Công chức được cử đi học phải đền bù chi phí nếu tự nghỉ, bị kỷ luật

Công chức đi đào tạo sau đại học lần đầu không quá 45 tuổi, cam kết làm việc ít nhất gấp ba thời gian được cử đi và phải đền bù chi phí nếu tự nghỉ học, bỏ việc giữa chừng.

Theo Nghị định 171/2025 có hiệu lực từ 1/7 về đào tạo, bồi dưỡng công chức, người được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu không quá 45 tuổi tính từ thời điểm được cử đi thay vì 40 tuổi như trước đây. Yêu cầu nhằm phù hợp với lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu lên 62 với nam vào năm 2028 và nữ 60 tuổi vào năm 2035 trong điều kiện làm việc bình thường.

Người được cử đi phải công tác từ đủ 3 năm trở lên và có hai năm liên tục liền kề trước khi đi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Học xong người đó phải cam kết làm việc tại cơ quan ít nhất gấp ba lần thời gian đào tạo.

Công chức được cử đi đào tạo theo chương trình hợp tác với nước ngoài được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước, Chính phủ thì ngoài các quy định trên phải đáp ứng yêu cầu khác của chương trình.





Giờ làm việc của công chức tại Trung tâm phục vụ hành chính công TP Hà Nội, tháng 7/2025. Ảnh: Giang Huy

Giờ làm việc của công chức tại Trung tâm phục vụ hành chính công TP Hà Nội, tháng 7/2025. Ảnh: Giang Huy

Nghị định nêu rõ người được cử đi đào tạo sau đại học bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan phải đền bù chi phí nếu thuộc một trong các trường hợp: tự ý bỏ học, bỏ việc trong thời gian đào tạo; không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp; bị kỷ luật thôi việc; đã hoàn thành khóa học và được cấp văn bằng tốt nghiệp nhưng bỏ việc, bị kỷ luật thôi việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết.

Chi phí đền bù gồm học phí và các khoản chi khác cho khóa đào tạo, không tính lương và phụ cấp nếu có. Người tự ý bỏ học, bỏ việc trong thời gian đào tạo; bị kỷ luật buộc thôi việc; không được cấp bằng sẽ phải đền bù toàn bộ chi phí. Phí đền bù với công chức bị kỷ luật thôi việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết được tính theo công thức riêng.

Trường hợp không phải đền bù chi phí gồm người được cử đi nhưng không được cấp bằng do bệnh hiểm nghèo, rủi ro thiên tai dịch bệnh được cấp có thẩm quyền xác nhận; được cử đi học nhưng sau đó cơ quan có thẩm quyền điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển công tác.

Công chức là nữ hoặc người dân tộc thiểu số thì mỗi năm công tác được giảm 1,5% chi phí đền bù.

Chậm nhất trong 120 ngày từ khi nhận quyết định đền bù từ cơ quan thẩm quyền, công chức phải hoàn trả đầy đủ cho đơn vị cử đi đào tạo. Trường hợp không đền bù hoặc các bên không thống nhất thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định pháp luật.

Sau sáp nhập, cả nước còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh và 3.321 xã, phường, đặc khu. Toàn hệ thống chính quyền địa phương hai cấp còn khoảng 91.784 cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh và 199.000 biên chế cấp xã.

Hồng Chiêu