Hành trình đến ứng viên vô địch của đội pháo hoa Bộ Quốc phòng

Đà NẵngMang đến sân chơi lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng với hơn 80% pháo tự sản xuất, đội Z121 giành vé vào chung kết ngay trong năm đầu tiên tham dự.

Từ một đơn vị đứng bên lề suốt gần hai thập kỷ, Z121 – nhà máy pháo hoa duy nhất của Bộ Quốc phòng – đã khiến khán giả vỡ òa trong đêm khai mạc lễ hội pháo hoa quốc tế DIFF 2025. Với hơn 80% pháo tự sản xuất, đội Z121 Vina Pyrotech (đội Việt Nam 2) không chỉ giành vé vào chung kết mà còn mang đến kỳ vọng lần đầu Việt Nam chạm tay vào ngôi vô địch.





Thành viên đội Z121 Vina Pyrotech hoàn tất những công đoạn cuối cùng trên trận địa pháo, trước đêm chung kết. Ảnh: Nguyễn Đông

Thành viên đội Z121 Vina Pyrotech hoàn tất những công đoạn cuối cùng trên trận địa pháo, trước đêm chung kết. Ảnh: Nguyễn Đông

Một ngày trước đêm tranh ngôi quán quân DIFF 2025, các thành viên đội Việt Nam 2 vẫn miệt mài hoàn tất khâu lắp đặt trên trận địa pháo ven sông Hàn. Tối 12/7, họ sẽ đối đầu Jiangxi Yanfeng, đại diện giàu kinh nghiệm đến từ Trung Quốc.

“Với tinh thần người lính, chúng tôi luôn sẵn sàng cống hiến hết mình”, đại tá Trần Thanh Sơn, Phó giám đốc Nhà máy Z121, đội trưởng Z121 Vina Pyrotech, chia sẻ.

17 năm chờ đợi một lần tranh tài quốc tế

Cuộc thi pháo hoa quốc tế Đà Nẵng bắt đầu từ năm 2008, cũng là lúc kỹ sư trẻ Trần Thanh Sơn vừa nhận nhiệm vụ tại Z121. Khi đó, đội Đà Nẵng đại diện Việt Nam từng liên hệ xin tư vấn kỹ thuật, nhưng vì thiếu công cụ lập trình hiệu ứng, cơ hội hợp tác không thành.

Từ năm 2017, cuộc thi được xã hội hóa và đổi tên thành Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (Danang International Fireworks Festival, viết tắt là DIFF). Tuy nhiên, các đội tham gia đều do Ban tổ chức mời, không thể tự đăng ký, khiến Z121 dù ở “ngay bên hiên nhà” vẫn chỉ là khán giả.

Nhiều kỹ sư Z121 âm thầm theo dõi từng đêm pháo hoa ven sông Hàn, ấp ủ ước mơ một ngày được chính thức trình diễn. Những năm gần đây, nhà máy đầu tư vào dây chuyền hiện đại, hợp tác kỹ thuật với xưởng pháo Yamaki (Nhật Bản), thương hiệu hơn 150 năm tuổi. Hàng loạt sản phẩm cao cấp ra đời như ghost shell đổi màu bảy lần, pháo mặt cười, pháo hình ngôi sao vàng… được xuất sang các thị trường khó tính như Nhật và Dubai.





Đại tá Trần Thanh Sơn cho biết các kỹ sư nhà máy luôn ấp ủ được trình diễn pháo hoa do chính Việt Nam sản xuất tại sân chơi Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Đại tá Trần Thanh Sơn cho biết các kỹ sư nhà máy luôn ấp ủ được trình diễn pháo hoa do chính Việt Nam sản xuất tại sân chơi Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Năm 2020, Nghị định 137 ban hành, Z121 được độc quyền sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu pháo dân dụng. Khi đơn vị được TP Đà Nẵng giao đăng cai tổ chức DIFF đề nghị hỗ trợ thủ tục nhập khẩu, đại tá Sơn gợi ý: “Hãy mời chúng tôi thi đấu” và được chấp thuận. Ban tổ chức mời thêm đội Hàn Quốc, nâng tổng số đội DIFF 2025 lên 10, nhiều nhất từ trước đến nay.

Z121 bắt đầu chuẩn bị từ ba tháng trước vòng loại. Ý tưởng trình diễn và hiệu ứng pháo được xây dựng song song, sau đó mới quyết định sản xuất các loại pháo phù hợp. Hơn 4.000 quả pháo tầm cao, 2.000 quả tầm trung được sản xuất riêng cho lần ra mắt này.

Đội sử dụng 80% pháo do Z121 sản xuất. 20% còn lại là pháo xuất xứ từ Trung Quốc, được Ban tổ chức cung cấp, nhằm bổ sung các loại hiệu ứng mà Việt Nam chưa làm được, đặc biệt là pháo rủ gần mặt nước. Sự kết hợp giữa “nội” và “ngoại” đã tạo nên phần thi ấn tượng đêm 7/6, trước đại diện đến từ Ba Lan.

Khi những hiệu ứng cây dừa, lá rơi, sen tím nối nhau bung nở trên bầu trời đêm Đà Nẵng và màn kết trên nền nhạc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, hơn 10.000 khán giả trên khán đài đã đứng dậy hát vang. Các thành viên Z121 trong phòng điều khiển nghẹn ngào xúc động.





Hiệu ứng cây dừa, với những loạt pháo đa sắc màu do chính nhà máy Z121 sản xuất, bung nở trên bầu trời đêm Đà Nẵng tại đêm thi ngày 7/6. Ảnh: Nguyễn Đông

Hiệu ứng cây dừa, với những loạt pháo đa sắc màu do chính nhà máy Z121 sản xuất, bung nở trên bầu trời đêm Đà Nẵng tại đêm thi ngày 7/6. Ảnh: Nguyễn Đông

Đại tá Sơn nói bí quyết của đội nằm ở sự khác biệt trong pháo tự sản xuất, từ ghost shell đổi màu, pháo chân đổi sắc, đến pháo hình ngôi sao, đều đã xuất khẩu ra thế giới. Hình ảnh pháo hoa Việt Nam nhanh chóng lan truyền trên báo chí và mạng xã hội khiến cả đội bắt đầu tin “giấc mơ đêm chung kết” có thể thành hiện thực.

Z121 từng trình diễn tại nhiều lễ hội lớn trong nước, nhưng đây là lần đầu tham gia cuộc thi quốc tế có hệ tiêu chí chặt chẽ từ kỹ thuật, tính nghệ thuật, chủ đề, hiệu ứng đến sự hòa quyện giữa pháo và âm nhạc. Pháo hoa đội mang đến đều thuộc hàng hiếm, nếu bán ra thị trường gần 2 tỷ đồng, nhưng là “của nhà trồng được” nên mọi người đều vui.

Pháo hoa Việt Nam đủ sức đứng ngang hàng quốc tế

Tại chung kết, mỗi đội được cấp một container pháo khoảng 7.000 quả, chung xuất xứ Trung Quốc, chất lượng như nhau nhưng khác hiệu ứng. Z121 chọn sử dụng hơn 5.000 quả, ưu tiên tính hiệu quả và nghệ thuật. Không được dùng pháo tự sản xuất, đội phải thay đổi kịch bản sát ngày thi.

“Chúng tôi muốn nấu món Việt mà nguyên liệu là bơ với khoai tây nên buộc phải nêm nếm khéo để vẫn giữ được hồn Việt”, đại tá Sơn ví von.





Các thành viên đội Z121 Vina Pyrotech cùng đại diện tư vấn lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng cùng quyết tâm mang đến cho khán giả bữa tiệc pháo hoa đêm chung kết, tối 12/7. Ảnh: Nguyễn Đông

Các thành viên đội Z121 Vina Pyrotech cùng đại diện tư vấn lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng cùng quyết tâm mang đến cho khán giả bữa tiệc pháo hoa đêm chung kết, tối 12/7. Ảnh: Nguyễn Đông

Ngoài yếu tố kỹ thuật, đội còn tính toán kỹ điều kiện thời tiết. Khói do pháo tạo ra có thể làm lu mờ hiệu ứng nếu dày đặc. Z121 đã đặt các cảm biến dọc bờ tây sông Hàn để tự động điều chỉnh nhịp bắn khi gió đổi hướng hoặc tốc độ thay đổi bất thường.

Dù đối thủ là công ty gia đình nhiều đời làm pháo với kinh nghiệm phong phú, Z121 vẫn giữ tâm thế thoải mái. “Chúng tôi đến để học hỏi và khẳng định rằng pháo hoa Việt Nam đủ sức đứng ngang hàng quốc tế”, đại tá Sơn nói.

Là đội khai hỏa sau, màn trình diễn của Z121 mang chủ đề “Hòa bình”, nhằm gửi thông điệp trong một thế giới nhiều biến động, hòa bình và ổn định luôn là nền tảng phát triển mà Việt Nam theo đuổi, đặc biệt trong bối cảnh Biển Đông chưa khi nào yên sóng.

Màn trình diễn của đội Việt Nam hứa hẹn cuốn hút với hiệu ứng pháo hoa rực rỡ hòa quyện nền nhạc biến hóa qua bốn chương. Mở đầu sôi động, tiếp nối sắc đỏ – vàng hào hùng, rồi lắng lại với gam xanh – tím mơ mộng, khép lại bằng cao trào âm thanh – ánh sáng khẳng định hòa bình là giá trị cốt lõi. Kỹ thuật pháo được dàn dựng tinh tế, từ tầng thấp trong trẻo, ghost shell đổi màu ở tầng trung, đến pháo ngôi sao vàng bùng nổ trên nền nhạc Khát vọng hòa bình.

20 phút trên sân khấu quốc tế là kết quả của 17 năm âm thầm chuẩn bị. Từ một nhà máy đứng ngoài cuộc chơi, đại tá Sơn cho biết sau đêm chung kết, dù danh hiệu quán quân gọi tên ai, đội Z121 vẫn có thể ngẩng cao đầu vì lần đầu tiên pháo hoa “Made in Vietnam” được thế giới thực sự nhìn thấy và vỗ tay tán thưởng.

Nguyễn Đông