Khối ngoại ‘gom’ hàng, chứng khoán tiếp tục tăng mạnh, vượt xa 1.400 điểm

chứng khoán - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán tiếp tục tăng điểm – Ảnh: AI vẽ

Chứng khoán diễn biến ra sao sau khi vượt mốc 1.400

Mở cửa sáng 8-7, VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng nhưng lực cầu chủ động suy yếu đáng kể về cuối phiên. Áp lực bán chủ động gia tăng khiến chỉ số dần hạ nhiệt, kết thúc phiên sáng ở mức 1.405 điểm, giảm 6 điểm so với đỉnh trong phiên.

Sang đầu phiên chiều, thị trường vẫn trong sắc xanh nhưng đã cân bằng hơn khi lượng cổ phiếu tăng điểm thu hẹp lại. Gần về cuối phiên, thị trường lại bật tăng tốt hơn khi 23/30 mã vốn hóa lớn sàn HoSE đều phủ sắc xanh.

Sau phiên bứt phá hôm 7-7, nhóm ngân hàng hôm nay có phần chững lại với mức tăng 0,5% toàn ngành. Trong đó TPB của TPBank chịu áp lực điều chỉnh hơn 1%. TCB, MBB, ACB về lại vùng tham chiếu. Riêng SHB tiếp tục nằm trong top 10 mua ròng mạnh nhất của khối ngoại.

Nhóm thép, công nghệ thông tin, chứng khoán và các cổ phiếu thuộc nhóm Vingroup tiếp tục trở thành tâm điểm toàn thị trường, nhờ lực mua ròng mạnh từ cả khối ngoại lẫn trong nước. 

Đáng chú ý, nhóm thép ghi nhận thanh khoản và mua chủ động đột biến. Tính chung 4 mã HPG (+4,66%), FPT (+0,6%), VHM (+3%), VIC (+0,32%) đã đóng góp đáng kể cho chỉ số sàn HoSE hôm nay.

Thông tin về thuế quan trong khu vực đã hỗ trợ nhóm bất động sản khu công nghiệp và dệt may tăng mạnh ngay từ đầu phiên, cả về giá lẫn thanh khoản. Tuy nhiên đà tăng nhanh chóng suy yếu về cuối phiên sáng.

Còn nhóm bán lẻ, thực phẩm, bảo hiểm, vận tải, thiết bị điện tiếp tục giao dịch kém tích cực hơn mặt bằng chung, với thanh khoản thấp hơn trung bình 5 phiên. Riêng bán lẻ có thời điểm bật tăng mạnh nhưng không giữ được thành quả, quay đầu giảm trở lại.

Thị trường tăng tích cực sau diễn biến mới nhất từ thuế quan Mỹ

Khép lại phiên, VN-Index tăng gần 14 điểm, lên vùng 1.415 điểm. Tổng giá trị giao dịch dù thấp hơn hôm qua, song vẫn đạt gần 31.000 tỉ đồng khi gộp cả ba sàn. Điều này phản ánh sự sôi động trở lại của dòng tiền, dù lực cầu chủ động có dấu hiệu thận trọng khi chỉ số vượt 1.410 điểm.

Điểm sáng khác, khối ngoại duy trì xu hướng mua ròng phiên thứ bảy liên tiếp, với quy mô mua ròng đạt 1.500 tỉ đồng. Lực mua khối ngoại tập trung ở các nhóm thép, chứng khoán, công nghệ thông tin, ngân hàng, trong khi bán ròng diễn ra ở bất động sản, bán lẻ, xây dựng, thực phẩm, hóa chất, nuôi trồng nông hải sản, thiết bị điện và vận tải.

Ông Donald Trump vừa đăng tải loạt thư thông báo mức thuế từ 25-40% sẽ áp lên hàng hóa của 14 nước. Trong đó ông nhắc đến một loại thuế mà nhiều nước – trong đó có Việt Nam – cần lưu ý, đó là “thuế ngành”.

Hai đối tác được ông Trump gửi thông báo trước tiên là Nhật Bản và Hàn Quốc. Hàng hóa của hai nước này xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị áp thuế quan 25%. 

Tiếp đó ông Trump thông báo Mỹ sẽ áp thuế 25% đối với Tunisia, Malaysia và Kazakhstan; 30% với Nam Phi, Bosnia and Herzegovina; 35% với Serbia và Bangladesh; 36% với Campuchia và Thái Lan; và 40% với Lào và Myanmar.

Trước đó Việt Nam là quốc gia thứ ba, sau hai cường quốc Vương quốc Anh và Trung Quốc, đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ trong vòng ba tháng qua. Hiện chi tiết của thỏa thuận vẫn chưa được công bố, cần tiếp tục theo dõi trong quá trình đàm phán sắp tới.

Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Anh Khoa – giám đốc khối phân tích và nghiên cứu Chứng khoán Agribank – cho biết: tất cả các quốc gia nhận thư thuế từ Mỹ trong ngày 7-7 đều phải chịu mức thuế quan từ 25%, trong đó bao gồm cả các nước đồng minh quân sự của Mỹ như Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như các nước đối thủ cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam như Thái Lan, Indonesia.

Các mức đàm phán thuế quan của các quốc gia đang được chính quyền Tổng thống Trump đưa ra. Các diễn biến tiêu cực đã không xuất hiện, nhiều chỉ số như NIKKEI 225 (+0,26%), STI (+0,54%), KOSPI (+1,81%), SHCMP (+0,7%). Chỉ một số chỉ số giảm điểm nhẹ là TWSE (-0,3%), KLSE (-0,55%), SET (-0,36%).