Xuất khẩu Quảng Ngãi 5 tháng đạt đến 1,4 tỉ USD

Quảng Ngãi - Ảnh 1.

Một sản phẩm công nghiệp nặng ở Khu kinh tế Dung Quất được xuất khẩu – Ảnh: TRẦN MAI

Báo cáo của Sở Công thương Quảng Ngãi, kim ngạch xuất khẩu tháng 4-2025 ước đạt 233 triệu USD, tăng 1,7% so với tháng trước. Sang tháng 5, con số này tiếp tục tăng lên hơn 350 triệu USD, tăng khoảng 5% so với tháng 4.

Xuất khẩu Quảng Ngãi tăng tốc

Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,4 tỉ USD – hoàn thành hơn 42% kế hoạch cả năm. Nhiều mặt hàng chủ lực như thép, dầu FO, giày da, túi xách, sợi dệt, thủy sản và thực phẩm chế biến đều ghi nhận tăng trưởng tích cực.

Đặc biệt, mặt hàng may mặc có sự bứt phá ngoạn mục, sau khi giảm tới 46% trong tháng 1, đến tháng 4 đã bật tăng mạnh với kim ngạch đạt 40,3 triệu USD (tăng 42,6% so với tháng 3), và tháng 5 tiếp tục đạt 50,1 triệu USD, tăng hơn 50%. Tương tự, dăm gỗ nguyên liệu giấy cũng đảo chiều tăng trưởng trong tháng 5, đạt hơn 31 triệu USD, tăng 10,6%.

Lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Các doanh nghiệp tại Quảng Ngãi đang duy trì ổn định sản xuất và ký kết thêm nhiều hợp đồng xuất khẩu, đặc biệt ở những ngành then chốt như lọc dầu, thép, dệt may, giày da…

“Riêng may mặc và da giày, các đơn hàng đã ký đủ để duy trì việc làm cho hơn 10.000 lao động đến hết năm 2026”, lãnh đạo Ban Dung Quất nói.

Quảng Ngãi - Ảnh 2.

Xuất khẩu của Quảng Ngãi đang đảo chiều, khởi sắc trở lại, người lao động an tâm về công việc – Ảnh: TRẦN MAI

Người lao động có việc làm ổn định

Một công ty sản xuất hàng dệt may ở Quảng Ngãi – chia sẻ trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có quá nhiều biến động, công ty đang mở rộng thị trương sang Trung Đông với mặt hàng thời trang nữ và thể thao. Chính điều này đã giúp nhiều doanh nghiệp may mặc “đảo chiều” từ giảm thành tăng trưởng mạnh.

Số lượng công nhân làm việc trong ngành may mặc rất lớn, cũng ổn định cuộc sống khi thu nhập bình quân từ 7,5-10 triệu đồng/người/tháng. Thậm chí có những vị trí đặc thù có thu nhập 16 triệu đồng/người/tháng.

“Đơn hàng may mặc xuất khẩu năm 2025 đảm bảo việc làm cho công nhân. Hiện các doanh nghiệp may mặc đang tích cực đàm phán thêm đơn hàng, đảm bảo năm 2026 không đứt gãy sản xuất, ảnh hưởng hoạt động của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động“, lãnh đạo doanh nghiệp may mặc nói.

Giữa bối cảnh đầy biến động của kinh tế thế giới, sự hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu Quảng Ngãi không chỉ là điểm sáng của địa phương mà còn cho thấy sự linh hoạt, nỗ lực vươn ra thị trường toàn cầu của các doanh nghiệp Việt.

Tốc độ tăng trưởng GRDP của Quảng Ngãi dẫn đầu cả nước

Trong 6 tháng đầu năm, Quảng Ngãi cũng vươn mình mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng GRDP dẫn đầu cả nước, khi tăng 11,51%.

Để đạt con số ấn tượng này, khu vực công nghiệp – xây dựng tiếp tục là “động cơ tăng tốc” khi đạt mức tăng trưởng 21,38%, đóng góp gần 8 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP chung.

Trong đó, ngành công nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò là ngành kinh tế chủ đạo của tỉnh Quảng Ngãi, tạo sự bứt phá, bay cao (tăng 22,59%) dựa trên “đôi cánh” dầu và thép.

Một số ngành công nghiệp khác có mức tăng trưởng cao như: sản xuất trang phục tăng 22,99%; sản xuất kim loại tăng 39,96%; sản xuất và phân phối điện tăng 36,84%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 51,17%…