Nỗ lực phanh phui bê bối hơn 700 tấn sữa nhiễm độc của bác sĩ Trung Quốc

Từ ca bệnh bất thường ‘thận của một bé sơ sinh có nửa chai sỏi’, bác sĩ Trương Vĩ đấu tranh để phơi bày sự thực về sữa bột chứa melamine của Tập đoàn Tam Lộc, dẫn đến cuộc thanh tra toàn diện.

Ngày 28/6/2008, Trương Vĩ, Chủ nhiệm khoa Tiết niệu, Bệnh viện số 1 Quân đội Giải phóng Nhân dân, tiếp nhận trường hợp bệnh nhân 10 tháng tuổi bị sỏi thận đầu tiên. Chưa đầy 10 ngày sau, khoa Tiết niệu tiếp nhận thêm ba trẻ bị sỏi thận từ tỉnh Cam Túc.

Cha mẹ các bệnh nhân đều nói cho con sử dụng sữa bột hiệu Tam Lộc (Sanlu) do Tập đoàn Tam Lộc ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc sản xuất từ khi mới sinh.

‘Phải cứu những đứa trẻ bằng mọi giá’

Ngày 16/7/2008, bác sĩ Vĩ nhận thấy tình hình bất thường nên đã báo cáo sự việc với bệnh viện. Sau đó, giám đốc bệnh viện báo cáo lên cấp trên và tham khảo ý kiến các chuyên gia ở tỉnh Cam Túc và Bắc Kinh.

Chiều 16/7, Sở Y tế tỉnh Cam Túc tổ chức đoàn chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cam Túc đến bệnh viện điều tra. Nhiều chuyên gia trong tổ điều tra nghi ngờ sữa bột Tam Lộc, nhưng không ai dám đưa ra kết luận vì thiếu bằng chứng trực tiếp. Sau đó, Bộ Y tế cũng cử người đến bệnh viện để điều tra nhưng chưa có kết luận. Trong thời gian này, số lượng trẻ em nhập viện tăng nhanh lên hơn 10, chủ yếu là trẻ 6 đến 11 tháng tuổi.

Ngày 30/7, tờ Xibu Shangbao đưa tin “thận của một em bé có nửa chai sỏi”, dẫn lời bác sĩ Vĩ nghi ngờ rằng hàm lượng canxi trong sữa công thức dành cho trẻ em có thể quá cao.

Ngày 30/8, bác sĩ Vĩ cứu sống một đứa trẻ đang cận kề cái chết. Sau đó, ông tự tổ chức đoàn y tế đi điều tra sữa bột Tam Lộc tại bốn siêu thị lớn ở thành phố Lan Châu, Cam Túc. “Bất kể có liên quan đến Tam Lộc hay không, đều phải điều tra, nếu không sẽ có rất nhiều trẻ em tử vong. Nếu điều tra sai, chúng ta có thể xin lỗi Tam Lộc”, bác sĩ Vĩ nói với các đồng nghiệp lúc đó.

Đầu tháng 9/2008, bác sĩ Vĩ thấy nhiều bài đăng về trẻ em bị bệnh sau khi dùng sữa Tam Lộc trên một số diễn đàn y khoa. Ông tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế ở Bắc Kinh và Thượng Hải, nhiều người đã nghi ngờ sữa bột Tam Lộc, nhưng do thiếu bằng chứng nên cộng đồng y khoa vẫn im lặng.

Sau một “cuộc đấu tranh tư tưởng kịch liệt, và quyết định phải cứu những đứa trẻ bằng mọi giá”, bác sĩ Vĩ quyết định viết thư cho tờ Nanfang Zhoumo, tiết lộ sữa bột Tam Lộc khiến trẻ sơ sinh bị sỏi thận. Thời điểm đó, phóng viên của Nanfang Zhoumo đã nhận được những manh mối tương tự và đang điều tra về sữa bột Tam Lộc tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Sau đó, bác sĩ Vĩ đã trao đổi với các bác sĩ trong khoa và yêu cầu gia đình các trẻ em công khai sự việc với truyền thông Lan Châu.

Vào 9/9/2008, Lanzhou Chenbao đăng bài “14 trẻ sơ sinh mắc bệnh sỏi thận”, cho biết kể từ ngày 28/6, khoa Tiết niệu Bệnh viện số 1 Quân đội Giải phóng Nhân dân đã tiếp nhận 14 trẻ dưới một tuổi mắc cùng căn bệnh. Tất cả đều đến từ vùng nông thôn Cam Túc và đã sử dụng cùng một nhãn hiệu sữa bột trong thời gian dài. Bài viết thu hút nhiều sự chú ý.

Ngày 11/9, phóng viên điều tra Giản Quang Châu đăng bài viết trên tờ Dongfang Zaobao với tiêu đề “14 trẻ sơ sinh ở Cam Túc mắc bệnh thận, nghi do uống sữa bột Tam Lộc”, trực tiếp chỉ ra nhãn hiệu sữa là Tam Lộc.

Trưa hôm đó, Sở Y tế tỉnh Cam Túc tổ chức họp báo thông báo toàn tỉnh phát hiện 59 trường hợp trẻ sơ sinh bị sỏi tiết niệu, trong đó có một trường hợp tử vong.

Các trường hợp tương tự cũng xảy ra ở Thiểm Tây, Ninh Hạ, Hồ Nam, Hồ Bắc, Sơn Đông, An Huy, Giang Tây, Giang Tô…

Tối cùng ngày, người phát ngôn Bộ Y tế cho biết sẽ điều tra và xử lý nghiêm những người chịu trách nhiệm về việc “trẻ sơ sinh bị sỏi thận”. Tập đoàn Tam Lộc ra thông báo thu hồi sản phẩm, cho biết quá trình tự kiểm tra của công ty phát hiện một số lô sữa bột trẻ em sản xuất trước ngày 6/8/2008 bị nhiễm melamine và có khoảng 700 tấn trên thị trường.





294.000 trẻ em bị bệnh do dùng sữa bột nhiễm melamin. Ảnh: 163

294.000 trẻ em bị bệnh do dùng sữa bột nhiễm melamin. Ảnh: 163

Melamine là hợp chất hữu cơ có hàm lượng nitrogen cao, thường được nhà sản xuất thêm vào sữa để làm tăng hàm lượng protein. Với trẻ em, do hệ tiết niệu yếu, melamine không thể đào thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu, sẽ tích tụ lại gây sỏi thận và dẫn đến suy thận.

Nỗ lực che giấu sự cố bất thành

Ngày 12/9, phóng viên China News thu được một tài liệu từ Tập đoàn Tam Lộc cho thấy trước đó, tập đoàn này đã nhận được khiếu nại từ gia đình có trẻ bị bệnh và đã tham vấn các chuyên gia có liên quan về nguyên nhân gây sỏi thận. Qua quá trình thử nghiệm và điều tra sâu rộng đối với các sản phẩm, kết luận được đưa ra vào ngày 1/8: những người chăn nuôi bò sữa đã pha trộn melamine vào sữa tươi bất hợp pháp để tăng sản lượng, khiến trẻ sơ sinh bị sỏi thận.

Sau khi xác nhận có vấn đề về chất lượng sữa bột, họ đã thực hiện các biện pháp như thu hồi sản phẩm tại một số thị trường và niêm phong các sản phẩm chưa xuất xưởng.

Tính đến ngày 10/9, Tập đoàn Tam Lộc đã niêm phong 2.176 tấn sữa bột có vấn đề và thu hồi 8.210 tấn sữa bột, đồng thời tiếp tục thu hồi khoảng 700 tấn sữa bột thông qua nhiều phương thức khác nhau. Tất cả sản phẩm tung ra thị trường sau ngày 5/8 đều đã được tự kiểm tra và không chứa melamine.

Sau điều tra, chính quyền Thạch Gia Trang xác định sơ bộ rằng “sữa bột có vấn đề” dành cho trẻ em do Công ty TNHH Tập đoàn Tam Lộc Thạch Gia Trang sản xuất là do những kẻ phạm pháp đã thêm melamine vào trong quá trình thu mua sữa tươi. Cảnh sát Thạch Gia Trang đã triệu tập 78 nghi phạm.

Vào ngày 12/9 và 14/9, trang web chính thức của Tập đoàn Tam Lộc bị tin tặc tấn công. Trong thời gian này, một tài liệu nội bộ được cho là của Tập đoàn Tam Lộc lưu hành trực tuyến, nêu rằng Tam Lộc có kế hoạch chi 3 triệu nhân dân tệ để nhờ Baidu hỗ trợ chặn mọi tin tức tiêu cực. Baidu tuyên bố đã lập tức cự tuyệt đề xuất từ đơn vị quan hệ công chúng của Tam Lộc.

Lúc này, nhiều quốc gia và khu vực bắt đầu cấm hoàn toàn hoặc một phần việc bán hoặc nhập khẩu các sản phẩm từ sữa và các sản phẩm liên quan của Trung Quốc (kẹo, cà phê, chocolate). Liên minh châu Âu công bố lệnh cấm hoàn toàn việc nhập khẩu các sản phẩm dành cho trẻ em có chứa thành phần sữa do Trung Quốc sản xuất.

Theo thống kê sơ bộ, từ ngày 14 đến ngày 16/9, toàn tỉnh Hà Bắc tổn thất 5.936 tấn sữa tươi, giá bình quân 3.000 nhân dân tệ/tấn, phần lớn bị người chăn nuôi bò sữa đổ bỏ vì không ai thu mua. Tình trạng này đang lan rộng và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng khi bê bối sữa bột nhiễm độc lan rộng khắp cả nước.

‘Đế chế’ Tam Lộc trước cơn bão

Thực tế, cuộc khủng hoảng của Tam Lộc đã bắt đầu xuất hiện vào năm 2004.

Từ tháng 5/2003, nhiều loại sữa bột kém chất lượng bị phát hiện tại thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sử dụng sữa kém chất lượng dẫn đến bị suy dinh dưỡng do thiếu hụt protein, xảy ra tình trạng rối loạn chức năng tạo máu, suy tạng, suy giảm miễn dịch. Triệu chứng rõ ràng nhất là trẻ bị đầu to, mặt sưng, chân nhỏ gầy, mông sưng đỏ, loét da.

Tổng cộng 12 trẻ sơ sinh tử vong ở Phụ Dương do uống sữa bột kém chất lượng, 189 trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng nhẹ hoặc trung bình.

Với việc vạch trần và điều tra sâu rộng vấn nạn “sữa bột kém chất lượng”, các trường hợp bệnh nặng và tử vong do sữa bột kém chất lượng tiếp tục xuất hiện trên khắp cả nước.

Tháng 4/2004, truyền thông Trung Quốc lập “danh sách đen” 45 công ty sản xuất sữa bột không đủ tiêu chuẩn và sữa bột giả tại Phụ Dương, trong đó có sữa bột trẻ em hiệu Tam Lộc. Các cơ quan thực thi pháp luật ở nhiều địa phương đã ra lệnh thu hồi sữa bột trẻ em Tam Lộc trên thị trường.

Sau đó, Tập đoàn Tam Lộc tổ chức họp báo, cho biết sữa bột của họ bị nêu tên là do lỗi của nhân viên Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Phụ Dương. Trung tâm này đã cấp giấy chứng nhận về báo cáo sai cho Tập đoàn Tam Lộc và công khai xin lỗi.

Tập đoàn Tam Lộc yêu cầu Hiệp hội Công thương, Hiệp hội Y tế và Hiệp hội Người tiêu dùng Phụ Dương đóng dấu trên biên bản xin lỗi và xóa tên Tam Lộc khỏi “danh sách đen”.

Vào ngày thứ tư sau khi “danh sách đen” được công bố, bốn cơ quan quản lý cấp Nhà nước cùng ban hành thông báo khẩn, yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật địa phương cho phép sữa bột Tam Lộc bán bình thường.

Ngay sau đó, Tổng cục Kiểm tra Chất lượng công bố kết quả thanh tra đặc biệt về chất lượng sản phẩm sữa bột trẻ em và Tập đoàn Tam Lộc được xếp hạng nhất trong danh sách 30 nhà sản xuất sữa bột trong nước có hệ thống đảm bảo chất lượng.

Sản lượng và doanh số bán sữa bột của Tập đoàn Tam Lộc đứng đầu cả nước trong 14 năm liên tiếp, sữa nước đứng thứ tư. Công ty này cũng được xếp hạng đầu ngành sữa trong “100 công ty hàng đầu Trung Quốc” do Forbes bình chọn.

Ngày 2/9/2007, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đưa tin rằng sữa bột Tam Lộc phải trải qua 1.100 lần kiểm tra trước khi xuất khỏi nhà máy. Năm đó, Tập đoàn Tam Lộc đạt doanh thu bán hàng 10 tỷ nhân dân tệ.

Nhưng đến tháng 3/2008, Tập đoàn Tam Lộc nhận được khiếu nại từ người tiêu dùng về việc một số trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nước tiểu đổi màu hoặc có hạt trong nước tiểu sau khi dùng sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh hiệu Tam Lộc.

Ngày 13/5/2008, một ngày sau trận động đất lớn ở Tứ Xuyên, Tập đoàn Tam Lộc quyên góp các sản phẩm sữa trị giá 1 triệu nhân dân tệ cho khu vực thiên tai. Năm ngày sau, họ tiếp tục quyên góp sữa bột trẻ em trị giá 8,8 triệu nhân dân tệ.

Ngày 20/5/2008, một người dùng mạng có tên “789oo88oo88” đăng bài trên diễn đàn Tianya về vấn đề chất lượng của sữa bột Tam Lộc mà anh ta mua tại một siêu thị ở huyện Thái Thuận, tỉnh Chiết Giang vào tháng 11/2007. Sữa bột khiến con gái anh ta tiểu tiện bất thường. Sau đó, anh ta thương lượng với Tập đoàn Tam Lộc và Cục Công thương huyện nhưng không có kết quả. Vì vậy, anh ta đăng bài phản ánh với tiêu đề “Loại sữa bột này có thể dùng để cứu trợ thiên tai sao?!”.

Sau đó, đại diện Tập đoàn Tam Lộc đưa tiền để “789oo88oo88” xóa bài, nói phát hiện sản phẩm mình mua là hàng giả, kém chất lượng và không có ý định làm tổn hại đến danh tiếng của nhà sản xuất.

Nỗ lực xử lý khủng hoảng

Ngày 13/9/2008, Quốc vụ viện tuyên bố thành lập ban chỉ huy ứng phó sự cố khẩn cấp để xử lý vụ việc sữa bột trẻ em hiệu Tam Lộc. Trẻ nhiễm bệnh sẽ được chăm sóc y tế miễn phí, do chính phủ chi trả.

Chiều 15/9, Phó chủ tịch Tập đoàn Tam Lộc gửi lời xin lỗi tới các em nhỏ và gia đình bị ảnh hưởng do sử dụng sữa bột Tam Lộc tại cuộc họp báo do chính quyền tỉnh Hà Bắc tổ chức.

Tỉnh ủy Hà Bắc ra quyết định cách chức nhiều quan chức cấp cao của thành phố Thạch Gia Trang, bao gồm Phó bí thư thành ủy kiêm thị trưởng, Phó thị trưởng phụ trách sản xuất nông nghiệp, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thủy sản, bí thư đảng ủy kiêm Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm, bí thư đảng ủy kiêm Cục trưởng Cục Giám sát Chất lượng và Kỹ thuật.

Bà Điền Văn Hoa, 66 tuổi, bị miễn nhiệm bí thư đảng ủy, cách chức chủ tịch và tổng giám đốc Tập đoàn Tam Lộc. Hai ngày sau, bà Hoa bị tạm giữ hình sự.

Ngày 16/9, Tổng cục Kiểm tra chất lượng thông báo phát hiện melamine trong sữa bột của 22 nhà sản xuất, trong đó có Tam Lộc, Y Lợi (Yili), Mông Ngưu (Mengniu) và Nhã Sĩ Lợi (Yashili). Trong đó, hàm lượng melamine trong sữa bột công thức dành cho trẻ em của Tam Lộc là cao nhất, đạt 2.563mg/kg; các loại khác nằm trong khoảng 0,09-619mg/kg.

Sau khi hoàn thành đợt thanh tra toàn quốc về melamine trong sữa bột trẻ em, Tổng cục Kiểm tra chất lượng tiếp tục thanh tra toàn quốc về melamine trong sữa nước. Kết quả cho thấy một số lô sản phẩm của ba thương hiệu nổi tiếng là Mông Ngưu, Y Lợi và Quang Minh (Guangming) có chứa melamine.





Cơ quan chức năng kiểm tra sữa bột bày bán trên thị trường. Ảnh: 163

Cơ quan chức năng kiểm tra sữa bột bày bán trên thị trường. Ảnh: 163

Ngày 22/9, Cục trưởng Tổng cục Kiểm tra chất lượng từ chức. Ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy Hà Bắc kiêm bí thư thành ủy Thạch Gia Trang bị cách chức.

Tổng cục Kiểm tra chất lượng tuyên bố sữa bột nhiễm độc đã được kiểm soát.

Ngày 25/9, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói với các phóng viên từ sáu cơ quan truyền thông Trung Quốc tại New York rằng sau khi biết về vấn đề sữa bột, chính quyền trung ương đã nhanh chóng công khai thông tin với người dân trong nước, Tổ chức Y tế Thế giới và các quốc gia, khu vực liên quan.

‘Phong tỏa truyền thông và dùng tiền bịt miệng’

Theo thống kê của Bộ Y tế, sự cố an toàn thực phẩm nghiêm trọng này đã gây ra dị tật đường tiết niệu cho 294.000 trẻ em, trong đó có 6 trường hợp tử vong.

Ngày 31/12/2008, trong phiên tòa xét xử tại TAND Thạch Gia Trang, Viện kiểm sát cáo buộc từ tháng 12/2007, Tập đoàn Tam Lộc đã nhận được khiếu nại từ người tiêu dùng về một số trẻ em có các triệu chứng như có cặn đỏ trong nước tiểu sau khi sử dụng sữa bột dành cho trẻ em do tập đoàn này sản xuất.

Tập đoàn Tam Lộc đã tổ chức nhiều cuộc họp vào tháng 7/2008. Tại một trong những cuộc họp vào ngày 17/7, các lãnh đạo cấp cao ra quyết sách: phong tỏa truyền thông.

Ngày 2/8/2008, Phó tổng giám đốc Vương Ngọc Lương, thay mặt cho Tập đoàn Tam Lộc, yêu cầu chính quyền thành phố cho phép thu hồi sản phẩm, nhưng đề xuất này bị các quan chức có mặt tại cuộc họp phản đối. Họ đề xuất xoa dịu các gia đình, “dùng tiền bịt miệng”, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ bí mật để ngăn chặn người tiêu dùng nộp đơn kiến nghị, đồng thời cố gắng tránh truyền thông “thổi phồng sự việc”.

Cuối tháng 8, Điền Văn Hoa và cấp dưới báo cáo miệng và bằng văn bản lên chính quyền Thạch Gia Trang. Công ty phản ánh trung thực thông tin nhận được về trẻ em bị bệnh và khẩn thiết yêu cầu chính quyền thành phố xem xét báo cáo lên cấp trên. Phó tỉnh trưởng Hà Bắc cho biết chính quyền tỉnh nhận được báo cáo vào 8/9.





Điền Văn Hoa khóc trên tòa, xin nhận mọi hình phạt. Ảnh: Baike

Điền Văn Hoa khóc trên tòa, xin nhận mọi hình phạt. Ảnh: Baike

Ngày 22/1/2009, TAND Thạch Gia Trang ra phán quyết sơ thẩm, tuyên cựu chủ tịch tập đoàn Tam Lộc Điền Văn Hoa án tù chung thân vì không ngăn chặn việc sản xuất và buôn bán sữa nhiễm độc. Ba lãnh đạo cấp cao của tập đoàn Tam Lộc nhận mức án lần lượt là 15 năm, 8 năm và 5 năm tù.

Tập đoàn Tam Lộc bị kết tội sản xuất và bán các sản phẩm giả, kém chất lượng và bị phạt hơn 49,37 triệu nhân dân tệ. Trong số những người chăn nuôi bò sữa phạm tội sản xuất và bán các sản phẩm sữa có chứa melamine, ba bị cáo bị kết án tử hình, một người nhận án tù chung thân, ba người khác lần lượt bị phạt 15 năm, 8 năm và 5 năm tù.

Trong ba bị cáo nhận án tử hình, hai người bị thi hành án vào 24/11/2009, người còn lại được giảm thành tử hình treo, thử thách trong hai năm sau khi kháng cáo.

Ngày 12/2/2009, TAND Thạch Gia Trang chính thức tuyên bố Tập đoàn Tam Lộc phá sản.

Phải mất nửa thế kỷ để Tam Lộc phát triển từ một xưởng sản xuất sữa nhỏ thành tập đoàn lớn có giá trị thương hiệu gần 15 tỷ nhân dân tệ. Tuy nhiên, chỉ mất chưa đầy một năm để Tam Lộc từ một công ty có doanh thu hàng năm trên 10 tỷ nhân dân tệ rơi vào tình trạng phá sản.

Nghi vấn quanh tiền bồi thường

Cuối 2008, Hiệp hội Sữa Trung Quốc đã thành lập quỹ bồi thường y tế với tổng số tiền là 200 triệu nhân dân tệ, do 22 công ty liên quan đến vụ việc đóng góp, nhằm hỗ trợ gần 300.000 trẻ em được xác nhận là bị ảnh hưởng bởi sữa nhiễm độc. Tuy nhiên, tháng 3/2011, tờ Outlook Oriental Weekly, có cơ quan chủ quản là hãng thông tấn nhà nước Xinhua, đưa tin rằng sau chưa đầy hai năm rưỡi, tình hình hoạt động của quỹ không được công khai, các tổ chức trong ngành liên quan gọi nó là “cơ mật” và không phù hợp để công bố với công chúng.

Không chỉ mức đóng góp của 22 công ty liên quan không được nêu rõ, mà ngay cả tình hình bồi thường, phương thức quản lý, vận hành và số dư của quỹ bồi thường y tế trong hai năm qua cũng trở thành ẩn số.

Theo Bộ Y tế, tiêu chuẩn bồi thường được áp dụng thống nhất là 200.000 nhân dân tệ cho trường hợp tử vong, 30.000 nhân dân tệ cho trường hợp bệnh nặng và 2.000 nhân dân tệ cho các triệu chứng thông thường. Phần lớn bệnh nhân nhận được 2.000 nhân dân tệ tiền bồi thường.

Tháng 6/2011, Hiệp hội Sữa Trung Quốc báo cáo, tính đến cuối 2010, 271.869 phụ huynh có con bị nhiễm bệnh đã nhận được khoản bồi thường một lần. Tuy nhiên, Hiệp hội Sữa không trả lời việc bồi thường có được thực hiện theo đúng quy định thống nhất của Bộ Y tế không? Có bao nhiêu trẻ em được bồi thường vì tử vong, bệnh tật nghiêm trọng và các triệu chứng thông thường? Tiền bồi thường đã được trả đầy đủ chưa? Tổng số tiền đã bồi thường là bao nhiêu?

Năm 2011, Điền Văn Hoa được Tòa án cấp cao tỉnh Hà Bắc ra phán quyết giảm án từ tù chung thân xuống còn 19 năm tù. Bà Hoa tiếp tục được giảm án hai lần nữa vào năm 2014 và 2016, còn khoảng 16 năm tù.

Tuệ Anh (Theo CCTV, Sina, Chinanews)