Các nước Đông Nam Á ứng phó ‘bão’ thuế quan

thuế quan - Ảnh 1.

Nguồn: CNBC – Dữ liệu: NGỌC ĐỨC – Đồ họa: TUẤN ANH

Việc ông Trump đe dọa áp thuế nặng nề từ ngày 1-8 đặt các nước ASEAN trước “cơn bão lớn”, buộc nhiều quốc gia phải có những bước đi cẩn thận để đảm bảo vẫn hoàn thành các mục tiêu kinh tế.

Malaysia gặp khó trong đàm phán

Chuyên gia quan hệ đối ngoại và chiến lược Trường ĐH Malaya, ông Collins Chong Yew Keat, nhận định mức thuế mới được ông Trump công bố qua thư hôm 7-7 mở ra những viễn cảnh không tích cực: Malaysia bị tăng thuế từ 24% lên 25%.

Mức thuế này đi ngược lại những tuyên bố về tình hình đàm phán khả quan của Kuala Lumpur trong ba tháng qua. Theo chuyên gia Malaysia, lý do chính khiến đàm phán chậm tiến triển là việc Mỹ nghi quốc gia Đông Nam Á này ngả dần về phía Trung Quốc trong vài năm qua. Mỹ cũng nghi ngờ Malaysia có thể bị lợi dụng làm trung gian hàng hóa để một số nước né thuế quan.

“Giữa chúng tôi và ông Trump còn tồn tại nhiều khoảng cách trong cách nhìn nhận vấn đề. Nếu không giải quyết những nguyên nhân gốc rễ trên, Malaysia sẽ phải đối mặt thực tế bị kẹt trong cuộc chơi quyền lực giữa Mỹ và các định chế quốc tế như BRICS”, ông Chong đánh giá.

Những năm gần đây, Malaysia đã có nhiều bước tiến lớn trong quá trình chuyển đổi kinh tế xanh, kinh tế số, năng lượng tái tạo và an ninh lương thực. 

Trong quá trình đó, Mỹ là đối tác quan trọng nhất của Malaysia cả về kinh tế, đầu tư và an ninh. Các doanh nghiệp Mỹ cung cấp công nghệ, vốn và chuyển giao kỹ thuật, giúp xây dựng lực lượng lao động trình độ cao và việc làm chất lượng cho Malaysia.

Tuy nhiên, những nỗ lực phát triển trên có thể bị đảo ngược bởi chính sách thuế quan mới. Do đó từ nay đến 1-8, Malaysia vẫn sẽ tích cực nỗ lực đàm phán, hướng đến mục tiêu hạ thuế quan về khoảng 10-15%. Song ông Chong đánh giá việc hoàn thành trong ba tuần một điều đã thất bại trong ba tháng là không dễ dàng. 

Ông nhấn mạnh: “Tôi không nghĩ ba tuần tới có thể mang lại kết quả tốt, trừ khi chúng tôi đưa ra một đề nghị rất nghiêm túc và trực diện, thể hiện cam kết chân thành giải quyết các lo ngại của Mỹ. Trong đó có việc giảm liên kết với các tổ chức hoặc định chế mà Mỹ cho là trực tiếp thách thức quyền lợi nước này”.

Ông Chong đánh giá cơ hội lớn nhất để Malaysia thể hiện cam kết trên là tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN đang diễn ra ở Kuala Lumpur, khi Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio sẽ dự phiên họp ngày 10 và 11-7. 

“Việc ông Rubio chọn Malaysia là điểm dừng chân đầu tiên ở châu Á trong nhiệm kỳ, bỏ qua cả Nhật Bản và Hàn Quốc, là điều mang nhiều ý nghĩa. Malaysia cần tận dụng cơ hội này để gửi đi thông điệp rõ ràng về việc rất coi trọng quan hệ song phương với Mỹ. Cả ASEAN cũng cần thể hiện điều đó nhằm duy trì vai trò và tầm quan trọng của khối trong mắt chính quyền ông Trump”, ông nhận định.

Tuy nhiên ông Chong cũng cảnh báo ASEAN cần cẩn trọng trước những nỗ lực tiếp cận thuế quan chung. Ông e ngại nếu làm không đúng cách, điều này sẽ bị xem như động thái tăng cường sức mạnh khu vực để đối đầu thuế quan và “mời gọi” các biện pháp đáp trả từ Mỹ.

Thái Lan lo suy thoái

Các nước Đông Nam Á ứng phó 'bão' thuế quan - Ảnh 3.

Các container hàng chuẩn bị xuất khẩu tại cảng nước sâu Laem Chabang ở tỉnh Chon Buri, Thái Lan – Ảnh Bangkok Post/AFP

Cũng như Malaysia, Thái Lan là quốc gia ASEAN vừa nhận thư từ ông Trump. Bức thư nêu rõ Thái Lan sẽ bị áp thuế 36%, bằng với mức được công bố hôm 2-4, nếu không đạt thỏa thuận với Mỹ.

Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện khoa học và an ninh quốc tế thuộc ĐH Chulalongkorn, khẳng định người Thái đã sốc và đang trong tình trạng “báo động” khi mức thuế chính thức chưa thay đổi. Điều này một phần đến từ việc đội ngũ đàm phán nước này đã liên tục tuyên bố trước công chúng rằng tiến trình đàm phán đang rất thuận lợi.

Trước khi Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira lên đường sang Washington dự vòng đàm phán trực tiếp với người đồng cấp Mỹ Scott Bessent hôm 1-7, truyền thông Thái Lan đã loan tin phía Mỹ đề xuất giảm thuế cho Thái Lan xuống còn 18%. Trong suốt giai đoạn đàm phán và đến nay ông Chunhavajira vẫn liên tục bày tỏ sự lạc quan sẽ đạt thỏa thuận trước hạn chót.

Theo ông Thitinan, nếu mức thuế quan không được hạ trước ngày 1-8 thì khả năng cạnh tranh của hàng hóa Thái Lan so với các đối thủ sẽ bị giảm đáng kể. Việc thuế nặng cũng ảnh hưởng tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế đất nước chùa vàng. Thậm chí nó có thể dẫn đến suy thoái kinh tế trong nửa cuối năm 2025. Đây được xem là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi hồi đầu năm, chính phủ đã tự tin đạt mục tiêu tăng trưởng năm khoảng 3%.

“Tình trạng suy thoái kinh tế có thể kéo dài sang cả năm 2026 và 2027. Đây là tin rất xấu trong bối cảnh Thái Lan đang rơi vào bế tắc chính trị và bất ổn nội bộ”, giáo sư Thitinan nhấn mạnh.

Việt Nam tạo được khác biệt

Ông Collins Chong Yew Keat khẳng định trong ba tháng qua, hầu hết các nước đều cố gắng cải thiện quan hệ song phương với Mỹ, cam kết nhiều điều nhưng lại chưa thể biến lời nói thành hành động thực tiễn. Điều này khiến hầu như chưa có thỏa thuận nào được công bố. Trong bối cảnh đó Việt Nam đã tạo ra sự khác biệt.

“Việt Nam có hướng tiếp cận khác và đây là điều tôi nghĩ Malaysia và cả khu vực có thể học hỏi. Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của thị trường Mỹ không chỉ dừng ở thị trường tiêu thụ mà còn đóng vai trò then chốt trong việc củng cố chuỗi cung ứng, đầu tư công nghệ và thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế mới trong bức tranh dài hạn”, ông Chong chia sẻ.