Giấc mơ hướng biển và tương lai đô thị TP HCM sau sáp nhập

Đầu năm 1979, sau khi tiếp nhận huyện Duyên Hải (tháng 12/1991 đổi tên thành Cần Giờ) từ Đồng Nai, Bí thư Thành ủy TP HCM Võ Văn Kiệt đã triệu tập ngay cuộc họp các nhà khoa học, lãnh đạo sở, ngành để tìm hướng phát triển cho vùng đất giáp biển duy nhất của thành phố.

GS.TS Lê Huy Bá, khi đó giảng dạy tại Trường Đại học Nông lâm Thủ Đức, được mời cho ý kiến về việc trồng dừa hoặc dứa ở vùng đất này theo chủ trương phát triển ngành nông nghiệp. Cần Giờ khi đó rộng gần 70.500 ha, chiếm 1/3 diện tích TP HCM, nhưng kinh tế kém phát triển, chỉ dựa vào nông, ngư nghiệp. Cả vùng chủ yếu là cây chà là biển và một số ít dừa nước, không có giá trị kinh tế. Hệ sinh thái rừng ngập mặn bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh.

Sau 4 tháng ăn ngủ lại Cần Giờ, vượt qua những trận sốt rét ác tính, ông Bá mang kết quả nghiên cứu đến nhà riêng Bí thư Võ Văn Kiệt.

“Không thể trồng dừa hoặc dứa như ý định của Bí thư bởi rễ bám sâu xuống một chút là gặp đất phèn. Do đó, chúng tôi đề xuất trồng giống đước từ Cà Mau để có sự tương thích thổ nhưỡng”, ông Bá kể. Giống cây này thích nghi tốt với vùng ngập nước, phù hợp để khôi phục rừng ngập mặn. Từ đó, huyện có thể phát triển kinh tế từ du lịch sinh thái, nuôi trồng thuỷ sản.

Đề xuất được duyệt. Nhờ đó, mảnh đất Cần Giờ hoang hoá được phủ xanh. Hệ sinh thái rừng ngập mặn phục hồi, trở thành “lá phổi xanh” của TP HCM với 35.000 ha rừng đước, được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2000.

Thế nhưng, mọi ý định phát triển kinh tế cho Cần Giờ sau đó dừng ở dạng tiềm năng. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2023 chỉ đạt khoảng 67 triệu đồng mỗi năm, luôn thấp nhất TP HCM. Du lịch phát triển khiêm tốn. Hạ tầng giao thông hạn chế. Người dân muốn tới bán đảo này phải đón chuyến tàu 30 phút từ phà Bình Khánh, chưa có đường bộ.

Huyện đảo này là điển hình cho giấc mơ phát triển đô thị được thế hệ lãnh đạo đầu tiên của thành phố ấp ủ. Quyết định sáp nhập Cần Giờ nằm trong chiến lược hướng biển của thành phố, nhiều dự án được vẽ ra để “lột xác” cho huyện đảo, nhưng rồi phải hoãn lại do nguồn lực Nhà nước hữu hạn, phải chọn lựa ưu tiên.

Việc khởi công Khu đô thị du lịch lấn biển cùng cam kết đầu tư tuyến metro nối quận 7 đến Cần Giờ của Tập đoàn Vingroup vừa qua giúp chính quyền TP HCM nuôi lại hy vọng “đánh thức” huyện đảo này sau gần nửa thế kỷ. Nếu thành công, giấc mơ vươn mình ra biển sẽ thành hình nhờ sự góp sức của tư nhân.

Cùng lúc, chủ trương sáp nhập TP HCM với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu cũng mở ra tầm nhìn về một tương lai mới cho hình hài siêu đô thị này.

Lực tư nhân xây giấc mơ đô thị

Gắn bó với Cần Giờ từ những ngày đầu tái thiết, ông Bá rất lo lắng khi lần đầu nghe về dự án khu đô thị lấn biển và cảng biển ở đây. Bởi đặc điểm của rừng ngập mặn là nước phải vào – ra mỗi ngày hai lần. Nếu dự án tác động đến dòng chảy, rừng sẽ bị ảnh hưởng.

“Thực sự tôi đã tìm gặp lãnh đạo thành phố chất vấn”, ông kể, phân vân giữa mong muốn giữ gìn rừng ngập mặn, và kỳ vọng thấy vùng đất này phát triển “như mong mỏi của bác Sáu Dân”.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong buổi thảo luận về quy hoạch TP HCM tại Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố, năm 1997. Ảnh: Nguyễn Công Thành

Nhiều năm sau sáp nhập, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn ấp ủ ý tưởng đưa TP HCM vươn ra biển thông qua Cần Giờ.

Năm 2002, dù đã nghỉ hưu, ông vẫn gửi thư đến lãnh đạo TP HCM, phân tích lợi ích khi phát triển Cần Giờ thành khu đô thị du lịch, giải trí. Ông khẳng định khu đô thị này không chỉ đẳng cấp trong nước mà mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, có thể so sánh với Langkawi của Malaysia, Pattaya của Thái Lan, hay Bali của Indonesia khi đó.

“Về mặt tiềm năng, Quảng Ninh, Kiên Giang không thể so sánh với thành phố, vấn đề là đánh thức, khơi dậy tiềm năng dồi dào này. Đây là bài toán cho các nhà quản lý”, cố Thủ tướng viết.

Hai năm sau, UBND thành phố giao 600 ha cho một doanh nghiệp làm Dự án Lấn biển và Khu đô thị Cần Giờ. Đến năm 2007, dự án được khởi động, nhưng sau đó đình trệ do chủ đầu tư không đủ tiềm lực tài chính. Nhiều dự án được quy hoạch để phát triển Cần Giờ cũng im ắng vì chưa được ưu tiên vốn bởi không thuộc hướng phát triển chính của thành phố, điển hình như cầu Cần Giờ nhằm thay thế phà Bình Khánh, tạo kết nối đường bộ với trung tâm.

Phải đến năm 2010, khi Quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt, kế hoạch “tiến ra biển” mới được nhắc lại, và hướng nam trở thành một trong hai hướng phát triển chính của TP HCM – bên cạnh phía đông.

Trong Quy hoạch chung TP HCM giai đoạn 2021-2030, huyện Cần Giờ tiếp tục được định hướng thành đô thị sinh thái biển, bảo tồn khu dự trữ sinh quyển, phát triển kinh tế biển, đặc biệt là cảng trung chuyển và khu thương mại tự do; vận tải logistics, du lịch, đô thị sinh thái biển và năng lượng tái tạo.

Khi tìm gặp lãnh đạo thành phố để hỏi về dự án lấn biển tại Cần Giờ, ông Bá được tiếp cận báo cáo đánh giá tác động môi trường, các cam kết từ chủ đầu tư, đánh giá tiềm lực của doanh nghiệp. Đây được định hướng là khu đô thị ESG, đáp ứng các tiêu chí xanh và bền vững như hệ thống điện gió ngoài khơi, giao thông không phát thải, vật liệu thân thiện môi trường. Ông Bá dần dần được thuyết phục và tin rằng lần này “thành phố đã chọn được mặt để gửi vàng”.

“Cũng không thể giữ lá phổi cho thành phố mà để vùng đất này khó khăn mãi. Điều quan trọng, TP HCM cần có cơ chế giám sát để các cam kết môi trường được thực thi đúng”, ông nói.

Cùng với Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ vừa khởi công, TP HCM lên kế hoạch triển khai ba công trình giao thông lớn nhằm tạo tiền đề phát triển huyện đảo này, gồm: cầu Cần Giờ, tuyến metro số 4 kéo dài, nối từ quận 7 đến Cần Giờ, và cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Đây sẽ trở thành đường ra biển của thành phố.

“Nhà nước đẩy mạnh kinh tế tư nhân nên khuyến khích các tập đoàn như Vingroup tham gia hạ tầng, đường sắt đô thị (metro). Đây là tư duy đúng đắn và cởi mở, tạo cơ chế cho nguồn vốn tư nhân san sẻ với ngân sách để xây giấc mơ phát triển đô thị”, KTS Ngô Anh Vũ, Viện trưởng Quy hoạch Xây dựng, Sở Xây dựng TP HCM, nói.

Để thực hiện hoá bản quy hoạch chung TP HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố dự ước phải huy động trên 4,4 triệu tỷ đồng giai đoạn 2026-2030, trong đó vốn từ ngân sách là 1,1 triệu tỷ đồng.

Theo ông Vũ, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công chỉ đáp ứng 25-30% nhu cầu, doanh nghiệp tư nhân cần được khuyến khích tham gia vào hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông, y tế, văn hóa, giáo dục… Nhà nước giữ vai trò tạo môi trường, “làm tổ” để kinh tế tư nhân phát triển, và chỉ làm những gì mà tư nhân không hoặc ít làm được như dịch vụ công, an ninh quốc phòng.

“Việc của Nhà nước là tạo ra cơ chế, đẩy mạnh giám sát để sự tham gia của tư nhân đi đúng với mục tiêu quy hoạch”, ông nói.

Đồng quan điểm, TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia gần 40 năm kinh nghiệm, cho rằng cách làm metro Bến Thành – Suối Tiên (metro số 1) vẫn còn tư duy kinh tế tập trung khi Nhà nước cấp phát vốn ODA. Tuy nhiên, từ tuyến metro số 2, ngân sách công chỉ đóng vai trò vốn mồi, còn lại huy động từ thị trường qua nhiều cơ chế như TOD, đấu giá đất, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.

“Cách làm này hoàn toàn mới và nguồn lực thực hiện dựa vào chính nội lực của dự án, tuân thủ quy luật thị trường. Điều quan trọng là tạo cơ sở pháp lý vững chắc và bản lĩnh của nhà quản lý để thực hiện”, ông Sơn nói.

Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Ngọc Hải, Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ khởi công là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam và quy hoạch của thành phố. Với mục tiêu xây dựng một siêu đô thị “tất cả trong một”, huyện đảo này sẽ có tòa tháp 108 tầng, tổ hợp nhà hát lớn nhất Đông Nam Á… Dự án hứa hẹn tạo ra hàng chục nghìn việc làm, thúc đẩy phát triển dịch vụ – thương mại, tăng thu ngân sách.

Ông cho biết hướng phát triển này sẽ kéo dài sang Vũng Tàu, với hệ thống hạ tầng đường bộ kết nối qua Cần Giờ, liên kết các cảng Cái Mép để tạo thành một quần thể cảng quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.

Xóa cục bộ để phát triển thành phố vùng

“Phát triển kinh tế biển ở Cần Giờ, lại kết hợp với thế mạnh sẵn có của Vịnh Gành Rái phía bên Bà Rịa – Vũng Tàu, khi sáp nhập tỉnh sẽ là cơ hội để TP HCM hình thành trung tâm kinh tế biển ngang tầm khu vực”, ông Nguyễn Đỗ Dũng, chuyên gia quy hoạch, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Quốc tế enCity, đánh giá về tầm nhìn hướng biển của TP HCM sau khi sáp nhập.

Ông Dũng phân tích, vịnh Gành Rái là trung tâm kinh tế biển lớn nhất Việt Nam, gồm xưởng đóng giàn khoan, nhà máy lọc dầu Long Sơn, cảng Cái Mép – Thị Vải, và một loạt khu công nghiệp. Khi kết hợp với Cần Giờ có thêm Khu đô thị lấn biển và cảng trong tương lai. Như vậy, nơi đây hình thành hệ sinh thái kinh tế biển gồm năng lượng, hàng hải, logistics, công nghiệp, thuỷ sản, du lịch, thương mại, dịch vụ.

Theo chuyên gia, những vùng kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay đều là vùng vịnh: Trung Quốc có Vùng Vịnh Lớn gồm Thâm Quyến, Chu Hải, Quảng Đông, Hongkong, Macau; Nhật Bản có Vịnh Tokyo; Mỹ có Vịnh San Francisco.

“TP HCM hoàn toàn có thể làm nên Vịnh Sài Gòn hoặc Vịnh TP HCM”, ông nói.

Chủ trương sáp nhập không chỉ tạo tiềm năng kinh tế biển cho TP HCM, mà còn mở ra nhiều hướng phát triển mới.

Một góc cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: Trường Hà

Thuộc nhóm tư vấn xây dựng Đồ án Quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060, ông Dũng cho biết việc sáp nhập TP HCM với Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương là “tín hiệu rất đáng mừng”. Bởi từ giai đoạn xây dựng ý tưởng năm 2022, tinh thần của đồ án này đã hướng tới gia tăng kết nối TP HCM với vùng Đông Nam Bộ qua hệ thống hạ tầng giao thông.

“Bản quy hoạch được thiết kế với niềm tin sự giàu có và thịnh vượng của TP HCM sẽ lan toả ra cả vùng, và ngược lại. Chúng tôi hướng tới xây dựng một thành phố vùng”, ông Dũng nói.

Theo phương án sáp nhập, TP HCM mới sau khi gộp với Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ rộng 6.772 km2, với dân số hơn 13,7 triệu người, trở thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ. “Đầu tàu” kinh tế TP HCM là trung tâm tài chính, công nghiệp, thương mại và dịch vụ lớn nhất cả nước. Bình Dương là “thủ phủ công nghiệp” hàng đầu với GRDP đứng thứ ba cả nước, chỉ sau TP HCM và Hà Nội. Còn Bà Rịa – Vũng Tàu là “cửa ngõ” ra biển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với quy mô kinh tế thứ 6 cả nước.

Sau sáp nhập, vai trò “đầu tàu kinh tế” của TP HCM càng rõ nét, khi GRDP gần gấp đôi Hà Nội, chiếm 1/4 GDP cả nước. Chênh lệch thu ngân sách giữa TP HCM “mới” với địa phương có quy mô kinh tế nhỏ nhất là Điện Biên lên đến 423 lần.

Chủ trương sáp nhập sẽ giải quyết được vấn đề cốt lõi trong phát triển vùng nhiều năm qua, đó là tính cục bộ địa phương. Khi các tỉnh, thành cùng muốn tăng trưởng nhanh nhất có thể sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh bởi ai cũng muốn thu hút dòng vốn đầu tư, cơ hội phát triển tốt nhất về mình. Trong khi, nếu tư duy “cùng thắng”, hành động và chính sách của các địa phương sẽ có cách tiếp cận rất khác, gồm cả trong quy hoạch.

Ông lấy ví dụ, TP HCM là địa phương duy nhất cả nước hiện có trục cao tốc xuyên tâm từ đông sang tây, đó là: Đại lộ Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Long Thành – Dầu Giây, một con đường nối từ Chợ Lớn, đến quận 1, Thủ Thiêm, sang sân bay quốc tế Long Thành. Mô hình cao tốc xuyên tâm chính là con đường chiến lược cho phát triển kinh tế đô thị, bởi trục này sẽ kết nối lõi trung tâm với các vùng ven.

Trục giao thông này nếu được kết nối với trung tâm kinh tế quan trọng của các tỉnh phía tây và phía đông có thể tạo ra lực tăng trưởng cho cả vùng đô thị. Ví dụ trục Võ Văn Kiệt kéo dài theo hướng Bến Lức – Tân An sẽ trở thành “bộ khung” rất tốt để phát triển phía Tây TP HCM. Tuy nhiên, bản quy hoạch chung TP HCM 2010 lại đưa trục đường này hướng lên Đức Hoà – Long An, giảm hiệu quả kinh tế.

Thêm vào đó, việc sáp nhập có thể giúp thành phố mở rộng nguồn lực về đất đai. TP HCM giữ lại quỹ đất hiện hữu cho mục đích đô thị, nơi có giá trị kinh tế cao, bảo vệ môi trường, giữ vùng ngập nước. Còn quỹ đất lớn hơn, có địa thế cao hơn ở Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu thì phát triển công nghiệp.

“Trong đồ án Quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040 đang được thực hiện, so với các quy hoạch trước, nhóm tư vấn đã thay đổi tư duy theo hướng mở, thiết kế hệ thống hạ tầng để gia tăng kết nối vùng, do đó rất phù hợp với định hướng sáp nhập mới”, ông nói.

Cơ cấu quy hoạch và định hướng phát triển không gian của TP HCM trong dự thảo Đồ án Quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060. Nguồn: Nhóm tư vấn Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc Gia (VIUP) – enCity và Viện Quy hoạch Xây dựng TP HCM (UPI)

Theo chuyên gia, việc một thành phố mở rộng ra và bao trùm lên vùng đô thị từng xảy ra nhiều trên thế giới, ví dụ như Tokyo (Nhật Bản). Sau sáp nhập, cách tổ chức đô thị ở mỗi nơi sẽ khác nhau do Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu vốn là đô thị độc lập, có đặc điểm, bối cảnh lịch sử riêng, do đó không nên kỳ vọng sự đồng nhất về hình thái đô thị.

Trách nhiệm quan trọng nhất của chính quyền TP HCM mới là tạo dựng khung hạ tầng, và có các nguyên tắc hiệu quả trong quản lý, phát triển đô thị để người dân, doanh nghiệp tuân thủ. Sau đó là tái cơ cấu quỹ đất. Ví dụ, Bình Dương phát triển khu công nghiệp sản xuất; TP HCM làm công nghệ cao, bán dẫn; cảng Vũng Tàu đồng bộ với cảng Cần Giờ, tạo thành hệ thống cảng cạnh tranh quốc tế chứ không phải cạnh tranh nhau.

“Ma sát giữa các địa phương dẫn đến chậm phát triển hạ tầng, kết nối liên vùng giờ sẽ được giải quyết. TP HCM mới cần tận dụng cơ hội nhập tỉnh để tạo ra phép nhân kinh tế, chứ không chỉ là phép cộng cơ học giữa ba địa phương”, ông nói.

Tại sự kiện nhân dịp kỷ niệm 50 năm “Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” tổ chức ở TP HCM mới đây, Tổng bí thư Tô Lâm kỳ vọng thành phố mới sẽ gắn bó sâu sắc hơn với toàn bộ tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long… nhằm huy động tối đa lợi thế riêng biệt của từng địa phương, tái thiết kế chiến lược phát triển vùng, tạo tổng thể mới vượt trội hơn. Đây sẽ là đầu tàu, động lực lan tỏa để phát triển mạnh mẽ của toàn vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

“Sự phát triển của TP HCM mới tương hỗ và gắn liền với vùng, vừa dẫn dắt vừa giúp liên kết chặt chẽ, khai thác tối đa lợi thế, bổ sung lẫn nhau để tạo ra không gian kinh tế văn hóa liên vùng, tạo thành cực tăng trưởng mới mang tầm quốc tế”, ông nói.

Nhìn lại quá trình thực hiện quy hoạch của thành phố sau 50 năm, KTS Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP HCM, nhớ những ngày đầu tái thiết đô thị trong bối cảnh thiếu nhân lực, thiếu chính sách, thiếu tiền.

Ông cho rằng, điều kiện hiện nay thuận lợi hơn, nhưng thách thức cũng lớn hơn. Bởi chính quyền cần làm sao để quy hoạch không chỉ đẹp trên giấy, mà phải triển khai được, và không bị phá vỡ bởi các quyết định ngắn hạn. Nghiên cứu sự thành công của quy hoạch ở các nước châu Âu, Nhật Bản, Singapore, ông nhận thấy điều làm nên sự khác biệt là nhờ Nhà nước kiên định với tầm nhìn dài hạn, giữ được quy hoạch trong 30 – 50 năm, điều TP HCM chưa thực sự làm tốt.

“Quy hoạch là lời hứa với tương lai. Nếu cứ thay đổi liên tục thì mất niềm tin, mà khi người dân không còn tin vào quy hoạch, họ sẽ không muốn tuân thủ nữa. Cho nên, giữ kỷ luật quy hoạch chính là giữ uy tín của chính quyền trong cả hiện tại và tương lai”, ông nói.

Nội dung: Lê Tuyết – Quang Tuệ
Đồ hoạ: Hoàng Khánh