Thủ tướng đánh giá việc thực hiện mục tiêu khí hậu là sứ mệnh lịch sử bởi “chúng ta đang thừa kế Trái Đất từ các thế hệ đi trước và mượn Trái Đất từ thế hệ tương lai”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao trực tuyến về Hành động khí hậu với tư cách lãnh đạo nước đi đầu triển khai Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) tối 23/4.
Sự kiện này được tổ chức trước thềm Hội nghị lần thứ 30 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP30) diễn ra tại Brazil cuối năm nay, có sự tham dự của 16 người đứng đầu nhà nước và chính phủ, gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Malaysia, Tổng thống Chile, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cùng các tổ chức khu vực.
Tại hội nghị, Thủ tướng nêu biến đổi khí hậu là thực tại khắc nghiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi quốc gia, người dân. Tuy vậy, các hành động khí hậu vẫn còn cách rất xa mục tiêu của Thỏa thuận Paris, đặc biệt là về tài chính khí hậu và cam kết về giảm phát thải khí nhà kính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sự kiện, ngày 23/4. Ảnh: VGP
Người đứng đầu Chính phủ nói chúng ta đang không chỉ thừa kế Trái Đất từ các thế hệ đi trước mà còn đang mượn Trái Đất từ các thế hệ tương lai. Do đó, việc thực hiện các mục tiêu khí hậu để gìn giữ và bảo vệ hành tinh xanh là sứ mệnh lịch sử, dù đầy thử thách. Đây cũng là cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế, hoạt động chống biến đổi khí hậu, đồng thời kiên định mục tiêu và hành động để thành công.
Thủ tướng kêu gọi tất cả quốc gia hợp tác, đề cao chủ nghĩa đa phương, đảm bảo công bằng, công lý và chung tay cùng hành động với các cơ chế hợp tác cụ thể, khả thi. Việc cùng chung tay hành động hướng tới việc khơi thông, giải phóng các nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Khẳng định Việt Nam coi việc ứng phó với biến đổi khí hậu là mệnh lệnh của thời đại, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, lấy con người làm trung tâm, để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới, kiên quyết “không hy sinh bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cũng kêu gọi các nước đệ trình Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) phù hợp với mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C. Ông cũng kêu gọi xây dựng lộ trình hướng tới mục tiêu huy động 1.300 tỷ USD mỗi năm vào năm 2035 nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển, đồng thời đóng góp đầy đủ cho Quỹ Tổn thất và Thiệt hại.
Lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế đồng thời bày tỏ lo ngại các tác động gia tăng của biến đổi khí hậu, cho rằng cộng đồng quốc tế cần hành động quyết liệt hơn nữa. Các nước phát triển được khuyến nghị đi đầu trong huy động tài chính cho khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, khuôn khổ pháp lý cần thiết cho chuyển đổi xanh. Các khuôn khổ này gồm quy hoạch quốc gia, quy hoạch tổng thể năng lượng, các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành mũi nhọn, các văn bản tháo gỡ khó khăn với nhiều cơ chế mới, đột phá trong lĩnh vực năng lượng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng xây dựng các đề án hỗ trợ cho khu vực dễ bị tổn thương và người dân ở khu vực bị thiệt hại do biến đổi khí hậu.
Dù là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, nguồn lực còn hạn chế, Việt Nam đã bước đầu đạt một số kết quả tích cực. Việt Nam là quốc gia đi đầu trong cung ứng năng lượng tái tạo tại ASEAN, được quốc tế đánh giá cao về thúc đẩy nông nghiệp xanh bền vững, là thành viên tích cực của hầu hết cơ chế đa phương và sáng kiến lớn về tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng.
Thủ tướng nhấn mạnh, dù thế giới có thay đổi thế nào, Việt Nam vẫn cam kết kiên định với mục tiêu trung hòa carbon năm 2050. Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị các đối tác quốc tế tập trung hỗ trợ Việt Nam về tài chính, chia sẻ công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế, quản trị xanh. Các hỗ trợ này sẽ góp phần giúp Việt Nam hiện thực hoá các mục tiêu của Thoả thuận Paris.
Bảo Bảo