Chứng khoán Mỹ biến động mạnh

Các chỉ số chủ chốt của Wall Street tăng điểm sau thông tin Mỹ cân nhắc hoãn áp thuế đối ứng, nhưng sau đó giảm trở lại khi Nhà Trắng nói “không biết việc này”.

Thị trường chứng khoán Mỹ đầu phiên 7/4 liên tiếp biến động mạnh. Sau khi giảm hơn 3% ngay khi mở cửa, cả ba chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ đồng loạt quay đầu tăng 1-2%.

Giới quan sát cho rằng thị trường đi lên do thông tin Kevin Hassett – Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ cho biết trong cuộc phỏng vấn trên CNBC rằng ông Trump cân nhắc hoãn áp thuế 90 ngày với tất cả các nước, trừ Trung Quốc. Tuy nhiên, sau đó, CNBC đưa tin quan chức Nhà Trắng khẳng định không biết thông tin này.

Tài khoản X có tên Rapid Response 47 – do Nhà Trắng quản lý – cũng khẳng định đây là “tin giả”.

Wall Street vì thế lao dốc trở lại. Hiện DJIA giảm 2,1%. S&P 500 và Nasdaq Composite mất gần 1,4-1,7%.

Trên Truth Social ngày 7/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục dọa áp thuế bổ sung 50% với Trung Quốc từ ngày 9/4, nếu nước này không rút lại thuế trả đũa. Tuần trước, Trung Quốc thông báo áp thuế thêm 34% với hàng Mỹ, sau khi ông Trump công bố mức thuế đối ứng áp dụng với nước này là 34%.

“Thêm vào đó, tất cả các cuộc nói chuyện với Trung Quốc về đề xuất họp song phương cũng sẽ chấm dứt”, ông viết.





Ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giảm mạnh rồi tăng vọt khi mở cửa. Đồ thị: Reuters

Ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giảm mạnh khi mở cửa rồi tăng vọt, trước khi giảm trở lại. Đồ thị: Reuters

Trước đó, từ khi mở cửa, chỉ số S&P 500 mất 3,3%. DJIA mất hơn 1.220 điểm, tương đương 3,1%. Nasdaq Composite mất 3,9%.





Chỉ số DJIA liên tục mất điểm ngay đầu phiên giao dịch 7/4. Đồ thị: Reuters

Chỉ số DJIA liên tục mất điểm ngay đầu phiên giao dịch 7/4. Đồ thị: Reuters

Tổng cộng trong 3 phiên qua, S&P 500 mất 13%. Đây là lần đầu tiên việc này xảy ra kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Nếu chốt phiên ở mức này, S&P 500 sẽ rơi vào thị trường giá xuống, khi giảm 20% so với đỉnh tháng 2.

Nasdaq Composite cũng chìm sâu trong thị trường giá xuống, khi nhà đầu tư tăng bán cổ phiếu công nghệ để có tiền mặt. Chỉ số này đã giảm 26% so với đỉnh gần nhất.

Cổ phiếu Apple, Nvidia, Tesla giảm 5-7%. Cả ba công ty này đều có hiện diện lớn tại Trung Quốc và thuộc nhóm chịu ảnh hưởng mạnh nhất khi Bắc Kinh áp thuế trả đũa Washington. Cuối tuần trước, nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà giảm của thị trường. Ngoài công nghệ, các mã cổ phiếu khác như Boeing hay Caterpillar – những hãng xuất khẩu lớn sang Trung Quốc – cũng giảm gần 6%.

Diễn biến này đã được dự báo từ trước. Các thị trường chứng khoán toàn cầu hôm nay đều bị bán tháo, do tâm lý bi quan của nhà đầu tư sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế đối ứng với hơn 180 đối tác thương mại tuần trước.

Cổ phiếu các hãng trang phục thể thao, như Nike hay Deckers Outdoor đều giảm hơn 5%. Phiên cuối tuần trước, các mã này đóng cửa tăng giá, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đã điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm.

Giá vàng thế giới cũng đã quay về dưới mốc 3.000 USD. Mỗi ounce hiện giảm gần 50 USD về 2.988 USD. Sáng nay, giá cũng có thời điểm xuống sát 2.980 USD, rồi mới bật tăng trở lại.

Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 và Topix (Nhật Bản) cùng giảm 7,8%. Kospi (Hàn Quốc) chốt phiên giảm 5,6%. Tại Trung Quốc, thị trường chứng khoán càng về cuối phiên càng giảm mạnh. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa giảm 7,3%. Hang Seng Index (Hong Kong) mất tới gần 14%.

Đà bán tháo lan sang các nước châu Âu, khi chỉ số Stoxx 600 hiện giảm 4,1%. DAX (Đức) mất 3,8%. CAC 40 (Pháp) giảm 3,8%. Còn FTSE 100 của thị trường chứng khoán Anh giảm 4,2%. Tuy nhiên, các mức giảm này đều đã thu hẹp so với đầu phiên.

Nhà đầu tư lo lắng thuế nhập khẩu của Mỹ sẽ kéo tụt tăng trưởng của cả nền kinh tế lớn nhất thế giới và toàn cầu. Dù vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump không tỏ ra e ngại. Trên mạng xã hội Truth Social, ông liên tục đăng trạng thái kêu gọi người dân “mạnh mẽ, dũng cảm, kiên nhẫn” với thuế nhập khẩu, vì “kết quả sẽ là sự vĩ đại” dành cho nước Mỹ.

“Giá dầu giảm, lãi suất giảm (Fed chậm chạp nên cắt giảm lãi suất thì hơn), giá thực phẩm giảm, sẽ không còn lạm phát nữa. Nước Mỹ đã bị lợi dụng trong thời gian dài và giờ sẽ có thêm hàng tỷ USD mỗi tuần từ thuế nhập khẩu…Hãy làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ông viết.

Dù vậy, các ngân hàng đầu tư vài tuần qua lại liên tiếp nâng dự báo xác suất Mỹ suy thoái. Ngày 7/4, Ngân hàng Goldman Sachs dự báo khả năng Mỹ suy thoái kinh tế trong 12 tháng tới là 45%, tăng so với 35% trước đó. Nhà băng này giải thích tình hình tài chính xuống cấp, trong khi bất ổn chính sách tăng cao có thể khiến chi tiêu của doanh nghiệp giảm nhanh hơn dự kiến. JP Morgan – nhà băng lớn nhất Mỹ cho rằng xác suất này là 60%. Còn S&P Global dự báo khả năng suy thoái là 30-35%, tăng so với 25% hồi tháng 3.

Hà Thu (theo Reuters)