
Trong giai đoạn 2017-2023, Nghị quyết 42 từng mở ra một cơ chế đặc thù, giúp tổ chức tín dụng xử lý tài sản nhanh chóng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, khi nghị quyết hết hiệu lực vào cuối năm 2023, hệ thống pháp lý lập tức hụt cơ chế xử lý hữu hiệu.
Đại diện phía doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, xử lý nợ xấu không chỉ là thu hồi nợ mà còn là “cơ hội để phục hồi thị trường”. Chính phủ cần xem xét ban hành cơ chế đặc thù nhằm xử lý nợ xấu một cách quyết liệt, đồng bộ.
Theo ông, cơ quan quản lý cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc xử lý tài sản đảm bảo theo hướng minh bạch, rút ngắn quy trình phát mãi, kể cả thông qua đấu giá công khai hoặc chuyển nhượng dự án.
“Chúng tôi đề xuất thành lập tổ công tác liên ngành cấp trung ương để rà soát, phân loại các dự án bất động sản đang bị ngưng trệ, từ đó có chính sách xử lý phù hợp từng nhóm nợ xấu, không nên dùng một cơ chế cứng nhắc cho tất cả”, ông Châu nói. Theo ông, khi nợ xấu được xử lý, dòng tiền mới sẽ quay lại thị trường, doanh nghiệp sống lại, ngân hàng lành mạnh, nhà nước thu được thuế. Đây là bài toán, theo ông, cần lời giải tổng thể, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thay vì để doanh nghiệp tự bơi trong khủng hoảng.
Bàn về giải pháp xử lý tài sản đảm bảo khi xử lý nợ xấu, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cũng cho rằng, một điểm then chốt là định giá tài sản phải phản ánh đúng giá trị thị trường, tránh tình trạng tổ chức tín dụng đơn phương bán với giá thấp, gây thiệt hại cho người vay. Để đảm bảo khách quan, nên có sự giám sát của bên thứ ba hoặc cơ chế định giá độc lập trong toàn bộ quá trình này.