Nếu chó Locxa xông xáo, lãnh nhiệm vụ tiên phong trong những lần cứu nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ hay Myanmar thì Zunka đảm nhận kiểm tra lần cuối vị trí nghi có nguồn hơi.
Cái nóng hơn 40 độ C ngày đầu tháng 4 khiến bầu không khí thủ đô Naypyidaw, Myanmar ngột ngạt. Mùi tử khí bốc lên nồng nặc sau thảm họa động đất 7,7 độ hôm 28/3 làm hơn 3.300 người chết, 220 người mất tích. Hơn 15h ngày 5/4, đoàn cứu hộ quân đội Việt Nam đưa được thi thể thứ 16 ra khỏi đống đổ nát của Bệnh viện Ottara Thiri. Quản lý bệnh viện xác nhận đã tìm thấy hết nạn nhân.
Bộ đội chuẩn bị rút về nơi ở sau một ngày cứu hộ từ sáng sớm. Đôi trai gái người địa phương vẫn đứng khóc, thông qua phiên dịch chắc chắn rằng mẹ của họ vẫn còn ở phía trong bệnh viện, mong lực lượng cứu hộ Việt Nam giúp đỡ tìm thêm.
Chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường động đất ở Naypyidaw, Myanmar, tháng 4/2025. Video: Song Linh
Tổ tìm kiếm nhận lệnh chỉ huy cùng chó nghiệp vụ lập tức quay vào hiện trường trong sự chờ mong của người dân. Công binh đục thủng một đoạn tường bêtông, mở lối để huấn luyện viên đưa chó nghiệp vụ xuống xác định vị trí. Quân khuyển Locxa lập tức lao đến sủa ầm ĩ báo hiệu vị trí có nguồn hơi.
Bộ đội tiếp tục tìm theo hướng chú chó rít sủa, đục bỏ hẳn lớp bêtông thì luồng tử khí xộc lên, lộ ra vị trí nạn nhân nằm. Trận động đất khiến các công trình không sập đổ hoàn toàn, nhưng các khối bêtông đè ép khiến bộ đội mất nhiều thời gian đưa người ra.
Hơn ba tiếng nỗ lực khoan, đục, cắt bỏ các khối bêtông, công binh cũng đưa được nạn nhân thứ 17 – cũng là thi thể cuối cùng còn mắc kẹt trong Bệnh viện Ottara Thiri ra ngoài. Bộ đội bàn giao nạn nhân cho người nhà trong tiếng khóc than và những cái chắp tay thay lời cảm tạ. Đó đã là ngày thứ bảy đoàn cứu hộ 80 quân nhân Việt Nam cùng 6 chó nghiệp vụ tham gia cứu hộ động đất Myanmar.
“Làm tốt lắm, con trai”, thiếu tá Nguyễn Viết Linh – huấn luyện viên xoa vỗ đầu Locxa khi ấy cũng đang hướng mắt quan sát đám đông. Chú chó becgie thè lưỡi thở hồng hộc vì nóng vẫn quẫy đuôi nhận lời khen và cũng để báo hiệu sẵn sàng đợi lệnh. Trước đó khi đội công binh vào việc, thiếu tá Linh có chút hồi hộp nhưng tin sẽ tìm thấy người.
Bảy năm nuôi dạy Locxa, anh Linh tóm gọn tính cách chú chó của mình bằng ba chữ “đáng tin cậy”. Locxa 7 tuổi, dòng becgie Đức, từng hai lần tham gia cứu nạn quốc tế từ Thổ Nhĩ Kỳ tháng 2/2023 đến Myanmar cuối tháng 3/2025. Riêng chuyến cứu hộ ở Myanmar, Locxa phát hiện 4 vị trí có nguồn hơi giúp bộ đội tìm được 6 thi thể. Đây cũng là chú chó đầu tiên đánh hơi được vị trí tìm thấy nạn nhân mất tích vì lũ quét Làng Nủ (Lào Cai) tháng 9/2024.

Đại úy Nguyễn Tuấn Anh cùng chó nghiệp vụ Zunka tại hiện trường tìm kiếm Bệnh viện Ottara Thiri, tháng 4/2025. Ảnh: Song Linh
Nếu Locxa là chú chó xông xáo, thường lãnh nhiệm vụ tiên phong trong những lần cứu nạn thì Zunka lại là quân khuyển được các chỉ huy tin tưởng giao kiểm tra cuối cùng những vị trí nghi có nguồn hơi mà đồng đội phát hiện. Khi Zunka đã sủa xác nhận thì chắc chắn có nạn nhân ở vị trí đó. Quân khuyển 5 tuổi dòng malinois luôn khiến toàn đội yên tâm khi làm nhiệm vụ, từng đi cứu hộ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, sạt lở đất ở Nậm Tông (Bắc Hà, Lào Cai).
Nuôi dạy Zunka từ năm 2020 từ khi còn là chó choai bắt đầu tiếp nhận huấn luyện, đại úy Nguyễn Tuấn Anh cho biết nó có khứu giác tinh nhạy, thích vận động và hay sục sạo tìm kiếm các nguồn hơi. “Zunka chưa lần nào không tìm thấy đồ vật mà huấn luyện viên giấu, dù kỹ đến đâu”, anh kể. 15 năm nuôi dạy chó nghiệp vụ, từng gắn bó với nhiều quân khuyển, riêng Zunka là người bạn đồng hành với Tuấn Anh trong ba chuyến cứu hộ đặc biệt từ trong ra ngoài nước.
Zunka thường thận trọng quan sát kỹ khi bắt đầu tiếp xúc hiện trường và trở nên linh hoạt khi tìm kiếm nguồn hơi. Những ngày tìm kiếm ở Bệnh viện Ottara Thiri, tòa nhà ba tầng chưa đổ sập hoàn toàn mà đè ép lên nhau tạo thành các không gian vừa sâu vừa hẹp. Đại úy Tuấn Anh sẽ xuống trước thăm dò rồi vỗ vài cái xuống đất báo cho nó biết vị trí này an toàn. Khi bắt được nguồn hơi, Zunka thường truy tìm đến cùng. Có lần nó mải lao về hướng có nguồn hơi nên bị mảnh xương thạch cao găm xước da đầu, cẳng chân. Huấn luyện viên vội xoa đầu trấn an để nó không hoảng sợ, tiếp tục làm nhiệm vụ sau khi đã xử lý vết thương.
Ngày nóng 40 độ C, ban đêm nền nhiệt Naypyidaw thường giảm xuống khoảng 25 độ. Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, đại úy Tuấn Anh thường chơi đùa, massage cho Zunka một lúc trước khi đi ngủ. Đó là cách anh động viên, tạo sự hưng phấn cho người bạn đồng hành để tiếp tục làm nhiệm vụ.
Tám ngày tham gia cứu hộ Myanmar trong thời tiết khắc nghiệt cùng hiện trường bao trùm mùi tử khí khiến bộ đội, chó nghiệp vụ nhanh kiệt sức. Đội cứu hộ thường chia ca, dùng cả 6 chó nghiệp vụ lúc sáng sớm và rút bớt còn từng cặp khi bắt đầu nắng gắt để làm việc. Con này tìm kiếm phát hiện thì con kia kiểm tra chéo để cắm cờ đánh dấu.

Phút nghỉ ngơi sau nhiều giờ tìm kiếm của thiếu tá Nguyễn Viết Linh cùng đồng đội và chó Locxa. Ảnh: Thành Đạt
Thấy quân khuyển Việt Nam phát huy hiệu quả tìm kiếm nạn nhân, lực lượng cứu hộ UAE khi làm việc chung đã hỏi thăm kinh nghiệm. Thượng tá Nguyễn Trung Kiên, Trưởng khoa Giám biệt nguồn hơi, Trường Trung cấp 24 Biên phòng, chia sẻ chó nghiệp vụ được tuyển chọn sang Myanmar đều đã trải qua khổ luyện sát thực tế, dày kinh nghiệm.
Trước đây khi huấn luyện, nhà trường liên hệ với Viện Pháp y quân đội và được hỗ trợ lưu một số nguồn hơi tử thi, tẩm vào khăn bông sạch để chó phân biệt khi tìm kiếm. Phương pháp giúp tạo ra nguồn hơi đích, trải qua quá trình huấn luyện lâu dài nên trong cứu hộ thực tế đã phát huy hiệu quả. Nếu có nguồn hơi nghi nạn nhân còn sống, chó nghiệp vụ vẫn có thể xác định vị trí. Bởi khi huấn luyện mô phỏng công trình sụp đổ, bộ đội từng chui trong ống cống, lấp đất chỉ để hở một khe, tạo tiếng động nhỏ, chó vẫn tìm ra.
Điểm khó khăn trong hiện trường lần này là nhiều nạn nhân bị dầm chữ T đè lên, phía dưới là các khối vật chất như bàn, tủ chèn ép nên công binh mất nhiều thời gian, công sức đưa nạn nhân ra. Một số đội cứu hộ các nước đã đến rồi rời đi vì không có thiết bị hạng nặng như máy xúc, máy ủi. Nếu chỉ dùng máy móc cầm tay đào bới, chui sâu trong đống đổ nát thì có thể bị đè sập vì dư chấn động đất.
Khi bộ đội Việt Nam bắt đầu tìm kiếm, người địa phương cũng nghĩ “đoàn đến rồi đi” như những đội khác. Nhưng dưới vị trí cờ hiệu được cắm, các nạn nhân lần lượt được đưa ra khiến người dân có hy vọng tìm được người nhà. “Các vị trí chó xác định có nguồn hơi đều tìm thấy thi thể”, thượng tá Kiên cho hay, thêm rằng 10 vị trí chó nghiệp vụ báo hiệu để cắm cờ đã tìm được 16 trong tổng số 21 nạn nhân đoàn cứu hộ quân đội đưa ra.
Mùi tử khí không ảnh hưởng nhiều thính giác của chó vì chúng được huấn luyện tìm kiếm hơi đích, bộ đội cũng quen dần với mùi và coi đó là một phần công việc cứu hộ. Khẩu trang hai lớp, dầu gió dắt ở các túi áo để xức cho át mùi và chống cảm mạo. Tối về ai nấy lùa vội bát cơm, bí xanh để hôm sau lấy sức đi làm tiếp. Trở về Việt Nam sau tám ngày làm nhiệm vụ, thiếu tá Nguyễn Viết Linh đôi lúc “cảm tưởng vẫn ngửi thấy mùi tử khí”. Anh được vợ nấu cho một nồi nước lá xông giải cảm trước khi trở lại trường tiếp tục nuôi dạy chó nghiệp vụ.
Hồng Chiêu