Vụ Tập đoàn Thuận An: Cựu Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, cựu Chủ tịch tỉnh Bắc Giang nộp khắc phục hàng tỷ đồng

Bị can tự nguyện nộp khắc phục hơn 116 tỷ đồng

Ban hành cáo trạng vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, ngoài truy tố 29 bị can, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng thống kê các tài sản bị phong tỏa, thu giữ.

Cụ thể, trong giai đoạn điều tra, cơ quan tố tụng đã thu giữ hơn 10 tỷ đồng và 30.000 USD.

Các bị can, đối tượng liên quan tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả hơn 116 tỷ đồng và 100.000 USD.

Trong đó, bị can Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An) nộp hơn 24 tỷ đồng và 90.000 USD; bị can Phạm Thái Hà (cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) nộp 750 triệu đồng; bị can Lê Ô Pích (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang) nộp 4,5 tỷ đồng, trong cáo trạng quy kết ông này chỉ nhận 4 tỷ đồng; bị can Nguyễn Văn Thạo (cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án tỉnh Bắc Giang) nộp 8 tỷ đồng; bị can Đàm Văn Cường (cựu Phó Giám đốc Ban quản lý dự án tỉnh Bắc Giang) nộp hơn 2,4 tỷ đồng; Hoàng Thế Du (cựu Trưởng phòng Quản lý dự án giám sát công trình giao thông 2) nộp 500 triệu đồng;

Bị can Trần Viết Cương (cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án tỉnh Tuyên Quang) nộp lại 12,5 tỷ đồng; Nguyễn Quang Huy (cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án 4 thuộc Cục Đường bộ Việt Nam – Bộ Giao thông vận tải) nộp hơn 8,6 tỷ đồng; Vũ Hải Tùng (cựu Chi Cục trưởng Chi Cục quản lý xây dựng đường bộ – Bộ Giao thông vận tải) nộp hơn 4,6 tỷ đồng;

Các bị can khác, người nộp thấp nhất từ 20 triệu đồng, người nộp cao nhất hơn 4 tỷ đồng…

Bước sang giai đoạn truy tố, Viện Kiểm sát xác định nhóm bị can nộp khắc phục thêm 500 triệu đồng; cơ quan tố tụng cũng phong tỏa 7 tài khoản, sổ tiết kiệm trị giá hơn 32 tỷ đồng của bị can Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch Tập đoàn Thuận An).

screen-shot-2025-07-15-at-182052.png
Bị can Phạm Thái Hà (hàng đầu) cùng một số bị can phạm tội trong vụ án.

Cựu Bí thư, cựu Chủ tịch tỉnh nộp khắc phục hàng tỷ đồng

Cũng theo thống kê của cơ quan tố tụng, trong nhóm người liên quan khắc phục hậu quả thiệt hại vụ án có ông Chẩu Văn Lâm (cựu Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang) nộp 1 tỷ đồng; còn ông Lê Ánh Dương (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang) nộp 600 triệu đồng.

Trong năm 2024, ông Lê Ánh Dương bị kỷ luật cảnh cáo do chịu trách nhiệm về sai phạm trong một số dự án liên quan Tập đoàn Thuận An, ông Dương sau đó về hưu trước tuổi.

Ông Chẩu Văn Lâm cũng bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo vì trong thời gian giữ cương vị Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Tuyên Quang đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng và chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, cả kết luận điều tra và nội dung cáo trạng vụ án đều không nhắc đến tên hai người này.

Theo Viện Kiểm sát, quá trình điều tra vụ án xác định một số cá nhân thực hiện hành vi có liên quan ở vị trí, vai trò và mức độ khác nhau nhưng chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã căn cứ tính chất, mức độ vi phạm để có văn bản kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý nghiêm theo quy định.

Đối với hành vi sai phạm của một số cá nhân, do thời hạn điều tra vụ án đã hết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tách thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi sai phạm để tiếp tục điều tra, xử lý sau.