Đào tạo 1.000 doanh nghiệp xuất khẩu online qua Amazon

Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) và Amazon Global Selling Việt Nam sẽ đào tạo 1.000 doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến trong 3 năm.

Đây là hoạt động trong hợp tác “Thương Hiệu Việt tăng trưởng Toàn Cầu” do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) và Amazon Global Selling Việt Nam vừa khởi động. Giai đoạn 2025 – 2027, chương trình có kế hoạch đào tạo toàn diện và chứng nhận xuất khẩu trực tuyến cho 1.000 doanh nghiệp.

Họ sẽ được trang bị kiến thức phát triển đổi mới sản phẩm, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu để tiếp cận xuất khẩu trực tuyến. Chương trình còn hỗ trợ 30 thương hiệu quốc gia tăng hiện diện quốc tế thông qua nền tảng Amazon. Bên cạnh đó là chuỗi sự kiện hướng dẫn các nhà sản xuất truyền thống chuyển đổi sang mô hình xây dựng và phát triển thương hiệu online.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương), việc chủ động đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số không còn là lựa chọn mà là “điều kiện tiên quyết để nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng thích ứng và phát triển bền vững” của doanh nghiệp.

Amazon cho biết đã có hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu qua nền tảng này, với hàng triệu sản phẩm được bán ra, tăng trưởng hơn 300% trong 5 năm qua. Các ngành hàng thế mạnh bao gồm đồ gỗ – nội thất, thực phẩm, may mặc.





Các chuyên gia tại phiên tọa đàm của hội nghị Bứt phá Xuất khẩu: Thương hiệu Việt cất cánh toàn cầu hôm nay 25/07. Ảnh ban tổ chức.

Các chuyên gia tại phiên tọa đàm của hội nghị “Bứt phá Xuất khẩu: Thương hiệu Việt cất cánh toàn cầu” hôm 25/07. Ảnh ban tổ chức.

Bà Dương Thị Minh Tuệ, Phó chủ tịch Hiệp hội mỹ nghệ chế biến gỗ TP HCM, đánh giá tham gia vào thương mại điện tử xuyên biên giới giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao giá trị thương hiệu. “Đã có các doanh nghiệp trong ngành chúng tôi xuất khẩu được qua kênh này”, bà xác nhận tại hội nghị ngày 25/7.

Khảo sát năm 2022 của hãng nghiên cứu thị trường AccessPartnership (Anh) cho biết 86% doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam được hỏi nói sẽ không thể xuất khẩu nếu không có thương mại điện tử. Công ty ước tính giá trị xuất khẩu bán lẻ online đạt khoảng 3,5 tỷ USD vào 2022.

Nếu SME đẩy mạnh tận dụng kênh này, quy mô có thể đạt 13 tỷ USD vào 2027. Đồng thời, tỷ trọng đóng góp vào doanh thu xuất khẩu của khối doanh nghiệp này có thể tăng lên 67% thời điểm đó. “Xuất khẩu qua thương mại điện tử mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam ở mọi lĩnh vực”, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định.

Để tận dụng thời cơ, ông Cẩm cho rằng cần kết hợp năng lực sản xuất với chiến lược kinh doanh hiện đại để kiểm soát toàn diện mọi mặt từ sản phẩm, thương hiệu và trải nghiệm khách hàng trên môi trường trực tuyến. Còn theo bà Dương Thị Minh Tuệ, doanh nghiệp nên “chịu đầu tư” và định vị thương hiệu từ ban đầu.

Ông Trần Lam Sơn, Nhà sáng lập thương hiệu Green Mekong lưu ý việc đầu tư sản phẩm cần quan tâm đến hàm lượng cảm xúc. Bởi trong thời đại công nghệ thông tin và AI, khả năng kể câu chuyện của một sản phẩm là vô cùng quan trọng để xây dựng thương hiệu. Ngoài ra, theo ông, doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực về nguyên liệu bản địa và nguồn nhân lực.

Có kinh nghiệm xuất khẩu gia vị qua Amazon, ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc DH Foods, nêu kinh nghiệm kết hợp yếu tố truyền thống và đổi mới sáng tạo để phát triển sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng quốc tế và thế hệ trẻ. Điều này bao gồm việc thay đổi bao bì, cách trình bày và điều chỉnh nhưng vẫn giữ được hương vị truyền thống của ẩm thực Việt Nam. “Nếu làm được, chúng ta hoàn toàn có khả năng cạnh tranh”, ông nói.

Viễn Thông