Kiến trúc sư ‘lần theo không ảnh’ giúp tìm được mộ 600 liệt sĩ

Bức ảnh chụp sân bay Biên Hòa trên cao đăng ở web panoramio nhận bình luận của một quân nhân Mỹ đưa KTS Nguyễn Xuân Thắng vào hành trình tìm mộ liệt sĩ suốt thập kỷ.

“Nếu bạn nhìn lên con đường ở bản đồ sân bay này, rồi quẹo phải, ở đó có lô cốt, gọi là đồi 10. Nơi đây đã xảy ra trận chiến đấu dữ dội ngày 31/1/1968. Đối phương đã để lại 153 thi thể và hai ngày sau phải chôn họ ở đường băng. Bây giờ nghĩ lại sau gần 50 năm tôi vẫn còn ớn lạnh…”, ngày 3/10/2016, một người Mỹ tên Bob Connor để lại bình luận trên bức không ảnh (ảnh chụp từ không trung, trên cao xuống) sân bay Biên Hòa, Đồng Nai.





Bức không ảnh sân bay Biên Hòa được ông Thắng đăng trên web và Bob Connor khoanh đỏ về hố chôn liệt sĩ, sau đó tìm ở vị trí đánh dấu sao. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bức không ảnh sân bay Biên Hòa được ông Thắng đăng trên web và Bob Connor khoanh đỏ về hố chôn liệt sĩ, sau đó tìm ở vị trí đánh dấu sao. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bức ảnh nằm trong số không ảnh được kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Xuân Thắng, 52 tuổi, ở TP HCM, sưu tầm và đăng lên web ảnh 10 năm trước. Bằng linh cảm của người đi tìm mộ liệt sĩ suốt 16 năm, ông Thắng bàn với Anh hùng lực lượng vũ trang Chế Trung Hiếu vốn am hiểu chiến tranh lại giỏi ngoại ngữ, liên hệ người bình luận qua email được lưu trên trang.

Thư qua lại, Bob Connor cho biết mình từng là thượng sĩ, làm nhiệm vụ bảo vệ sân bay Biên Hòa. Không chỉ khoanh lại vị trí hố chôn trên bức không ảnh, ông còn kết nối với chỉ huy bay, đại úy Martin E. Strones – người có mặt trong ngày 2 và 3/1/1968, khi chôn các chiến sĩ phía Việt Nam.

Các thông tin được gửi đến đại tá Mai Xuân Chiến, Phó chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai. Tiếp tục những email qua lại, Bob và Martin cho biết sẽ sớm sang Việt Nam để trực tiếp chỉ các hố chôn.

Chưa đầy nửa năm sau, hai ông có mặt ở Biên Hòa và đúng vị trí Bob để lại bình luận trên bức không ảnh, ngày 17/4/2017, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy hố chôn tập thể 150 chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 và Đại đội đặc công Biên Hòa hy sinh trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968.

Sự kiện ở sân bay Biên Hòa trở thành bước ngoặt đối với ông Thắng trong việc sử dụng không ảnh tìm kiếm các hố chôn tập thể trong chiến tranh.

Trước đó, đầu năm 2000, theo tâm nguyện của mẹ, KTS Thắng khi đó mới 27 tuổi, từ TP HCM lên đường đi tìm mộ của cậu ruột. Manh mối là người cậu hy sinh ở chiến trường Quảng Nam vào năm 1972 khi mới 20 tuổi.

Thông tin ít ỏi, những lời kể chắp vá, ông Thắng tìm kiếm khắp các nghĩa trang, cuối cùng chỉ biết được nơi cậu hy sinh. Dù nhiệm vụ mẹ giao mới hoàn thành một nửa nhưng đổi lại suốt quá trình đi tìm người thân, trong những câu chuyện của các nhân chứng, ông nhận ra nhiều liệt sĩ chưa được quy tập. Họ đang ở đâu đó, dưới lớp đất mà chỉ cần “cố thêm một chút sẽ tìm thấy”.

Ban đầu, ông tiếp nhận thông tin của nhân chứng, kết hợp các dữ liệu lịch sử về trận đánh, danh sách chiến sĩ ở các đơn vị quân đội… tập hợp lại rồi gửi ngành chức năng. Điểm yếu của những hồ sơ này đa phần là định tính, lời kể nhân chứng mà qua thời gian có nhiều sai sót khiến các đơn vị tìm kiếm e ngại. Tuy nhiên, sau sự kiện sân bay Biên Hòa, ông nhận ra không ảnh là bằng chứng bất biến và khách quan, khó chối cãi, khác với trí nhớ con người có thể sai lệch.





Ông Nguyễn Xuân Thắng (bên phải) trong lần tham gia tìm kiếm liệt sĩ ở An Hoà, Quảng Nam (cũ). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Nguyễn Xuân Thắng (ngoài cùng bên phải) trong lần tham gia tìm kiếm liệt sĩ ở An Hoà, Quảng Nam (cũ). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vốn có kiến thức và niềm đam mê chụp ảnh, ông bắt đầu săn lùng các bức không ảnh chiến tranh Việt Nam. Ông tham gia các trang web, blog, diễn đàn chia sẻ ảnh từ các cựu quân nhân Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, đặc biệt phi công chụp từ máy bay. Ông tải về tất cả ảnh miễn phí, với những ảnh bản quyền, ông sẵn sàng bỏ tiền túi ra mua.

Theo KTS Thắng, phía Mỹ có một nguồn không ảnh khổng lồ từ các máy bay trinh sát chiến lược được chụp trước, trong và sau khi diễn ra trận đánh. Những bức ảnh này rất giá trị bởi chứa nhiều thông tin. Sau sự kiện sân bay Biên Hòa, ông được Bob và Martin hỗ trợ nhiệt tình. Không chỉ cùng tìm kiếm, hai ông còn kết nối với những cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, kêu gọi hỗ trợ.

“Một lần tôi đến Mỹ, có cựu binh lái xe hơn 600 km giữa tuyết để mang tặng những bức ảnh. Không ít lần tôi áy náy vì có ảnh phải mua vài chục USD nhưng họ cười rồi nói xem như mời tôi một ly bia”, ông Thắng kể. Nhờ sự giúp đỡ của những người lính từng ở phía bên kia chiến tuyến, giờ đây, kho dữ liệu của ông đã có hàng chục nghìn không ảnh và bản đồ. Ông tập trung vào tìm kiếm các hố chôn tập thể vốn xuất hiện sau những giao tranh của đôi bên.

Có được ảnh, bước tiếp theo là xử lý. Theo ông Thắng, quá trình này cần kết hợp cả kỹ thuật, công nghệ, kiến thức lịch sử và lời kể nhân chứng. Nếu địa hình thay đổi nhiều, ông chồng ảnh qua từng giai đoạn để khoanh vùng vị trí hố chôn. Với nhân chứng, càng nhiều nguồn càng tốt để bổ sung những sai lệch qua thời gian.

Khi các dữ liệu đạt độ tin cậy và mức độ tương thích từ trên 50%, ông tìm cách kết nối để gửi đến ngành chức năng, lực lượng tìm kiếm mộ liệt sĩ. Việc này phải chạy đua vì có thể khu đất bị công trình mới xây chồng lên, biến đổi địa hình và nhân chứng mất đi, người thân chờ đợi. Đến nay, có khoảng 600 liệt sĩ ở nhiều hố chôn tập thể khắp các chiến trường được tìm thấy từ dữ liệu của ông và bạn bè cung cấp. Tuy nhiên, theo ông so với số hồ sơ đang thu thập, số mộ được tìm thấy chỉ tương ứng 20-30%, “con số quá ít và nhiều day dứt”.

“Đôi khi phải mất nhiều năm mới mua được bức không ảnh cần tìm thì nhân chứng đã mất”, ông Thắng kể. Đó là năm 2017, một người lính của chính quyền Sài Gòn chủ động liên hệ, kể về hố chôn tập thể trận sông Thao, Trảng Bom, Đồng Nai, diễn ra năm 1966. Vị trí mộ gần ngã ba nhưng khi đến nơi địa hình thay đổi hoàn toàn.

Gần ba năm sau, ông tìm được không ảnh của khu vực này, song người lính năm xưa đã mất vì Covid-19. Khi phân tích ảnh, hố chôn giờ đã là nhà dân, bên trên có một miếu thờ nhỏ. Không còn nhân chứng, ông trao lại hồ sơ cho cơ quan chức năng quyết định.

Theo ông, không thể tùy tiện đề xuất khai quật mà phải cân nhắc kỹ. Nếu sai, ảnh hưởng cả tâm lý người dân lẫn sinh kế của họ. Nhiều trường hợp, người ra quyết định tìm kiếm phải đánh cược bằng cả sinh mệnh chính trị của mình khi xét về mức độ tốn kém và phức tạp.





Ông Nguyễn Xuân Thắng với hai bức không ảnh trước - sau của khu vực được cho có hố chôn tập thể trận sông Thao, Trảng Bàng, Tây Ninh. Ảnh: Lê Tuyết

Ông Nguyễn Xuân Thắng với hai bức không ảnh trước – sau của khu vực được cho có hố chôn tập thể trận sông Thao, Trảng Bom, Đồng Nai. Ảnh: Lê Tuyết

“Có những hồ sơ cũng khiến tôi rất day dứt với những người đã ngã xuống, thân nhân của họ và cả lực lượng tìm kiếm”, ông Thắng kể. Điển hình là hồ sơ về một hố chôn tập thể trận đánh ngày 23/2/1969 tại căn cứ Lộc Ninh, nơi các chiến sĩ Trung đoàn đặc công 429 hy sinh. Hai tỉnh Bình Dương, Bình Phước đã hai lần tổ chức tìm kiếm, bỏ nhiều công sức nhưng chưa đạt kết quả.

Trong khi đó, đại tá Mai Xuân Chiến, người gắn bó với ông Thắng từ sự kiện sân bay Biên Hòa và nhiều cuộc tìm kiếm khác cho đến khi về hưu, cho rằng ngay cả người trong ngành “không phải ai cũng làm được như Thắng”. Là một công dân bình thường nhưng sẵn sàng bỏ công việc, tiền bạc, gác lại chuyện gia đình để lên đường bất cứ lúc nào có manh mối.

Theo đại tá Chiến, cùng với kỹ sư cầu đường Lâm Hồng Tiến ở Hà Nội, hai người đã cung cấp thông tin nhiều giá trị trong quá trình truy tìm các hố chôn tập thể. KTS Thắng và cộng sự đã giúp mở ra hướng đi mới trong tìm kiếm mộ liệt sĩ. Đó là kết hợp giữa dữ liệu Mỹ – Việt, tiếp nhận thông tin từ nhân chứng là những cựu binh bên kia chiến tuyến và tính chính xác, khoa học của không ảnh lịch sử.

Sau gần thập kỷ âm thầm tìm kiếm các thông tin về hố chôn tập thể, ngay trước dịp kỷ niệm 78 năm Ngày thương binh liệt sĩ, hai ông Thắng và Tiến được gặp Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình để chia sẻ về hành trình đã qua. “Lãnh đạo Chính phủ rất lắng nghe, tôi thấy hy vọng đường về của các liệt sĩ sẽ thuận lợi hơn”, ông Thắng nói. Phần mình, ông khẳng định “chừng nào còn manh mối và người cần tìm, tôi vẫn đeo đuổi làm”.

Lê Tuyết