Du lịch Việt Nam bùng nổ lượng khách quốc tế trong nửa đầu 2025

Du lịch Việt Nam bùng nổ lượng khách quốc tế trong nửa đầu 2025 - Ảnh 1.

Du khách đi xe buýt hai tầng tham quan Hà Nội – Ảnh: T.T.D.

Điểm sáng trong tăng trưởng của ngành du lịch tạo động lực lan tỏa phát triển các ngành và lĩnh vực khác, cũng như đóng góp tích cực và hiệu quả vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Nửa năm “vàng” của du lịch Việt Nam

Ngày 7-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, phó tổng giám đốc Vietravel, thông tin 6 tháng đầu năm 2025 Vietravel có các thị trường khách quốc tế tăng mạnh, tăng đều và mang về doanh thu không nhỏ.

Từ câu chuyện của mình nhìn ra tổng quan ngành du lịch Việt Nam, bà Hoàng đánh giá sự tăng trưởng mạnh mẽ lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 là kết quả của chính sách visa cởi mở, hạ tầng hàng không cải thiện cùng với xu hướng du lịch quốc tế dịch chuyển sau dịch COVID-19.

Mời bạn đánh giá các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ tại đây.

“Bên cạnh đó, Việt Nam đang dần nổi lên như một điểm đến hấp dẫn nhờ đa dạng sản phẩm, chi phí hợp lý và nỗ lực quảng bá hình ảnh quốc gia. 

Nhiều doanh nghiệp du lịch đã chủ động tái cấu trúc sản phẩm thị trường inbound, đẩy mạnh truyền thông tại các thị trường trọng điểm như Đông Bắc Á, châu Âu, Úc, Ấn Độ… để đón đầu làn sóng này”, bà Hoàng phân tích.

Trong khi đó, kinh doanh 6 tháng đầu năm khá tưng bừng là câu chuyện của doanh nghiệp lữ hành Vietluxtour, khi bà Trần Thị Bảo Thu, đại diện doanh nghiệp này, cho biết lượng khách quốc tế tăng 20% so với cùng kỳ năm 2024, đặc biệt là khách Nga. 

Để thu hút khách quốc tế, bà Thu cho biết thêm ngoài thế mạnh thị trường châu Âu – Mỹ, Vietluxtour khai thác các thị trường mới như Hàn Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka, Úc… 

Đồng thời khai thác tốt các tour chuyên đề văn hóa, lịch sử, tham quan theo sự kiện, MICE tour (với loại hình đa dạng từ tour trọn gói, thiết kế theo yêu cầu đến dịch vụ từng phần)…

Du lịch Việt Nam - Ảnh 2.

Nguồn: Cục Du lịch quốc gia Việt Nam – Số liệu: THẢO THƯƠNG – Đồ họa: TẤN ĐẠT

Đây không chỉ đơn thuần là sự phục hồi, mà còn cho thấy một bước tiến chắc chắn của ngành du lịch nước ta trong hành trình khẳng định vị thế quốc gia trên bản đồ du lịch quốc tế.
Ông BÙI HOÀI SƠN (đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội)

1 trong 10 điểm nổi bật của cả nước 6 tháng đầu năm

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, nhờ chính sách thị thực thông thoáng, hiệu quả từ các hoạt động xúc tiến quảng bá và kích cầu du lịch, ngành du lịch đã đón gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế trong nửa đầu năm, hoàn thành gần 49% chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 2025.

Lượng khách quốc tế nửa năm nay tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 25,7% so với cùng kỳ năm 2019 thời điểm trước dịch COVID-19. Lượng khách nửa năm nay còn cao hơn tổng lượng khách của cả năm 2016 (10 triệu lượt).

Lý giải sức tăng của khách quốc tế, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng trước hết là nhờ tác động từ chính sách miễn thị thực và cấp thị thực điện tử thông thoáng, đồng thời nhờ đổi mới xúc tiến quảng bá du lịch và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ. Đặc biệt, xúc tiến du lịch Việt Nam tại châu Âu như Đức, Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Ba Lan… có hiệu quả.

Việc xúc tiến du lịch điện ảnh – truyền thông, du lịch trên các nền tảng số… cũng đã giúp tăng cường sự hiện diện của du lịch Việt Nam tại các thị trường quốc tế trọng điểm.

Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương đầu tiên sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá du lịch là 1 trong 10 điểm nổi bật trong 6 tháng đầu năm nay.

Với con số 10,7 triệu lượt khách quốc tế đã đạt được trong nửa năm nay, ngành du lịch đang kỳ vọng về kịp “đích” (từ 22 – 23 triệu lượt khách) tăng trưởng trong năm 2025. Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, thời điểm được đánh giá tác động nhiều đến lượng khách là mùa cao điểm từ tháng 10 đến tháng 12 hằng năm.

Du lịch Việt Nam - Ảnh 3.

Hành khách rồng rắn xếp hàng chờ qua khu vực nhập cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vào sáng 7-7 – Ảnh: ĐÌNH PHÚC

Cơ hội và giải pháp tăng cường thu hút khách quốc tế

Theo ông Bùi Thanh Tú – giám đốc truyền thông Công ty BestPrice, để đạt mốc 22 – 23 triệu lượt khách năm 2025, Việt Nam cần trung bình khoảng 1,9 – 2 triệu khách quốc tế mỗi tháng từ nay đến cuối năm.

“Bên cạnh khó khăn, chúng ta cũng có các yếu tố thuận lợi khi các thị trường Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đang dần phục hồi, trong khi khu vực ASEAN và châu Âu tiếp tục là nguồn khách ổn định. Ngoài ra, các chính sách thị thực mới mở rộng diện miễn visa và tăng thời hạn lưu trú cũng giúp Việt Nam hấp dẫn hơn với khách quốc tế”, ông Tú nhận định.

Ông Tú đề xuất 4 giải pháp để tăng cường thu hút khách quốc tế, hiện thực hóa mục tiếp đón 22 – 23 triệu khách quốc tế trong năm nay. 

Thứ nhất, đẩy mạnh xúc tiến thị trường trọng điểm và thị trường mới nổi bằng cách tăng cường các hoạt động xúc tiến du lịch ở các thị trường phục hồi nhanh như Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, Trung Đông. 

Cùng với đó, mở rộng các sản phẩm cao cấp ở các thị trường chi tiêu cao như Úc, Mỹ, Thụy Sĩ, Ba Lan… Ấn Độ cũng là thị trường khách tiềm năng cần khai thác bằng việc phát triển sản phẩm phù hợp (tour kết hợp cưới hỏi, khám phá văn hóa, ẩm thực…)

Thứ hai, tối ưu hóa chính sách visa và bay thẳng, tăng tần suất và mở thêm các đường bay thẳng đến các thành phố lớn tại Úc, Mỹ, Đông Âu…; triển khai thực hiện nhanh và truyền thông rõ ràng về chính sách e-visa, miễn visa để khách hàng dễ tiếp cận và tin tưởng.

Thứ ba, tạo cú hích từ các sự kiện đặc biệt và sản phẩm mới qua việc tổ chức các lễ hội quốc tế, chương trình countdown, festival văn hóa ẩm thực tại các điểm đến chính, đưa sản phẩm “du lịch có chuyên gia đồng hành” hay “du lịch chăm sóc sức khỏe”, phát triển du lịch xanh, du lịch kết hợp trải nghiệm văn hóa – điều mà du khách quốc tế đang rất quan tâm.

Thứ tư, kích cầu qua hợp tác công – tư. Chính quyền địa phương cần sát cánh cùng doanh nghiệp trong xúc tiến, truyền thông, tổ chức sự kiện tại điểm đến. Các hãng hàng không, OTA, lữ hành lớn cần được hỗ trợ để có thể tung ra các gói sản phẩm trọn gói ưu đãi, dễ đặt – dễ đi – dễ trải nghiệm.

Trong khi đó, đại diện Vietluxtour cho rằng ngành du lịch cần tăng cường tiếp thị trực tuyến, phát triển các nền tảng thương mại điện tử chuyên về du lịch của Việt Nam. 

“Chúng ta có tham khảo kênh Ctrip.com của Trung Quốc đang rất phổ biến với du khách Việt và quốc tế, vì với xu thế công nghệ phát triển như hiện nay, du khách chỉ cần vài thao tác trên mạng đã có thể đặt xong một hành trình du lịch khắp nơi trên thế giới rồi”, bà Trần Thị Bảo Thu, đại diện Vietluxtour, đưa ra dẫn chứng.

Du lịch Việt Nam - Ảnh 4.

Nguồn: Cục Du lịch quốc gia Việt Nam – Số liệu: THẢO THƯƠNG – Đồ họa: TẤN ĐẠT

Du lịch Việt Nam tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Theo Hàn thử biểu (World Tourism Barometer) số ra tháng 5-2025 của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), trong quý 1-2025, du lịch Việt Nam là điểm sáng với mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế cao nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương với mức tăng 30% so với cùng kỳ năm 2024.

Việt Nam cũng đứng thứ 2 về phục hồi lượng khách quốc tế đến (tăng 34% so với 2019) và thứ 4 về mức tăng tổng thu từ du lịch, với 29% so với năm 2024.

Cơ hội làm mới điểm đến

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, giám đốc ban tiếp thị Công ty du lịch Vietravel, chia sẻ việc thay đổi tên gọi hành chính sau sáp nhập cũng mang đến cơ hội cũng như thách thức cho ngành du lịch.

Du khách quốc tế cần thời gian để làm quen với tên gọi mới. Các doanh nghiệp lữ hành cần điều chỉnh lại tài liệu và bản đồ du lịch, nội dung quảng bá. Tuy vậy, đây cũng là dịp để làm mới hình ảnh điểm đến, kể lại câu chuyện vùng đất, tăng chiều sâu thương hiệu.

Theo bà Vân Khanh, để du khách nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi, cần thống nhất sử dụng tên mới kèm chú thích tên cũ trong giai đoạn chuyển tiếp. Cùng với đó cập nhật website, bản đồ, sản phẩm tour và nội dung truyền thông.

* Đại biểu BÙI HOÀI SƠN (đại biểu hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội):

Việt Nam vươn tầm thành điểm đến của thế giới

Những con số thống kê mới nhất từ Cục Thống kê công bố ngày 5-7 cho thấy một tín hiệu đáng mừng: trong 6 tháng đầu năm 2025, du lịch Việt Nam đã đón gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt xa mốc cùng kỳ của năm 2019 – giai đoạn trước đại dịch COVID-19.

Đặc biệt, lượng khách đến bằng đường hàng không – gần 9,1 triệu lượt – tiếp tục chiếm ưu thế, cho thấy hạ tầng hàng không đang đáp ứng tốt nhu cầu mở rộng không gian du lịch, đồng thời phản ánh sự hấp dẫn của Việt Nam trong con mắt du khách toàn cầu. Đường bộ và đường biển – dù chưa có tỉ trọng lớn – lại là những kênh tiềm năng, nhất là khi các tỉnh biên giới và ven biển đang tích cực mở rộng kết nối và phát triển sản phẩm mới.

Những con số trên không chỉ thể hiện sức sống nội tại của ngành, mà còn là minh chứng cho sự hấp dẫn ngày càng gia tăng của Việt Nam đối với các loại hình du lịch chất lượng cao: từ nghỉ dưỡng biển, MICE, du lịch golf, đến du lịch chữa bệnh, ẩm thực và trải nghiệm văn hóa.

Không chỉ dừng lại ở nội lực, du lịch Việt Nam đang dần được cộng đồng quốc tế ghi nhận như một điểm sáng phục hồi hậu đại dịch.

Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu đón 22 – 23 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025, dư địa còn lại vẫn rất lớn và không ít thách thức cần vượt qua.

Trong nhiều giải pháp, cần chú trọng mở rộng diện miễn thị thực, kéo dài thời gian lưu trú, đẩy mạnh cấp visa điện tử đa điểm sẽ là những chìa khóa giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh trong khu vực.

Song song với đó là việc nâng cấp hạ tầng mềm: từ thông tin du lịch, biển chỉ dẫn, vệ sinh môi trường, đến thái độ phục vụ.

Du lịch ngày nay không chỉ là tham quan, mà là trải nghiệm. Và trải nghiệm đó được tạo nên từ chính những chi tiết nhỏ nhất, từ một nụ cười thân thiện đến khả năng phản hồi nhanh nhạy của hệ thống dịch vụ.

Một điều đáng lưu ý khác là cần tập trung hơn vào chiều sâu nội dung của sản phẩm du lịch. Chúng ta đã nói nhiều về các điểm đến, về phong cảnh đẹp, nhưng điều giữ chân du khách lâu hơn và khiến họ trở lại chính là những trải nghiệm văn hóa khác biệt. Đây là lúc du lịch cần kết nối sâu hơn với điện ảnh, văn học, âm nhạc, di sản phi vật thể và cả những giá trị sống đương đại mà Việt Nam đang sở hữu một cách độc đáo.

Đà Nẵng đón gần 4 triệu lượt khách từ đầu năm

Ngày 7-7, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng cho biết từ đầu năm đến nay các điểm đến ở Đà Nẵng (cũ) đón tổng cộng gần 4 triệu lượt khách. Đặc biệt từ 31-5 đến 28-6, tâm điểm của Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2025, các cơ sở lưu trú đã phục vụ khoảng 1,17 triệu lượt khách, tăng 10,3% so với cùng kỳ 2024. Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt hơn 18.200 tỉ đồng.

Đà Nẵng liên tục khai trương các đường bay mới kết nối các trung tâm du lịch của thế giới.

Đáng chú ý là trong tháng 6, hãng hàng không lớn nhất thế giới Emirates đã nối dài chặng bay từ Dubai, sử dụng dòng máy bay thân rộng Boeing 777-300ER quá cảnh qua Thái Lan và dừng chân tại TP Đà Nẵng với tần suất 4 chuyến/tuần.

Đây được xem là cú hích rất lớn, được TP Đà Nẵng và phía Emirates đàm phán ròng rã trong 2 năm để đưa dòng khách sang vào thành phố biển miền Trung.