Phó thủ tướng: Cần cơ chế đặc biệt thu hút nhân tài cho khu vực công

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc biệt để thu hút, đào tạo và sử dụng nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp mới.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/7 về kết quả giám sát chuyên đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh phải có cơ chế đặc biệt cho nhân tài, đặc biệt trong khu vực công, bao gồm cả chế độ biên chế, thu nhập, sử dụng và đề bạt.

Theo ông, Chính phủ sẽ xác định các lĩnh vực trọng điểm để ưu tiên đào tạo như công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo và công nghệ thông tin. Những thanh niên ưu tú sẽ được Nhà nước đưa đi học và họ sẽ trở về phục vụ đất nước.

Phó thủ tướng cũng đề xuất thành lập quỹ đào tạo và thu hút nhân tài với sự tham gia của cả ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội, trong đó doanh nghiệp và các tổ chức có thể tài trợ học bổng, hỗ trợ đào tạo, kèm theo cơ chế đánh giá và sử dụng minh bạch.

“Nhà nước không thể đảm nhiệm hết. Nhiều nước đã huy động doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ sinh viên ưu tú đi học ở nước ngoài để đất nước có nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Phớc dẫn chứng.





Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Một tồn tại được Phó thủ tướng chỉ ra là các văn bản pháp luật hiện nay chưa quy định rõ ràng về nhân lực chất lượng cao, chưa xác định được tiêu chí đánh giá dựa trên bằng cấp hay năng lực thực hành. Do đó, khái niệm cần sớm làm rõ để có giải pháp phù hợp, tạo nền tảng cho chính sách đặc thù và chiến lược dài hạn về phát triển nhân lực.

Trước đó, Đoàn giám sát của Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia, lựa chọn các lĩnh vực trọng điểm để tập trung đầu tư và hoàn thiện đề án vị trí việc làm sau sắp xếp tổ chức bộ máy, gắn với chế độ thu hút người tài và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong tuyển dụng.

Ưu tiên công nghệ cao, hạn chế đầu tư gia công

Báo cáo kết quả giám sát về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư, ưu tiên dự án công nghệ cao, gắn với sử dụng lao động kỹ thuật cao và cam kết chuyển giao công nghệ. Mô hình đầu tư thâm dụng lao động, mang tính gia công đơn thuần cần được hạn chế.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội Nguyễn Đắc Vinh, Việt Nam hiện có gần 47,3 triệu lao động làm việc ngoài khu vực nhà nước, chiếm hơn 89% lực lượng lao động. Tuy nhiên, đất nước đang đối mặt nguy cơ thiếu hụt chuyên gia đầu ngành, tổng công trình sư trong các lĩnh vực mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, khoa học công nghệ, quốc phòng – an ninh.

“Việt Nam không thể phát triển lâu dài chỉ dựa vào lợi thế lao động giá rẻ. Cần chuyển hướng sang nền kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo”, ông Vinh nhấn mạnh.

Đoàn giám sát đề xuất Chính phủ sớm ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn 2050, xác định rõ lĩnh vực ưu tiên đào tạo và phân bổ nhân lực chất lượng cao theo vùng miền. Đồng thời, đoàn kiến nghị sửa đổi các luật liên quan để tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển đội ngũ tinh hoa, phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tập trung khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao, nhất là trong các ngành cần đột phá, đồng thời bảo đảm cân đối phân bổ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sử dụng nhân tài.

Sơn Hà