Tin tức sáng 9-7: Một tỉ phú Việt vừa kiếm 2.000 tỉ đồng chỉ trong 1 ngày

tỉ phú - Ảnh 1.

Ông Trần Đình Long – chủ tịch Hòa Phát – Ảnh: HPG

Tỉ phú Trần Đình Long vừa kiếm 2.000 tỉ đồng chỉ trong 1 ngày

Phiên giao dịch ngày 8-7, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận mức tăng mạnh với 4,66%, thị giá kéo lên 24.700 đồng/cổ phiếu – mức giá cao nhất trong hơn một năm qua.

Nhịp tăng ấn tượng này đã giúp vốn hóa thị trường của “vua thép” đạt xấp xỉ 158.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 6 tỉ USD.

Thanh khoản của HPG cũng bứt phá với khối lượng khớp lệnh hơn 77 triệu đơn vị, cao gấp hơn hai lần so với trung bình những phiên trước. Khối tài sản của tỉ phú Trần Đình Long – chủ tịch HPG, nhờ đó tăng mạnh gần 2.200 tỉ đồng lên gần 49.000 tỉ đồng.

Đà tăng của cổ phiếu thép diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận nhiều tín hiệu tích cực từ các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.

Đồng thời, ngành thép còn được hỗ trợ bởi quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc do Bộ Công Thương công bố mới đây.

Giao dịch phái sinh tháng 6 giảm nhẹ, khối lượng hợp đồng mở tăng trở lại

tỉ phú - Ảnh 2.

Phiên giao dịch có khối lượng lớn nhất trong tháng rơi vào ngày 13-6-2025 với 264.579 hợp đồng được khớp lệnh – Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 6-2025, khối lượng giao dịch bình quân của sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đạt 172.179 hợp đồng mỗi phiên, giảm 6,88% so với tháng trước. Giá trị giao dịch bình quân (theo danh nghĩa hợp đồng) cũng giảm 4,25%, đạt 24.516 tỉ đồng/phiên.

Phiên giao dịch có khối lượng lớn nhất trong tháng rơi vào ngày 13-6-2025 với 264.579 hợp đồng được khớp lệnh.

Xem thông tin mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây

Dù khối lượng giao dịch giảm, khối lượng hợp đồng mở (OI) toàn thị trường lại tăng mạnh 9,29% so với tháng 5. Tại phiên cuối tháng, OI đạt 48.447 hợp đồng, trong khi mức cao nhất tháng ghi nhận vào ngày 11-6-2025 với 54.982 hợp đồng.

Về cơ cấu nhà đầu tư, giao dịch tự doanh của khối công ty chứng khoán tiếp tục thu hẹp, chỉ chiếm 1,66% tổng giao dịch thị trường, giảm so với mức 2,16% trong tháng trước. Tỉ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm gần một nửa, chỉ còn chiếm 1,86% tổng khối lượng giao dịch.

Tính chung trong quý 2-2025, tổng khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đạt 12,59 triệu hợp đồng, tăng 24,29% so với quý 1. Tổng giá trị giao dịch theo đó đạt khoảng 1.700.000 tỉ đồng, tăng 24,53%.

Dự kiến giảm 368 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh

Thông tin từ Bộ Nội vụ cho biết trong tháng 6-2025, số lượng nhiệm vụ về thể chế, chính sách hoàn thành nhiều nhất kể từ đầu năm, Bộ đã trình Chính phủ ban hành 15 nghị định.

Bộ trưởng ban hành 6 thông tư; chủ động, tích cực tham mưu cho Chính phủ triển khai thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Bộ Nội vụ cũng cho hay trong 6 tháng, tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XV hiện nay được tinh gọn, còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ, cơ quan ngang bộ, tương ứng giảm 22,7%); còn 5 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 3 cơ quan thuộc Chính phủ, tương ứng giảm 37,5%).

Giảm 13/13 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 509 cục và tổ chức tương đương; giảm 232 vụ và tổ chức tương đương; giảm 3.377 chi cục và tương đương chi cục; giảm 205 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm khoảng 22.300 biên chế tại các bộ, ngành.

Đáng chú ý, khi thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1-7, các địa phương dự kiến sẽ giảm 368 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

Giảm 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và thành lập các phòng thuộc UBND cấp xã theo quy định.

Bảo hiểm xã hội không gọi điện yêu cầu đổi thông tin để nhận lương hưu từ 1-7

Tin tức sáng 9-7: Một tỉ phú Việt vừa kiếm 2.000 tỉ đồng chỉ trong 1 ngày - Ảnh 4.

Nếu muốn cập nhật thông tin cá nhân, người dân liên hệ trực tiếp cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương hoặc Cổng Dịch vụ công quốc gia, ứng dụng VssID tổng đài của Bảo hiểm xã hội Việt Nam 1900.9068 – Ảnh: HÀ QUÂN

Tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết nhiều người dân phản ánh việc nhận được các cuộc gọi, tin nhắn từ những kẻ lừa đảo, mạo danh cán bộ để chiếm đoạt thông tin cá nhân và tài sản.

Thủ đoạn là gọi điện, nhắn tin hoặc gửi các đường link không rõ nguồn gốc và xưng là cán bộ bảo hiểm xã hội. Sau đó chúng yêu cầu người dân, doanh nghiệp cập nhật thông tin với lý do “từ ngày 1-7, cơ quan bảo hiểm xã hội thay đổi hệ thống giao dịch điện tử, nếu không cập nhật sẽ bị gián đoạn giao dịch, không nhận được lương hưu và thẻ bảo hiểm y tế” khiến mọi người hoang mang.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định không chủ trương gọi điện, nhắn tin kết bạn qua Zalo, hay gửi đường link, mã QR để yêu cầu người dân cung cấp căn cước công dân, thông tin cá nhân hoặc thay đổi hệ thống giao dịch điện tử, cập nhật ứng dụng VssID, tích hợp thẻ bảo hiểm y tế vào căn cước.

Cơ quan này khuyến cáo người dân cảnh giác, tuyệt đối không truy cập vào các đường link lạ, không cung cấp mã OTP, mật khẩu cá nhân hay bất cứ thông tin cá nhân cho ai qua điện thoại, tin nhắn.

Sau 2 năm triển khai, doanh số cho vay nhà ở xã hội mới đạt 2,8%

tỉ phú - Ảnh 4.

Một dự án nhà ở xã hội tại Bình Dương – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện có 9 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia chương trình cho vay nhà ở xã hội theo nghị quyết 33 của Chính phủ. Số tiền đăng ký là 145.000 tỉ đồng, được triển khai tối đa đến năm 2030.

Về lãi suất cho vay, khi triển khai từ giữa năm 2023 đến nay đã 6 lần giảm và hiện còn 6,4%/năm đối với chủ đầu tư và 5,9%/năm đối với người mua nhà.

Về doanh số giải ngân, đến nay cả nước có tổng số khoảng 103 dự án. Đến ngày 31-5, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng khoảng 8.200 tỉ đồng cho các dự án. Doanh số cho vay đạt là 4.094 tỉ đồng, trong đó cho chủ đầu tư là 3.464 tỉ đồng và người mua nhà là 630 tỉ đồng.

“Có thể thấy bước đầu triển khai chương trình cho vay nhà ở còn gặp một số khó khăn. Doanh số giải ngân chưa cao do thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội. Trong khi đó, trong khoảng 100 dự án thì có khoảng 28 dự án (chiếm khoảng 30%) chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn theo chương trình” – Ngân hàng Nhà nước thông tin.

Sốt xuất huyết vẫn tăng cao với hơn 700ca/tuần

tỉ phú - Ảnh 5.

Điều trị sốt xuất huyết – Ảnh: TTO

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ ngày 30-6 đến 6-7 (tuần 27), tại TP.HCM cũ ghi nhận 704 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 38,8% so với trung bình 4 tuần trước.

Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2025 đến ngày 6-7 là 11.014 ca.

Trong tuần 27, TP.HCM (cũ) cũng ghi nhận 433 trường hợp mắc tay chân miệng, giảm 35,2% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2025 đến tuần 27 là 11.767 ca.

Cũng trong thời gian này TP.HCM ghi nhận 33 ca sởi có địa chỉ tại thành phố, giảm 22,4% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sởi tích lũy từ đầu dịch đến tuần 27 là 9.711 ca.

tỉ phú - Ảnh 6.

Tin tức chính trên Tuổi Trẻ nhật báo hôm nay 9-7. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

tỉ phú - Ảnh 7.

Thời tiết các vùng miền cả nước ngày 9-7

tỉ phú - Ảnh 8.