Giá cua gạch Cà Mau tăng gấp đôi khi Trung Quốc gom hàng

Giá cua gạch loại 1 tại các vuông nuôi ở Cà Mau khoảng 650.000-700.000 đồng một kg, cao gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, do nguồn cung khan hiếm, Trung Quốc mua mạnh.

Tại xã Cái Nước (Cà Mau), anh Lâm – hộ nuôi cua lâu năm – cho biết năm nay, cua gạch tăng cao ngay trong giai đoạn chúng đang sinh trưởng, ít gạch. Cua gạch loại 1 hiện được thương lái thu mua tại vuông với giá lên tới 700.000 đồng một kg, còn loại 2 dao động 350.000-500.000 đồng.

Nguồn cung sụt giảm, trong khi Trung Quốc tăng mua là nguyên nhân chính. Theo ông Thành – hộ nuôi tại Đầm Dơi, phần lớn cua gạch bán ra là những con sót lại từ vụ thu hoạch cuối tháng 5. Vụ mới vừa thả giống và cần thêm 3-4 tháng nữa mới cho thu hoạch, trong khi thị trường đang khát hàng. “Cua đẹp gần như không có, nên giá cứ tăng vọt”, ông nói.





Cua gạch loại 1 tại cửa hàng hải sản ở TP HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cua gạch loại 1 tại cửa hàng hải sản ở TP HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tại Cà Mau, cua gạch được nuôi phổ biến theo mô hình quảng canh cải tiến, kết hợp với vuông tôm nhằm tận dụng hệ sinh thái tự nhiên. Mỗi vụ kéo dài 4-5 tháng, nhưng tỷ lệ cua đạt loại 1 thường thấp do phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, khiến thị trường luôn thiếu hụt hàng đẹp, đặc biệt trong giai đoạn trái vụ như hiện nay.

Ở TP HCM, giá cua gạch loại 1 đã lên tới 900.000 đồng đến một triệu đồng mỗi kg – mức cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm. Người mua cua chủ yếu là nhà hàng, quán ăn cao cấp và khách có nhu cầu biếu tặng.

Theo ông Trần Văn Trường – Tổng giám đốc chuỗi Hải sản Hoàng Gia, hơn một tháng nay, nguồn cung cua sụt giảm mạnh trong khi nhu cầu từ Trung Quốc tăng đột biến. “Gần Trung thu, nhu cầu dùng cua làm nhân bánh cũng đẩy giá lên thêm”, ông nói.

Thị trường xuất khẩu cũng ghi nhận sự bứt tốc. Bà Dương Thị Bích Năm – Giám đốc Công ty TNHH Dư Thái Bình – cho biết khác với năm ngoái khi Trung Quốc gần như ngưng nhập cua vào mùa hè, năm nay lượng hàng đi thị trường này tăng mạnh. “Giá sỉ cua gạch đã đạt 650.000 đồng một kg. Cua thịt cũng tăng lên 400.000-450.000 đồng. Hàng xuất khẩu loại 1 phải đẹp, nhiều gạch, mỗi kg chỉ 2-3 con”, bà nói.

Ngoài Trung Quốc, các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tăng cường nhập cua sống từ Việt Nam, dù sản lượng còn hạn chế. Các thị trường này yêu cầu cao về truy xuất nguồn gốc và bảo quản lạnh trong vòng 24-48 giờ.

Số liệu từ Hải quan cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cua ghẹ và các loại giáp xác sang Trung Quốc đại lục và Hong Kong đạt gần 80 triệu USD, tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc là nước nhập khẩu cua lớn nhất thế giới với kim ngạch đạt 2,1 tỷ USD trong năm 2024. Việt Nam là nguồn cung lớn thứ hai, chỉ sau Nga.

Dù tiềm năng còn rất lớn, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cảnh báo doanh nghiệp đối mặt nhiều rào cản về kiểm dịch, mã vùng nuôi và cạnh tranh giá. Một số lô hàng cua sống từng bị trả về do dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng hoặc không đáp ứng truy xuất nguồn gốc.

VASEP khuyến nghị các địa phương cần mở rộng diện tích nuôi đạt chuẩn, đầu tư hệ thống bảo quản lạnh và logistics để phục vụ xuất khẩu cua sống – phân khúc có biên lợi nhuận cao nhất. Đồng thời, doanh nghiệp nên hướng tới các hợp đồng dài hạn nhằm giảm rủi ro bị ép giá khi vào chính vụ.

Hiệp hội dự báo nhu cầu cua gạch sẽ tiếp tục tăng trong quý III và IV nhờ mùa lễ hội tại Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước châu Á. Nếu kiểm soát tốt chất lượng và tận dụng được thời điểm, xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam có thể đạt 180-200 triệu USD trong năm nay.

Thi Hà