
Các bị can Trần Ngọc Linh, Nguyễn Thành Ngôn, Trương Tấn Đạt, Huỳnh Tuấn Ân (chủ tịch Tập đoàn Tuấn Ân), Lê Quang Nghĩa và Tạ Thúc Thông (từ trái qua, từ trên xuống) – Ảnh: Bộ Công an
Trong số 26 gói thầu mà Tập đoàn Tuấn Ân trúng tại Công ty Điện lực Bình Thuận, cơ quan điều tra kết luận có đến 25 gói thầu xảy ra các hành vi sai phạm, gian lận thầu gây thiệt hại tài sản nhà nước gần 50 tỉ đồng.
Thỏa thuận ngầm qua hai đời giám đốc Điện lực Bình Thuận
Theo kết luận điều tra, cuối năm 2016, ông Huỳnh Tuấn Ân (chủ tịch Tập đoàn Tuấn Ân) chủ động gặp, đề nghị giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận Trần Ngọc Linh tạo điều kiện cho Công ty CP thiết bị điện Tuấn Ân trúng các gói thầu cung cấp thiết bị.
Ông Ân cam kết sẽ chi tiền ngoài hợp đồng 5-6% cho EVN Bình Thuận, trong đó cá nhân ông Linh là 1,5%. Chủ tịch Tuấn Ân cũng đưa ra mức “lại quả” từ năm 2019 tăng lên 2%. Số tiền chi ngoài hợp đồng này không cố định mà thay đổi tùy thuộc lợi nhuận của Tập đoàn Tuấn Ân với mỗi gói thầu.
Chủ tịch Tuấn Ân còn cho ông Linh góp vốn 500 triệu đồng vào tập đoàn để trở thành cổ đông chiến lược. Mỗi năm giám đốc EVN Bình Thuận được doanh nghiệp này trả hơn 20% tiền lãi. Ông Linh đồng ý và hứa giúp đỡ cho Tập đoàn Tuấn Ân trúng thầu.
Từ đó, “thỏa thuận ngầm” giữa “ông trùm” thiết bị điện với giám đốc EVN Bình Thuận được thiết lập để chủ tịch tập đoàn này thao túng các gói thầu cung cấp thiết bị điện.
Theo cáo buộc, trong giai đoạn làm giám đốc Điện lực Bình Thuận, ông Linh đã nhiều lần chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện, thực hiện các hành vi thông thầu để giúp Tập đoàn Tuấn Ân được trúng thầu.
Trên thực tế, cựu giám đốc EVN Bình Thuận đã tạo điều kiện cho Tập đoàn Tuấn Ân trúng tổng 23/26 gói thầu, trị giá đã quyết toán 90 tỉ đồng, gây thiệt hại tài sản nhà nước 45 tỉ đồng.
Từ cuối năm 2021, ông Nguyễn Thành Ngôn được bổ nhiệm giám đốc Điện lực Bình Thuận. Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tuấn Ân tiếp tục đến gặp giám đốc EVN Bình Thuận đề nghị kế thừa “thỏa thuận ngầm” từ giai đoạn trước về việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp trúng thầu.
Lãnh đạo Tuấn Ân cũng đề cập việc chi phần trăm ngoài hợp đồng “lại quả” cho EVN Bình Thuận. Ông Ngôn đồng ý và giới thiệu gặp cấp dưới là Lê Quang Nghĩa để làm việc.
Sau đó, hai bên thống nhất chi ngoài hợp đồng lần lượt là 21% và 25% tương ứng với từng gói thầu. Ông Ngôn trực tiếp nhận số tiền này để phân bổ.
Kết luận điều tra cho thấy giai đoạn ông Ngôn làm giám đốc, EVN Bình Thuận đã tạo điều kiện cho Tập đoàn Tuấn Ân trúng 2 gói thầu, tổng giá trị là 9,3 tỉ đồng, gây thiệt hại tài sản nhà nước 4,5 tỉ đồng.
Sau khi trúng thầu, Huỳnh Tuấn Ân đã đưa hối lộ hơn 9,4 tỉ đồng cho nhiều cựu lãnh đạo tại EVN Bình Thuận. Trong đó, cựu giám đốc Trần Ngọc Linh nhận tổng cộng hơn 2,3 tỉ đồng, cựu giám đốc Nguyễn Thành Ngôn nhận hơn 1,3 tỉ đồng.
Thủ đoạn thông thầu của chủ tịch Tập đoàn Tuấn Ân
Theo kết luận, trong thời gian từ năm 2017-2023, chủ tịch Tập đoàn Tuấn Ân đã thao túng trúng 26 gói thầu cung cấp vật tư, phụ kiện thiết bị điện tại Điện lực Bình Thuận.
Trong đó 25 gói sản xuất và 1 gói thương mại có vi phạm đấu thầu nhưng không gây thiệt hại. Giá trị trúng thầu 141 tỉ đồng và đã được quyết toán gần 110 tỉ đồng.
Để có thể thao túng các gói thầu cung cấp thiết bị điện, chủ tịch Tập đoàn Tuấn Ân đã chỉ đạo cấp dưới phối hợp với EVN Bình Thuận thực hiện nhiều hành vi gian lận thầu.
Theo cáo buộc, trước khi phát hành hồ sơ mời thầu khoảng 1 tháng, phía Tuấn Ân sẽ liên hệ trao đổi với các cá nhân của Điện lực Bình Thuận để nắm bắt trước các mặt hàng sẽ mua sắm và hồ sơ đặc tính kỹ thuật, từ đó chuẩn bị các điều kiện lợi thế để đảm bảo trúng thầu.
Việc trao đổi được thực hiện qua email và ứng dụng Skype của các đối tượng. Toàn bộ các gói thầu đều được đấu thầu trái quy định theo phương thức thủ đoạn này, kết luận nêu.
Tiếp đó phía Tuấn Ân và nhà thầu còn gian lận bằng cách “cài thầu” với thủ đoạn hai bên cùng xây dựng báo giá lập dự toán và thống nhất lựa chọn một số hàng hóa có các đặc tính kỹ thuật điển hình.
Hai bên còn thông đồng, thỏa thuận, thống nhất trong việc lựa chọn hình thức đấu thầu mua sắm trực tiếp, trong đó áp dụng giá của hợp đồng đã ký trước đó không quá 12 tháng. Tuy nhiên thực tế nhiều hợp đồng đều sử dụng báo giá của Công ty cổ phần thiết bị điện Tuấn Ân cung cấp trước đó hơn một năm.
Đáng chú ý, nhằm bảo đảm lợi thế chắc chắn cho Tuấn Ân trúng thầu, hai bên còn thông đồng về giá dự thầu của tập đoàn sẽ thấp hơn từ 5 – 8% so với giá dự toán.
Bằng các thủ đoạn trên, Tập đoàn Tuấn Ân đã trúng 26 gói thầu tại EVN Bình Thuận, trong đó 25 gói xảy ra hành vi gian lận thầu gây thiệt hại cho Nhà nước gần 50 tỉ đồng, kết luận nêu.