Các chuyên gia khẳng định hiện là thời cơ cải cách tốt nhất của Việt Nam, trong đó, khu vực kinh tế tư nhân, nếu được tháo gỡ ràng buộc, sẽ trở thành động lực mạnh mẽ của nền kinh tế.
Thông tin trên được PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nêu tại “Bàn tròn sáng kiến chính sách phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam” do tổ chức phi lợi nhuận President Club tổ chức chiều 21/4.

PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tại sự kiện, ngày 21/4. Ảnh: President Club
Kinh tế tư nhân gắn với hơn 40 năm đổi mới, cải cách, với những chính sách ban đầu như Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm trong nông nghiệp năm 1981. Nhớ lại thời điểm đó, ông Thiên nói khi đất nước bên bờ khó khăn vào năm 1986, chỉ một nội dung thừa nhận “nền kinh tế nhiều thành phần”, khu vực kinh tế tư nhân khi ấy bị dồn ép, đã phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng vực dậy nền kinh tế.
Ông nhìn nhận thời điểm hiện tại là cơ hội tốt nhất sau 40 năm để cải cách và phát triển, nếu tháo được các “vòng kim cô” của khu vực tư nhân.
Cùng chung nhận định, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cảm nhận cuộc cải cách kinh tế Việt Nam “chưa bao giờ có điều kiện thuận lợi như bây giờ”.
“Tổng Bí thư Tô Lâm đã mở hết cơ hội, không gian, giờ là thời điểm thể hiện và thực thi tư tưởng đó”, ông Cung nói. Ông khuyến nghị để khu vực tư nhân phát triển, cần tháo gỡ các rào cản về quyền kinh doanh. Trong đó, thách thức nhất là quan điểm “doanh nghiệp được quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm” phải được chuyển thành hành động, thay vì mang tính khẩu hiệu, được quản theo hiểu biết của một số quan chức.
Để tư tưởng chính phủ thẩm thấu được xuống chính quyền cấp dưới, không thể sửa chính sách theo cách cũ, bằng một nghị quyết đặc thù hay một luật sửa nhiều luật, theo ông Cung. Bởi hệ thống chính sách là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, và ông kiến nghị một cuộc “đại phẫu chính sách”, với tư duy “đập bỏ và làm lại”.
Lấy ví dụ về điểm nghẽn chính sách, ông Cung cho biết năm 1990, Việt Nam có hệ thống pháp luật riêng cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, kể từ năm 2005, việc gộp lại thành một Luật Đầu tư chung đã vô tình áp cách quản lý nước ngoài vào doanh nghiệp đầu tư trong nước.
Hệ quả là riêng việc xin chủ trương đầu tư dự án, 90% doanh nghiệp tư nhân không vượt được cửa nộp hồ sơ. Bởi lẽ, một trong số thủ tục hồ sơ là báo cáo tài chính hai năm, chưa gồm các thủ tục khác mà doanh nghiệp tư nhân nhỏ không thể làm được, chưa tính đến các bước tiếp theo.
Cũng liên quan đến quyền kinh doanh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cần tập trung vào hai nhóm tạo bất bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân trong nước, gồm doanh nghiệp Nhà nước và nước ngoài.
Cụ thể, doanh nghiệp Nhà nước được coi là “khu vực chủ đạo”, tức khu vực hút nguồn lực quan trọng nhất. Trong khi đó, họ lại chịu trách nhiệm cung cấp đầu vào cơ bản cho nền kinh tế, đặc biệt về hạ tầng. Tình trạng kinh doanh thiếu đổi mới cùng với tư duy cũ khi được trao nhiệm vụ lớn dẫn tới chi phí đầu vào cao. Tức, nếu họ làm việc không hiệu quả, xã hội và khối doanh nghiệp tư nhân bị ảnh hưởng.
Thực tế, Nhà nước đã nới điều kiện, cho phép một số doanh nghiệp tư nhân được tham gia dự án hạ tầng lớn. Bà Lan khuyến nghị cần kiểm soát trong phân bổ, nhằm đảm bảo nguồn lực được trao cho khu vực làm hiệu quả nhất, đồng thời có biện pháp, công cụ giám sát việc thực thi.
Bên cạnh đó, việc ưu đãi doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài, khiến nguồn lực tới doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ còn “vụn bánh”. Bà Lan khuyến nghị cần cân nhắc tỷ trọng vốn FDI trong các doanh nghiệp, bởi tỷ lệ 100% vốn nước ngoài sẽ khó thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hợp tác với khu vực trong nước hay có tác động lan tỏa.
Bà cũng khuyến nghị để doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia liên doanh, thay vì doanh nghiệp Nhà nước. Bà cho rằng với hệ thống quản trị cùng tư duy khác biệt, một doanh nghiệp Nhà nước tham gia liên doanh không có động lực đẩy mạnh tỷ lệ sở hữu cao hơn theo thời gian, nhằm chuyển giao và mang lại lợi ích nhiều hơn cho Việt Nam.
Thủy Trương