Hà Nội muốn khôi phục tên phố Hàng Lọng

TP Hà Nội muốn khôi phục phố Hàng Lọng cho đoạn từ ngã tư giao phố Trần Bình Trọng đến ngã ba giao phố Yết Kiêu Dài, dài 174 m, rộng 13 m, lòng đường 7m, vỉa hè mỗi bên 3m.

Hàng Lọng là một trong 38 tuyến đường phố được đề xuất đặt tên, trong tờ trình của UBND thành phố Hà Nội về dự kiến đặt, đổi tên và điều chỉnh độ dài một số đường phố và công trình công cộng.

Đoạn đường này đã được trải nhựa, có vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng đô thị. Nhiều trụ sở cơ quan nằm trên đoạn phố này như: trụ sở Báo Lao động Thủ đô, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động, Nhà khách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mặt sau Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô.





Đoạn phố (bôi đen) dự kiến mang tên phố Hàng Lọng. Nguồn: UBND TP Hà Nội

Đoạn phố bôi đen dự kiến mang tên phố Hàng Lọng. Nguồn: UBND TP Hà Nội

Hàng Lọng là tên một phố cổ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũ. Xưa kia khu vực này thuộc đất thôn Cung Tiên, tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương. Tên phố Hàng Lọng được cho là xuất hiện vào khoảng cuối triều Lê đầu triều Nguyễn và đã qua nhiều lần đổi tên.

Khúc đầu tiên của con đường Thiên lý đi về Nam có tên là đường Quan lộ, sau thành phố Hàng Lọng (còn gọi là Hàng Tàn, thể hiện qua câu ca dao cũ “Qua Hàng Thợ Nhuộm thẳng dong Hàng Tàn”). Sau hòa bình, đường được đổi thành đường Nam Bộ, và là đoạn đầu của đường Lê Duẩn ngày nay.

Xuất xứ tên Hàng Lọng là do dân vùng này làm và bán kiệu, ô, lọng cho các quan và đình chùa. Ở phố Hàng Lọng trước đây từng có đền thờ ông tổ nghề lọng – thêu là Lê Công Hành. Quá trình tồn tại còn có ngõ Hàng Lọng, do thực hiện dự án an ninh quốc phòng nên đã được giải phóng mặt bằng.

“Đặt lại tên phố Hàng Lọng là mong muốn của chính quyền và nhân dân địa phương nhằm lưu giữ lại tên một phố “hàng” của Hà Nội xưa, tiếp tục giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho các thế hệ trẻ”, tờ trình nêu.

Trong cuốn Phố và đường Hà Nội của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc (xuất bản năm 2004), Thủ đô hiện có 48 phố bắt đầu bằng chữ “hàng”, hầu hết thuộc huyện Thọ Xương xưa. Trừ một số tên phố mới xuất hiện gần đây (do gộp nhiều phố nhỏ), còn lại được hình thành từ thế kỷ 15 đến 19.

Đặc điểm chung của các phố này là ngắn, dưới 1.000 m, có phố chưa tới 100 m. Tên gọi thường gắn với nghề hoặc mặt hàng bán buôn trên phố. Do nằm ở trung tâm của đô thị Hà Nội trong nhiều thế kỷ, các con phố gắn với chữ “hàng” – là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, tập trung nhiều công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của người Hà Nội.

Tờ trình đặt đổi tên đường phố sẽ được trình HĐND thành phố xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 25, diễn ra ngày 8-11/7.

Võ Hải