Lâm Đồng làm 9 khu tái định cư đường sắt cao tốc Bắc Nam

Lâm Đồng sẽ xây dựng 9 khu nhà ở, Gia Lai triển khai 39 công trình phục vụ tái định cư cho hơn 5.500 hộ dân nhường đất làm dự án đường sắt tốc độ cao.

Ngày 14/7, tại cuộc họp triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phục vụ dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam, đại diện Sở Xây dựng Lâm Đồng cho biết dự án đi qua địa bàn dài hơn 156 km (thuộc tỉnh Bình Thuận cũ).

Trên tuyến thiết kế hai nhà ga (Phan Rí, Phan Thiết) và 4 trạm bảo dưỡng (Phan Hòa, Hồng Liêm, Hàm Hiệp, Tân Lập). Tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng là 936 ha nằm trên 18 xã, phường.

Ngành xây dựng xác định 1.150 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án có nhu cầu tái định cư. Trong đó, 45 hộ sẽ được bố trí tại các khu dân cư hiện hữu, còn 1.105 hộ còn lại dự kiến sẽ chuyển đến 9 khu tái định cư xây mới.

Các khu tái định cư này gồm: Tuy Phong, Bắc Bình, Lương Sơn, Bình Thuận, Hàm Liêm, Hồng Sơn, Hàm Thuận, Hàm Kiệm và Tân Lập, được quy hoạch trên tổng diện tích hơn 28,5 ha, quy mô 1.465 lô đất, tổng vốn xây dựng 447 tỷ đồng.





Phường Bình Thuận (Lâm Đồng) nơi dự kiến có đường sắt cao tốc đi qua. Ảnh: Việt Quốc

Phường Bình Thuận (Lâm Đồng) nơi dự kiến có dự án đường sắt cao tốc đi qua, trong ảnh là tuyến đường sắt hiện hữu nối từ ga Mương Mán về ga Phan Thiết. Ảnh: Việt Quốc

UBND tỉnh giao UBND các xã, phường liên quan tổ chức triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng. Ban Quản lý dự án đầu tư công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư các khu tái định cư.

Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Hồng Hải yêu cầu các địa phương, sở ngành liên quan triển khai công việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất để sớm bàn giao mặt bằng phục vụ dự án.

Trong khi đó, dự án đường sắt tốc độ cao qua Gia Lai dài hơn 115 km, bắt đầu từ phường Hoài Nhơn Bắc (giáp ranh tỉnh Quảng Ngãi) và kết thúc tại phường Quy Nhơn Tây (giáp với tỉnh Phú Yên cũ). Nhu cầu sử dụng đất của dự án đoạn qua tỉnh khoảng 758 ha. Riêng công tác giải phóng mặt bằng dự kiến hơn 300 ha, ảnh hưởng khoảng 4.435 hộ dân.

Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh dự kiến xây dựng 39 khu tái định cư và 6 khu cải táng để phục vụ công tác di dời, giải phóng mặt bằng cho dự án. Hiện đã hoàn thành việc cắm mốc tại 4 khu tái định cư thôn Hy Văn (phường Hoài Nhơn Bắc); thôn Tân Lập 4 (xã An Nhơn Tây); Nhơn Thọ (phường An Nhơn Nam); và Tây Vinh (xã Bình An).

Mỗi khu tái định cư có diện tích khoảng 2-3 ha, bố trí từ 70-100 hộ dân. Dự kiến, 4 khu tái định cư sẽ khởi công xây dựng trước ngày 19/8. Tổng vốn dùng cho giải phóng mặt bằng các khu tái định cư dự kiến hơn 1.000 tỷ đồng; chi phí xây dựng các khu tái định cư, khu cải táng khoảng 1.400 tỷ đồng.





Dự kiến hướng tuyến và 23 ga hành khách của đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Đồ họa: Đăng Hiếu

Dự kiến hướng tuyến và 23 ga hành khách của đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Đồ họa: Đăng Hiếu

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024 với tổng vốn sơ bộ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng tương đương 67 tỷ USD. Tuyến dài 1.541 km, khổ đôi 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, có 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, đi qua 20 tỉnh, thành phố từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP HCM).

Hôm 9/7, tại phiên họp Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm lĩnh vực đường sắt, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương đồng loạt giải phóng mặt bằng hai dự án. TP HCM dự kiến chi hơn 2.100 tỷ đồng đền bù giải phóng mặt bằng đối với 17 km của dự án đi qua địa bàn thành phố.

Việt Quốc – Trần Hóa