Bộ Nội vụ hướng dẫn cách tính tiền lương làm thêm giờ

tiền lương - Ảnh 1.

Công nhân sản xuất tại nhà máy may mặc của Công ty TNHH Maxcore ở Hà Nội – Ảnh: THÀNH CÔNG

Bộ Nội vụ vừa có phản hồi nhiều ý kiến của cán bộ, người dân gửi đến hỏi về các vấn đề liên quan tiền lương, mô hình chính quyền 2 cấp.

Cách tính tiền lương làm thêm giờ

Phản ánh đến Bộ Nội vụ, bà Kim Ngân nêu trong quá trình triển khai thực hiện các quy định pháp luật về lao động, công ty có gặp vướng mắc khi xác định tiền lương giờ thực trả cho công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường để tính tiền lương làm thêm giờ.

Theo bà Ngân, công ty đã gửi công văn đề nghị cơ quan quản lý trực tiếp hướng dẫn nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi.

Do đó mong cơ quan chức năng xem xét, hướng dẫn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Phản hồi nội dung này trên Cổng thông tin điện tử, Bộ Nội vụ dẫn quy định tại nghị định 145/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Theo nghị định quy định tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, được xác định bằng tiền lương thực trả của công việc đang làm của tháng hoặc tuần, hoặc ngày mà người lao động làm thêm giờ chia cho tổng số giờ thực tế làm việc tương ứng trong tháng hoặc tuần hoặc ngày người lao động làm thêm giờ (không quá số ngày làm việc bình thường trong tháng và số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, 1 tuần theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn và không kể số giờ làm thêm).

Căn cứ quy định nêu trên, tiền lương làm thêm giờ được xác định dựa trên tiền lương thực trả của công việc đang làm của người lao động chia cho thời gian làm việc thực tế của người lao động do doanh nghiệp lựa chọn.

Bộ Nội vụ đề nghị công ty căn cứ quy định nêu trên để thực hiện. Trường hợp cần thiết công ty liên hệ với cơ quan quản lý lao động ở địa phương để xem xét trả lời theo thẩm quyền.

Mức phụ cấp với người hoạt động không chuyên trách do địa phương quy định cụ thể

Một nội dung khác được bà Bạch Thị Thóa (Hà Tĩnh) cho biết bà là người hoạt động không chuyên trách phụ trách 3 ban Đảng bao gồm kiểm tra, tuyên giáo, dân vận. Xã của bà là đảng bộ có dưới 300 đảng viên.

Bà Thóa cho hay theo chính sách chi trả phụ cấp của tỉnh Hà Tĩnh thì bà được chi trả với nhiệm vụ phụ trách 3 ban Đảng là 3 x 0,6=1,8.

Hiện nay khi làm đơn xin nghỉ việc để hưởng trợ cấp theo nghị định 154, bà được tính hệ số chi trả là 0,6.

Bà Thóa hỏi việc chi trả như vậy đã đúng với chính sách của trung ương ban hành chưa?

Trả lời nội dung trên, Bộ Nội vụ cho hay theo quy định tại nghị định 33/2023 quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, Chính phủ đã phân cấp cho chính quyền địa phương quy định cụ thể các nội dung về mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố tại địa phương mình.

Do đó, Bộ Nội vụ đề nghị căn cứ quy định nêu trên, bà Thóa sẽ có ý kiến với chính quyền địa phương nơi sinh sống để được hướng dẫn, xử lý theo quy định.