Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng chủ trương coi người nghiện ma túy là tội phạm là thông điệp về sự nghiêm minh của pháp luật, đồng thời kiểm soát sớm và răn đe giới trẻ.
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật ngày 23/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy phải thể hiện rõ quan điểm phòng ngừa từ sớm, từ xa, thay vì chỉ xử lý hậu quả. Việc kiểm soát người nghiện là khâu đầu tiên để ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm ma túy.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị cơ quan chức năng thể chế hóa quan điểm mới của Đảng theo hướng “người đã nghiện ma túy là phạm tội”, nhằm tạo cơ sở pháp lý để xử lý phù hợp. Tuy nhiên ông lưu ý chính sách cần bảo đảm tính nhân đạo, nhất là với trẻ vị thành niên nghiện ma túy, để các em vẫn được tiếp cận quyền học tập, rèn luyện.
Đại biểu Trịnh Xuân An (chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội) ủng hộ quan điểm của Thủ tướng bởi điều này là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững và xây dựng xã hội an toàn, ổn định.
Nghiện ma túy là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều loại tội phạm như trộm cắp, cướp giật, giết người, gây rối trật tự công cộng… Người nghiện không chỉ là nạn nhân mà còn là tác nhân làm bất ổn xã hội, ảnh hưởng tới đời sống người dân, đặc biệt ở khu vực đô thị, khu công nghiệp và vùng giáp ranh. Do đó, nếu không xử lý được “cầu” thì rất khó kiểm soát “cung”.
Ông An cho rằng đưa người nghiện vào diện tội phạm hình sự sẽ gửi đi thông điệp rõ ràng về tính nghiêm minh của pháp luật, có tác dụng răn đe và phòng ngừa mạnh mẽ, đặc biệt với giới trẻ. Trong khi đó, biện pháp cai nghiện hiện nay chưa hiệu quả, tỷ lệ tái nghiện cao, gây lãng phí nguồn lực và tạo gánh nặng cho xã hội. Việc thay đổi cách tiếp cận từ “giáo dục” sang “xử lý hình sự” đối với người nghiện sẽ là cách để cắt đứt chuỗi tội phạm liên hoàn mà ma túy là khởi nguồn.
“Quan điểm này thể hiện sự sốt ruột và quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ trước một thực trạng kéo dài và chưa có bước chuyển căn bản, trong khi đất nước đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số từ năm 2026 – điều không thể thực hiện nếu an ninh xã hội không được đảm bảo”, ông An nói.

Đại biểu Trịnh Xuân An, chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội
Tuy nhiên để thực hiện hiệu quả, ông An cho rằng chính sách này cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, có lộ trình phù hợp. Do liên quan đến quyền con người và hệ thống pháp luật hiện hành, việc sửa đổi luật cần được tiến hành sau khi đánh giá tác động đầy đủ. Cơ sở vật chất, trại giam, đội ngũ thi hành án cũng cần được nâng cao năng lực, tránh tạo áp lực đột ngột lên hệ thống tư pháp – hành pháp.
Bên cạnh đó, các cơ quan cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế, kết hợp các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát nguồn cung và giảm dần người sử dụng. Khi xã hội được quản lý chặt, ma túy không còn “đất sống”, việc áp dụng hình sự sẽ đạt hiệu quả toàn diện hơn.
“Đây là bước đi cần thiết để bảo vệ người dân và bảo đảm an ninh xã hội, song để triển khai hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và cả hệ thống chính trị”, đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.
Đại biểu Vũ Huy Khánh, chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội, cũng cho rằng việc hình sự hóa trở lại hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là cần thiết và phù hợp với bối cảnh hiện nay. “Thực tế cho thấy đây không chỉ là một bệnh lý đơn thuần mà còn gắn với nhiều hành vi vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, nên cần xử lý nghiêm khắc hơn”, ông nói.
Theo ông Khánh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (có hiệu lực từ 1/7/2025) đã bổ sung tội danh “sử dụng trái phép chất ma túy”. Người vi phạm sẽ bị phạt tù từ 2 đến 3 năm nếu thuộc một trong các trường hợp: đang trong thời hạn cai nghiện hoặc điều trị nghiện bằng thuốc; đang được quản lý sau cai nghiện; đang trong diện quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và từng bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong thời hạn hai năm kể từ khi kết thúc cai hoặc điều trị nghiện.
“Hệ thống cơ quan tố tụng và thi hành án hiện đủ năng lực và điều kiện cơ sở vật chất để đảm bảo công tác điều tra, truy tố, xét xử cũng như thi hành án”, ông nói.

Đại biểu Vũ Huy Khánh, chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp) cũng đồng tình với việc xử lý hình sự người nghiện. Ông nói, nhiều cử tri bức xúc vì việc người nghiện tái phạm nhiều lần nhưng không bị xử lý nghiêm. “Việc sửa luật lần này đã giải quyết một trong những vấn đề xã hội bức xúc”, ông Hòa nhận định.
Theo ông, hình sự hóa sẽ tăng tính răn đe, đặc biệt với giới trẻ, trong bối cảnh gần đây một số nghệ sĩ và người có ảnh hưởng bị bắt vì sử dụng chất cấm. “Ngành công an cần làm thật nghiêm, không có vùng cấm, để người dân hiểu rằng hành vi này sẽ bị xử lý theo pháp luật”, ông kiến nghị.
Tháng 3/2025, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 132 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, khẳng định ma túy gây hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe, giống nòi, chất lượng lực lượng lao động; làm gia tăng các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, Bộ Chính trị yêu cầu các cơ quan “khẩn trương nghiên cứu áp dụng chính sách hình sự nghiêm khắc hơn để giảm cầu ma túy, chặn đứng mối quan hệ cung, cầu ma túy”.
Bộ Công an cho biết tình hình nghiện ma túy hiện diễn biến phức tạp, là nguồn phát sinh nhiều loại tội phạm như trộm cắp, cưỡng đoạt, giết người. Người nghiện rơi vào tình trạng “ngáo đá”, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng. Thực tế cho thấy nếu không giảm số lượng người nghiện thì nguy cơ lan rộng sang các nhóm khác, nhất là giới trẻ.
Sơn Hà