày 26-4-2023 – Ảnh: REUTERS

Theo báo New York Times ngày 24-4, Trung Quốc đang sở hữu một vũ khí bí mật trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, đó là “đội quân robot” trong các nhà máy được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) – những cỗ máy cách mạng hóa ngành sản xuất.

Mang lại lợi thế trong thương chiến

Các nhà máy trên khắp Trung Quốc đang được tự động hóa với tốc độ chóng mặt. Dưới sự giám sát của các kỹ sư và thợ điện, những đội quân robot này không chỉ giúp cắt giảm chi phí sản xuất mà còn cải thiện chất lượng sản phẩm.

Nhờ đó các nhà máy Trung Quốc có thể giữ giá thành của nhiều mặt hàng xuất khẩu ở mức thấp, mang lại cho nước này lợi thế trong cuộc chiến thương mại và đối phó với mức thuế quan cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trung Quốc cũng đang đối mặt với các rào cản thương mại mới từ Liên minh châu Âu (EU) và các nước đang phát triển như Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Thái Lan.

Hiện nay mức độ tự động hóa trong các nhà máy Trung Quốc đã vượt qua cả Mỹ, Đức và Nhật Bản. Theo Liên đoàn Robot quốc tế, Trung Quốc có số lượng robot công nghiệp (tính trên mỗi 10.000 công nhân sản xuất) cao hơn hàng loạt quốc gia, chỉ đứng sau Hàn Quốc và Singapore.

Chiến lược tự động hóa của Trung Quốc được định hướng bởi các chỉ thị từ chính phủ và được hỗ trợ bằng những khoản đầu tư khổng lồ. Khi robot dần thay thế con người, tự động hóa trở thành chìa khóa giúp Trung Quốc duy trì vị thế thống trị trong lĩnh vực sản xuất hàng loạt, ngay cả khi lực lượng lao động đang già hóa và ngày càng không mặn mà với các công việc trong nhà máy.

Tại Mỹ, các nhà máy sản xuất ô tô cũng sử dụng tự động hóa, nhưng phần lớn thiết bị đến từ Trung Quốc. Hầu hết các nhà máy lắp ráp ô tô trên thế giới được xây dựng trong 20 năm qua đều ở Trung Quốc và ngành tự động hóa đã phát triển xung quanh họ.

Các công ty Trung Quốc cũng đã mua các nhà cung cấp robot tiên tiến ở nước ngoài, như Kuka của Đức, và chuyển phần lớn hoạt động của họ sang Trung Quốc. Khi Volkswagen mở một nhà máy sản xuất ô tô điện cách đây một năm tại Hợp Phì, họ chỉ sở hữu một robot từ Đức, còn lại 1.074 robot được sản xuất tại Thượng Hải.

Không chỉ trong các nhà máy sản xuất ô tô

Ông He Liang, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty Yunmu Intelligent Manufacturing (một trong những nhà sản xuất robot hình người hàng đầu Trung Quốc), cho biết Trung Quốc đang nỗ lực biến robot thành một lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới.

“Kỳ vọng đối với robot hình người là tạo ra một ngành công nghiệp ô tô điện khác. Xét từ góc độ này, đây là một chiến lược mang tầm quốc gia” – ông chia sẻ.

Robot không chỉ đang thay thế công nhân trong các nhà máy ô tô, mà còn len lỏi vào hàng ngàn xưởng sản xuất nhỏ khắp Trung Quốc.

'Đội quân robot' - vũ khí bí mật của Trung Quốc trong thương chiến - Ảnh 3.

Nhân viên kiểm tra robot được sử dụng cho dịch vụ khách hàng tại một nhà máy ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc – Ảnh: AFP

Như xưởng sản xuất của ông Elon Li tại Quảng Châu – trung tâm thương mại ở đông nam Trung Quốc, hiện có 11 công nhân chuyên cắt và hàn kim loại để làm lò nướng và thiết bị nướng BBQ giá rẻ. Giờ đây, ông đang chuẩn bị chi 40.000 USD để mua cánh tay robot có gắn camera từ một công ty Trung Quốc. Thiết bị này sử dụng AI, có thể quan sát cách một công nhân hàn các mặt của lò nướng, rồi tự động tái hiện thao tác đó với sự can thiệp tối thiểu của con người.

Tại Ninh Ba, một nhà máy khổng lồ của Zeekr, hãng sản xuất xe điện Trung Quốc, đã có 500 robot vào thời điểm bắt đầu hoạt động cách đây 4 năm. Hiện con số đó đã tăng lên 820, và theo kế hoạch còn nhiều robot nữa sẽ được đưa vào sử dụng.

Cần lưu ý các nhà máy ở Trung Quốc vẫn còn sử dụng lực lượng công nhân đông đảo. Dù đã tự động hóa nhiều khâu, con người vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm tra chất lượng và lắp đặt một số bộ phận đòi hỏi sự khéo léo như hệ thống dây điện. Có những việc mà camera và máy tính vẫn chưa thể tự mình đảm nhiệm.

Sự tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực robot công nghiệp đã được thúc đẩy từ cấp cao. Sáng kiến “Made in China 2025” (Sản xuất ở Trung Quốc năm 2025) của Bắc Kinh, bắt đầu cách đây một thập kỷ, đã xác định 10 ngành công nghiệp mà Trung Quốc tìm cách cạnh tranh toàn cầu. Robot là một trong số đó.