Các nước châu Âu muốn tính trần giá dầu Nga thấp hơn 15% so với thị trường và điều chỉnh 3 tháng một lần.
Ngày 11/7, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất cơ chế thả nổi trần giá dầu Nga xuất khẩu. Theo đó, giá trần sẽ thấp hơn 15% giá dầu thô trung bình của thế giới trong 3 tháng trước đó. Giá trần được điều chỉnh 3 tháng một lần, nguồn tin của Reuters tại châu Âu cho biết.
Nguồn tin này nói rằng chi tiết đề xuất vẫn đang được bàn bạc. Tuy nhiên, việc này có vẻ đã xoa dịu lo ngại cho các quốc gia phụ thuộc vào vận tải biển trong EU như Malta, Hy Lạp và Cyprus.

Tàu chở dầu Pegas treo cờ Nga tại Marmara Ereglisi, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 16/1/2022. Ảnh: Reuters
EU và các nước G7 hiện áp giá trần 60 USD với dầu thô Nga xuất khẩu. Sản phẩm từ dầu vẫn duy trì hai mức trần 45 USD và 100 USD (tùy loại) từ tháng 12/2022 và 2/2023, sau xung đột Nga – Ukraine.
Theo lệnh trừng phạt, các hãng vận tải biển và hãng bảo hiểm tại các nước trên bị cấm cung cấp dịch vụ cho dầu Nga xuất khẩu nếu giá bán vượt 60 USD. Chính sách này nhằm siết nguồn thu của Nga, nhưng không làm đảo lộn dòng chảy nhiên liệu toàn cầu.
2 tháng qua, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã thúc giục G7 hạ trần giá. Nguyên nhân là giá dầu thế giới thời gian qua có xu hướng giảm, khiến mốc 60 USD không còn hiệu quả. Giá dầu Brent chốt phiên cuối tuần này tại 70 USD một thùng. Trong khi đó, giá dầu Urals của Nga chỉ là 58 USD một thùng.
Bất chấp nỗ lực của các lãnh đạo châu Âu, chính phủ Mỹ vẫn chưa đồng ý hạ trần giá. Việc này khiến châu Âu đang tìm cách tiến hành đơn phương.
Hồi tháng 6, EC lần đầu đề xuất hạ trần giá từ 60 USD xuống 45 USD một thùng. Quy định này sẽ được đưa vào gói trừng phạt thứ 18 của khối này với Nga.
Ngày 11/7, Điện Kremlin cho biết họ đã có kinh nghiệm đối phó với các thách thức như trần giá dầu thả nổi. Vài năm qua, Nga cũng đã tích cực chuyển hướng bán năng lượng từ phương Tây sang châu Á, tận dụng tối đa đội tàu cũ để vận chuyển dầu thô.
Hà Thu (theo Reuters)