
Ông Út Huy cho biết khi xưa ông chọn Nông trường cao su Bời Lời để ký hợp đồng trồng mía vì dự án kênh thủy lợi Phước Hòa mới được đầu tư đưa nước từ hồ Dầu Tiếng về, ông có thể đắp kênh lấy nước ngọt đưa thẳng vào khu đất để canh tác. Sau khi vụ khởi kiện đầu tiên được TAND tối cao ra quyết định giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm và vụ án được đình chỉ, ông Út Huy tiếp tục yên tâm đổ tiền vào canh tác hơn 72ha đất tại đây. Tổng số tiền đầu tư vào vườn chuối ước gần 50 tỉ đồng – Ảnh: DUY BẰNG
Vườn chuối ở ấp Bến Kinh, xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh của ông Võ Quan Huy (thường được gọi là “vua chuối” Út Huy) mới đây được Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh tổ chức đoàn khảo sát việc di dời tài sản và khảo sát thực địa để thi hành án.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, ông Út Huy và những người liên quan bị Công ty TNHH MTV 30-4 Tây Ninh khởi kiện, yêu cầu di dời, tháo dỡ toàn bộ tài sản trên đất.
Đây đã là lần thứ ba ông Huy và những người liên quan bị khởi kiện, kể từ khi họ vào canh tác ở khu vực này theo hợp đồng ký với Nông trường cao su Bời Lời vào những năm 1992, 1993.
Nội dung chủ yếu vẫn xoay quanh việc yêu cầu những người đang canh tác phải di dời, tháo dỡ toàn bộ tài sản. Trong khi ông Út Huy và những người liên quan yêu cầu phải được bồi thường tài sản, công khai hoang làm tăng giá trị đất theo quy định của Nhà nước.
Lần khởi kiện đầu tiên được TAND tối cao ra quyết định giám đốc thẩm hủy án vào năm 2010. Sau đó vụ án được đình chỉ. Lần khởi kiện thứ hai vào năm 2018, công ty tiếp tục khởi kiện nhưng sau đó vụ án được đình chỉ do người khởi kiện chưa đủ điều kiện khởi kiện.
Lần khởi kiện thứ ba bắt đầu từ năm 2022, công ty được TAND hai cấp ở Tây Ninh chấp nhận khởi kiện, buộc ông Huy và những người liên quan phải di dời, tháo dỡ toàn bộ tài sản.
Tháng 11-2023, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM ra quyết định kháng nghị, với các cơ sở cho thấy bản án còn nhiều thiếu sót có thể gây thiệt hại cho đương sự.
Tuy nhiên tháng 2 và tháng 3 vừa qua, viện bất ngờ ra hai quyết định rút kháng nghị. Với lý do “Để phục vụ tình hình chính trị tại địa phương, đảm bảo dự án khu liên hợp công nghiệp – đô thị – dịch vụ Phước Đông – Bời Lời thực hiện đúng tiến độ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”.
Hiện ông Út Huy đang tiếp tục gửi đơn cầu cứu khắp nơi đề nghị tạm hoãn thi hành án, xem lại việc rút kháng nghị, với mong muốn được hỗ trợ một phần tài sản trên đất và công sức khai hoang đất.
Trong khi đó, “vườn chuối triệu đô” đang tiếp tục thu hoạch để xuất khẩu trước khi bị thi hành án. Đây cũng chính là vườn chuối đầu tiên giúp làm nên danh hiệu “vua chuối” cho ông Út Huy.

Trước khi trồng chuối, ông Út Huy đã là một nông dân nổi tiếng, thành công với nhiều loại hình trồng mía, ớt, cây ăn trái đến nuôi tôm, bò. Cố giáo sư Võ Tòng Xuân từng gọi ông là “nông dân số 1 Việt Nam”. Sau nhiều loại hình thành công, ông Út Huy quyết tâm đầu tư vào trồng chuối khi nhận thấy Nhật Bản là thị trường có tiềm năng rất lớn về tiêu thụ loại trái cây này. Dù đây là một thị trường nổi tiếng “khó tính” hàng đầu trên thế giới, ông Út Huy vẫn quyết tâm chinh phục với mục tiêu chung lâu dài: “Vào được thị trường khó nhất thì những thị trường khác đều vào được”. Năm 2016, vườn chuối bắt đầu thu hoạch để xuất khẩu. Ảnh ông Út Huy “khoe” với PV báo Tuổi Trẻ lứa chuối đầu tiên tại vườn chuối xã Đôn Thuận vào năm 2016 – Ảnh: SƠN LÂM

Vườn chuối có hệ thống cáp treo và giàn chống đổ ngã trải khắp 72ha, người thu hoạch chỉ việc cắt chuối từ buồng treo lên cáp, sẽ có người kéo các buồng chuối chạy thẳng vào nhà sơ chế. Ước tính toàn bộ hệ thống cáp treo này dài khoảng 1.300m. Phải dựa vào thực tế công việc và những “kỹ sư miệt vườn” mày mò làm ra, ông Út Huy phải mất khoảng 2 năm để hoàn thiện hệ thống cáp treo. Ở những vườn chuối nơi khác, ông Út Huy còn tạo ra được hệ thống đầu kéo tự động để người kéo chuối ngồi lên điều khiển. Còn vườn chuối Tây Ninh vẫn còn giữ nguyên “sức kéo” từ người điều khiển xe máy như thời điểm ban đầu – Ảnh: DUY BẰNG

Chuối khi được kéo vào sẽ được xịt rửa để loại bỏ những bụi bẩn từ vườn. Hiện vườn chuối của ông Út Huy ở xã Đôn Thuận có khoảng 120.000 gốc – Ảnh: DUY BẰNG

Những trái chuối sẽ được xử lý sạch sẽ qua hệ thống các bồn rửa nối tiếp nhau mượn sức nước để chuyền chuối. Sau đó sẽ được tuyển chọn kỹ lưỡng từng trái, không để chuối hư trong quá trình vận chuyển dài ngày đi xuất khẩu. Những quy trình này được ông Út Huy học hỏi từ nhiều nước trên thế giới để tạo ra quy trình chuẩn đáp ứng xuất khẩu – Ảnh: DUY BẰNG

Việc đóng gói xuất khẩu cũng diễn ra hết sức kỹ lưỡng, theo đúng tiêu chuẩn mẫu mã, quy trình do phía đối tác từ nước ngoài yêu cầu và đến khảo sát, kiểm tra kỹ lưỡng trước khi ký hợp đồng xuất khẩu – Ảnh: DUY BẰNG

Những đối tác Nhật trong một lần đến khảo sát quy trình sản xuất, sơ chế, đóng gói vườn chuối tại Tây Ninh. Ông Út Huy bắt đầu được gọi là “vua chuối” khi những trái chuối ông sản xuất từ Tây Ninh được người Nhật lựa chọn đưa vào hệ thống cửa hàng tiện lợi trên đất Nhật. Từ đó, nhiều đối tác nước ngoài bắt đầu quan tâm hơn đến các vùng trồng chuối tại Việt Nam – Ảnh: DUY BẰNG

Vườn chuối xã Đôn Thuận hiện nay mỗi tuần thu hoạch được 3.500-4.000 buồng với sản lượng 50-60 tấn để xuất khẩu, đưa thương hiệu FOHLA của ông Út Huy hiện diện tại thị trường Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc… – Ảnh: DUY BẰNG

Tuy nhiên, vườn chuối xã Đôn Thuận sắp đóng cửa để trả lại đất thực hiện dự án khu liên hợp công nghiệp đô thị dịch vụ Phước Đông – Bời Lời. Đây là dự án lớn nhất tỉnh Tây Ninh với diện tích 2.837ha. Hiện Khu công nghiệp Phước Đông thuộc giai đoạn 1 của dự án đã đi vào hoạt động. Dự án đã bước vào giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư giai đoạn 3 để tiếp tục thu hồi đất. Sau hai quyết định rút kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM, đơn vị thi hành án đã bắt đầu triển khai công tác thi hành án. Ông Huy cũng đang gấp rút chuẩn bị sắp xếp công việc tại vườn chuối trước ngày đóng cửa cũng như tiếp tục cầu cứu nhiều nơi, với mong muốn được bồi thường tài sản trên đất và công sức khai hoang theo quy định của Nhà nước – Ảnh: SƠN LÂM