
Thị trường chứng khoán Việt Nam được ví như “tàu lượn” phiên ngày 22-4 khi đột ngột giảm sâu rồi lại hồi phục đáng kể
Kết phiên ngày 22-4, độ rộng trên sàn HoSE nghiêng về tiêu cực với 278 mã giảm giá. Áp lực bán mạnh đột biến xuất hiện ở nhóm cổ phiếu khu công nghiệp, thủy sản, dệt may, chứng khoán, dầu khí… với thanh khoản đột biến.
Thanh khoản thị trường phiên hôm nay tăng mạnh với khối lượng giao dịch tăng đột biến 97% so với phiên trước, đạt hơn 34.000 tỉ đồng. Mức thanh khoản này thể hiện thị trường đã chịu áp lực bán tháo đáng kể.
Chứng khoán “nhạy cảm” với tin thuế
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Đức Anh – chuyên gia phân tích Công ty cổ phần đầu tư FinSuccess, nhận thấy VN-Index sáng nay dao động trong biên độ hẹp và khá “bình yên”.
Tuy nhiên vào đầu giờ chiều, chỉ số VN-Index có những lúc mất gần 70 điểm. Thị trường bị bao trùm bởi sắc đỏ khi có 500 cổ phiếu giảm giá trên cả ba sàn, trong đó gần 100 mã giảm hết biên độ.
Về nguyên nhân, chuyên gia phân tích FinSuccess thấy rằng sự giảm điểm của VN-Index ngày hôm nay có thể tới từ một số thông tin. Thứ nhất, thông tin Mỹ đánh thuế mạnh pin mặt trời Đông Nam Á lên tới 3.521%.
Thứ hai, đàm phán thương mại Mỹ – Thái Lan bị hoãn chưa rõ lý do. Kết hợp với bối cảnh tâm lý nhà đầu tư trong nước đang rất yếu sau cú điều chỉnh mạnh trong 2 tuần trước, nên xảy ra đợt bán tháo mạnh ở tất cả các nhóm ngành nghề.
Tuy vậy, thị trường cũng quay trở lại vùng gần 1.200 điểm – chỉ còn giảm gần 10 điểm vào cuối phiên. “Có thể thấy rằng, thị trường hiện tại tâm lý rất yếu và phần lớn sẽ bị tác động bởi các tin tức, đặc biệt là tin tức từ thuế quan”, ông Đức Anh nhìn nhận.
Cùng nhìn lại trong thập kỷ qua, thị trường luôn có những biến số đầy “nguy hiểm”. Đơn cử đầu giai đoạn 2015-2016, cú sốc từ đà bán tháo của chứng khoán Trung Quốc kéo VN-Index về vùng trên 500 điểm.
Năm 2020, “thiên nga đen” COVID-19 nhấn chìm chỉ số xuống mốc rất thấp. Khủng hoảng niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cuối năm 2022 đẩy chỉ số xuống dưới ngưỡng 900 điểm. Gần đây nhất, cuối năm 2023, những thông tin liên quan đến Vạn Thịnh Phát lại khiến thị trường chao đảo quanh mốc 1.000 điểm.
“Những giai đoạn như vậy đều có một thứ khiến chúng ta neo vào, đó chính là định giá của thị trường. Tại những thời điểm “đen tối” và hoảng loạn nhất, thước đo định giá yêu thích của chúng tôi là P/B (định giá) thường bị nén xuống vùng thấp nhất trong lịch sử nhiều năm và ở hiện tại, lịch sử 1 lần nữa đang được lặp lại.
Tất nhiên trong mỗi giai đoạn đều có 1 “cái lý” khiến cho thị trường giảm mạnh như vậy, và đều có chung 1 đặc điểm khác đó là: mọi thứ đều không rõ ràng”, ông Đức Anh nhìn nhận.
Dư nợ ký quý cao gây “nguy hiểm” cho thị trường
Trong khi đó, chuyên gia Chứng khoán SHS cho rằng, hiện tượng giảm đột ngột hôm nay một phần do tâm lý bi quan, sợ hãi nhưng cũng có áp lực do dư nợ ký quỹ vẫn còn ở mức cao.
Theo chuyên gia SHS, xu hướng ngắn hạn VN-Index đang nỗ lực phục hồi, tạo vùng cân bằng quanh vùng giá 1.200 điểm. Đây là vùng hỗ trợ tâm lý mạnh, vùng giá trung bình trong 5 năm qua, cũng như vùng giá cao nhất năm 2018.
Còn hỗ trợ mạnh hơn là vùng giá quanh 1.170 điểm, tương ứng giá của phiên phục hồi tốt sau khi tạm hoãn áp thuế đối ứng của Mỹ.
“Với diễn biến hiện tại, dòng tiền cho thấy đang cải thiện gia tăng khá tốt ở nhiều mã khi giảm giá mạnh.
Chúng tôi cho rằng rất nhiều mã, nhóm mã sau giai đoạn bán tháo đang tương đối rẻ so với các yếu tố nội tại của doanh nghiệp”, chuyên gia SHS đánh giá.
Do vậy, bộ phận phân tích SHS khuyến nghị khách hàng tích lũy thận trọng hoặc xem xét mua lướt ngắn hạn hạ giá vốn đầu tư.
Tuy nhiên thị trường vẫn diễn biến khó lường, mức độ rủi ro ngắn hạn cao hơn cơ hội. Do đó vẫn ưu tiên quản trị rủi ro trong bối cảnh mới hiện nay đối với các trường hợp tỉ trọng cao, chưa kịp thời cơ cấu danh mục khi thị trường giảm mạnh.
Nhà đầu tư nên duy trì tỉ trọng hợp lý. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã có nền tảng cơ bản tốt, đầu ngành trong các ngành chiến lược, tăng trưởng vượt trội của nền kinh tế.