Đồng ThápTha Vi, Ti Ci, Bạn Mít, Phúc Viên, Tân Nguyên, Lotus là tên của 6 sếu đầu đỏ từ Thái Lan với ý nghĩa tình hữu nghị hai nước, đàn sếu nhanh chóng sinh sôi.
Việc đặt tên cho sếu đầu đỏ diễn ra trong lễ tiếp nhận tại Vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp, sáng 20/4. Đây là những con vật đầu tiên được đặt tên ở vườn.

Ông Lê Minh Hoan (thứ 3 từ trái qua), Phó chủ tịch Quốc hội, cùng đại diện các chuyên gia, đơn vị đồng hành đeo bảng tên vào các mô hình sếu. Ảnh: Ngọc Tài
Cụ thể, Tha Vi là tên do do ông Lê Minh Hoan, Phó chủ tịch Quốc hội, đặt cho sếu trống. Tha – Vi là viết tắt của Thái Lan – Việt Nam, mang ý nghĩa mối quan hệ ngoại giao, hữu nghị giữa hai nước, đồng thời cũng là quê nhà của sếu – Vườn thú Korat với “ngôi nhà mới” tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Tha Vi được phát âm gần giống với một từ trong tiếng Thái có nghĩa là “tăng lên” hoặc “nhiều hơn”. Tên gọi cũng là sự gửi gắm của người đặt mong muốn đàn sếu sớm thích nghi và liên tục sinh sôi tại nơi ở mới.
Ti Ci là tên của sếu trống do tiến sĩ Trần Triết, Giám đốc Chương trình bảo tồn sếu Đông Nam Á, đặt. Ti Ci có nghĩa là Tràm Chim và cũng biệt danh người bạn thân thiết của ông Triết, từng công tác tại vườn quốc gia này.
Bạn Mít là tên do Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (đơn vị đồng hành cùng đề án). Trong đó từ Mít là phiên âm Việt của một từ đơn âm tiếng Thái, có ý nghĩa là thân thiện, tình bạn. Tên gọi của sếu thể hiện tình bạn, tình hữu nghị giữa rất nhiều cá nhân và tổ chức từ Việt Nam, Thái Lan và quốc tế vượt qua mọi rào cản để cùng thực hiện đề án bảo tồn sếu.
Tên gọi Phúc Viên do Thảo Cầm Viên đặt với hàm ý mong đàn sếu hạnh phúc viên mãn và cũng là niềm hạnh phúc của vườn thú khi tham gia đề án bảo tồn sếu. Hai tên gọi còn lại là Lotus có ý nghĩa là sen và Tân Nguyên là khởi nguồn mới, kỷ nguyên mới.

Đàn sếu được đưa về nuôi ở Tràm Chim. Ảnh: Ngọc Tài
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Minh Hoan, cho biết 10 năm rồi mới nhìn thấy sếu đầu đỏ. Ông mong người dân địa phương, Vườn quốc gia Tràm Chim sẽ hiểu hơn những giá trị của sếu, trân quý chúng cũng như thiên nhiên xung quanh.
Sau sếu gồm ba trống, ba mái, đều 7 tháng tuổi, do phía Thái Lan chuyển giao. Việc tiếp nhận sếu nằm trong đề án bảo tồn sếu được Đồng Tháp lên kế hoạch gần hai năm trước. Sếu được nuôi hơn 10 ngày ở Thảo Cầm Viên trước khi chuyển về Tràm Chim.
Phía Đồng Tháp đặt mục tiêu trong 10 năm sẽ nuôi và thả 100 con sếu, trong đó 60 con do Thái Lan chuyển giao. Tỉnh đặt kỳ vọng 50% trong số này sẽ sống sót và tự gầy đàn ngoài tự nhiên.
Sếu đầu đỏ có phần đầu, cổ trụi lông, màu đỏ, vằn trên cánh và đuôi màu xám. Con trưởng thành cao 1,5-1,8 m, sải cánh 2,2-2,5 m, nặng 8-10 kg. Sau ba năm tuổi, sếu bắt cặp sinh sản và mất một năm nuôi con trước khi đẻ lứa tiếp theo.
Theo Hội Sếu quốc tế, toàn thế giới ước tính có 15.000-20.000 sếu đầu đỏ, trong đó 8.000-10.000 con phân bố ở Ấn Độ, Nepal, Pakistan. Ở các nước Đông Dương (chủ yếu Việt Nam và Campuchia), từ năm 2014 ghi nhận khoảng 850 sếu đầu đỏ, song đến năm 2019 còn 234 con, hiện còn khoảng 160 con.
Ở Thái Lan, trước đây sếu đầu đỏ đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, từ năm 2011, quốc gia này khởi động chương trình phát triển sếu. Đến năm 2020, khoảng 100 con sinh sống và có khả năng sinh sản ngoài tự nhiên.
Ngọc Tài