Công an giải cứu nữ sinh bị ‘bắt cóc online, dọa chặt ngón tay’

Hà NộiNữ sinh bị nhóm giả danh công an gọi điện lừa ra khách sạn, đề nghị vẽ lên người như bị đánh, để yêu cầu gia đình chuyển 370 triệu đồng, nếu không sẽ “chặt ngón tay”.

Sự việc xảy ra sáng 21/7, khi nữ sinh đại học ở Hà Nội bất ngờ nhận được cuộc gọi xưng là công an, thông báo liên quan đến hoạt động rửa tiền và buôn bán chất cấm mà “cảnh sát đang điều tra”. Cô nói không liên quan, người này yêu cầu phải chuyển tiền vào tài khoản của cơ quan điều tra để làm rõ, nếu không dính đến tội phạm sẽ được trả lại.

Do nữ sinh không có tiền, “công an online” hướng dẫn cô tìm chỗ kín đáo để vẽ lên mặt, người các vết giống như bị đánh. Sau đó, cô phải tự liên hệ gia đình, gửi các hình ảnh “bị thương”, thông báo mình bị bắt cóc và yêu cầu chuyển tiền chuộc mạng. Quá lo sợ, nữ sinh đã một mình đến khách sạn trên đường La Thành để làm theo hướng dẫn, đề nghị gia đình phải chuyển khoản ngay 370 triệu đồng cho nhóm bắt cóc, nếu không sẽ bị chặt ngón tay.

Nhận tin báo lúc 11h của gia đình nạn nhân, Ban chỉ huy Công an phường Ô Chợ Dừa huy động lực lượng điều tra, xác minh. Khoảng một tiếng sau, họ tìm được nạn nhân trong khách sạn, đưa về trụ sở làm rõ.





Cán bộ Công an phường Ô Chợ Dừa lấy lời khai nạn nhân. Ảnh: Công an cung cấp

Cán bộ Công an phường Ô Chợ Dừa lấy lời khai nạn nhân. Ảnh: Công an cung cấp

Tình trạng “bắt cóc online” nổi lên gần đây khi nhóm tội phạm hướng đến nạn nhân là học sinh, sinh viên, hoặc những người trẻ ít kinh nghiệm sống. Ngay cuộc gọi đầu tiên, chúng đe dọa trấn áp tinh thần, cáo buộc họ liên quan đến vụ án (thường là ma túy, rửa tiền…). Sau đó chúng tiếp tục gây áp lực tâm lý, đe dọa “sẽ bắt giam” nếu không hợp tác. Từ đó, họ ép nạn nhân tự cô lập, thuê phòng ở khách sạn, không tiếp xúc hoặc nghe điện thoại từ bất cứ ai, kể cả người thân.

Khi đã khống chế, điều khiển từ xa, chúng hướng dẫn nạn nhân chuyển tiền để “giải quyết vụ việc” hoặc “kiểm tra tài khoản” nhằm minh oan cho mình. Từ thông tin có được, khi đe dọa người thân của nạn nhân, nhóm này sẽ dùng chính tài khoản ngân hàng mang tên thật của “người bị bắt cóc” để tăng độ tin tưởng khi chuyển tiền.

Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác, đồng thời chủ động tuyên truyền cho người thân, bạn bè về phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này. Để làm việc với người dân, công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương chứ “không gọi điện yêu cầu chuyển tiền hay cài đặt phần mềm”.




Phạm Dự