Hai thập niên chuyển đổi chính sách, hạ tầng di chuyển, trạm sạc, bãi đỗ, Nam Ninh đi từ “thành phố xe máy” đến “thủ phủ xe điện hai bánh” của Trung Quốc.
Là tỉnh lỵ của Quảng Tây (Trung Quốc), Nam Ninh từng được mệnh danh là “thành phố xe máy” những năm 1990. Tuy nhiên, lượng xe máy chạy xăng phát triển thiếu kiểm soát không chỉ gây ra tắc nghẽn mà còn ô nhiễm không khí.
Từ năm 2002, thành phố này bắt đầu hạn chế đăng ký xe máy truyền thống. Khi đó, các loại xe hai bánh chạy điện – gồm xe máy điện và xe đạp điện – nổi lên như một lựa chọn thay thế nhờ tính linh hoạt, tốc độ di chuyển và chi phí tiếp cận thấp.
Ngày nay, Nam Ninh được mệnh danh là “thủ phủ xe đạp điện, xe hai bánh điện” và “thành phố xanh”, với tỷ lệ sở hữu trung bình cứ 1,5 người dân có 1 chiếc xe điện hai bánh, theo Viện Chính sách giao thông và phát triển (ITDP) trụ sở tại New York (Mỹ).
Tính đến cuối 2023, số lượng xe điện hai bánh ở Nam Ninh hơn 4,8 triệu chiếc, vượt xa số lượng ôtô cá nhân. Vậy địa phương này đã chuyển đổi bằng cách nào?

Người dân Nam Ninh điều khiển xe điện hai bánh ngày 1/2/2025. Ảnh: Reuters
Về chính sách, từ năm 2013, chính quyền thành phố đã đưa quản lý giao thông xe điện hai bánh vào chiến lược tổng thể về vận tải đô thị. Địa phương triển khai hệ thống đăng ký xe hai bánh điện chính thức và khi số lượng phương tiện tăng mạnh, chính quyền tiếp tục xây dựng mô hình quản lý phù hợp với nhu cầu.
Đến năm 2020, “Quy định quản lý xe hai bánh điện thành phố Nam Ninh” được ban hành, quy định chi tiết toàn bộ các khâu từ sản xuất, mua bán, đăng ký đến di chuyển, đỗ xe, trạm sạc để chuẩn hóa trong quản lý phương tiện.
Song song đó, chính sách thúc đẩy và quản lý xe hai bánh điện đi vào thực tế nhanh nhờ nâng cấp và cải tạo hạ tầng giao thông phù hợp, theo hướng đảm bảo quyền ưu tiên cho xe hai bánh điện, giải quyết nhu cầu sạc và đỗ, siết chặt thực thi luật giao thông, tạo điều kiện lưu thông an toàn.
Trong đó, thành phố tối ưu hóa làn đường cũ của xe máy xăng bằng cách phân làn, rào chắn dành riêng cho xe hai bánh điện với chiều rộng đến hơn 3m. Tại các giao lộ lớn, Nam Ninh thiết lập làn chờ và làn xe riêng cho phương tiện điện, điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu và lắp đặt đèn LED hướng dẫn. Ở các nút giao lớn hay trạm xe buýt, xe hai bánh điện có cầu vượt, hầm hoặc làn đi vòng qua riêng nhằm tách biệt và đảm bảo an toàn.
Để giải quyết vấn đề trạm sạc, Nam Ninh xây dựng kế hoạch phù hợp cho từng loại hình cộng đồng, triển khai các cơ sở sạc công cộng theo điều kiện thực tế của từng khu vực. Ví dụ, tại các khu dân cư đông đúc hoặc đã cũ, thành phố mở các khu vực sạc chuyên biệt hoặc lắp đặt trạm sạc bên ngoài.
Việc thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và ban quản lý khu dân cư là yếu tố then chốt trong việc giải bài toán “ai xây và ai quản lý” hạ tầng sạc, đảm bảo quyền tiếp cận an toàn, thuận tiện và với chi phí hợp lý cho người dân. Ngoài ra, Nam Ninh còn phát triển các trạm đổi pin và sạc nhanh để đáp ứng nhu cầu thay pin cấp tốc của những người dùng thường xuyên, đặc biệt là tài xế giao hàng, cũng như giảm áp lực cho hệ thống sạc thông thường.
Với đỗ xe, cơ quan quản lý giao thông thành phố điều chỉnh một số vị trí đỗ trên đường dành cho xe hai bánh điện. Đáng chú ý, một chỗ đỗ xe ôtô có thể được tận dụng cho gần 8 xe điện hai bánh, qua đó cân bằng hiệu quả nhu cầu đỗ xe của các phương tiện khác nhau trong điều kiện không gian đường phố có hạn.
Tuy nhiên, những năm đầu chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe điện, Nam Ninh cũng gặp các vấn đề về giao thông hỗn loạn và các vụ tai nạn xảy ra thường xuyên. Người điều khiển không cần bằng lái và có thể lưu thông ngay sau khi mua xe điện nên một số trường hợp thiếu hiểu biết về an toàn giao thông và luật đường bộ.
Trước bài toán kép giữa nhu cầu đi lại thiết yếu của người dân và đảm bảo an toàn, Nam Ninh áp dụng mô hình đồng quản lý, lấy học tập làm nền tảng. Thành phố hướng dẫn, lắp đặt bảng chỉ dẫn tại giao lộ, tổ chức tuyên truyền trực tiếp, triển khai chương trình giáo dục an toàn giao thông phù hợp với từng cộng đồng.
Người điều khiển xe điện hai bánh được học qua 5 hình thức: học luật trước khi đăng ký xe, qua video hướng dẫn, chép luật giao thông, nghe giảng trực tiếp và trải nghiệm trực tiếp nhiệm vụ cảnh sát.
Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông địa phương khởi động chiến dịch thiết lập “điểm học tập” tại các ngã tư trọng điểm, nghĩa là người vi phạm được học lại ngay tại chỗ về cách lái xe đúng luật.
Kết hợp với một số giải pháp khác như vi phạm liên quan đến xe hai bánh điện cũng được tính vào hệ thống chấm điểm công dân, số vụ tai nạn giảm dần qua từng năm. Giai đoạn 2015-2017, số người chết trên mỗi 10.000 xe hai bánh điện lần lượt giảm từ 3,29 còn 2,18.
Số vụ vi phạm giao thông cũng ít dần, với vi phạm trên các tuyến đường chính giảm trên 60%, hơn 95% xe điện tuân thủ luật lệ. Chỉ số hài lòng và cảm giác an toàn của người dân tăng, trên 95% người dân ủng hộ chương trình quản lý xe điện.
Theo ITDP, thành công của Nam Ninh trong việc quản lý xe hai bánh điện là mô hình có giá trị tham khảo cao cho nhiều thành phố khác. Trong đó, địa phương đã bắt đầu từ việc ưu tiên quản trị và đặt quyền lưu thông của người đi xe hai bánh điện trên các phương tiện khác trong thiết kế chính sách.
“Nam Ninh còn thể hiện tầm nhìn dài hạn trong thiết kế hạ tầng và đổi mới công nghệ, đặc biệt là trong xây dựng làn đường riêng, tối ưu hóa các giao lộ và phát triển đường hầm hoặc cầu vượt dành riêng cho phương tiện”, ITDP đánh giá.
Bên cạnh đó, thành phố khác cũng có thể tham khảo cách tiếp cận đa chiều, linh hoạt để giải quyết các vấn đề như sạc pin, đỗ xe và nâng cao nhận thức an toàn, theo khuyến nghị của ITDP.
Phiên An (tổng hợp)