Kinh tế đêm ở khu trung tâm TP HCM đang ra sao?

Chưa có quy hoạch bài bản, kinh tế đêm quận 1 mới sôi nổi ở nhóm ẩm thực, trong khi các hoạt động khác chưa phong phú, ít thu hút khách.

Đến TP HCM vài lần mỗi năm, Huy Tùng (Hà Nội) ưu tiên chọn lưu trú ở quận 1 vì thuận tiện công việc lẫn giải trí buổi tối. “Ban đêm, tôi ở quận 1 do có nhiều lựa chọn giải trí, từ đi bộ Nguyễn Huệ đến phố Tây Bùi Viện, các quán ăn, cà phê, bar, pub sân thượng nhộn nhịp”, anh kể.

Từ năm ngoái đến nay, nhất là chuỗi sự kiện 50 năm thống nhất đất nước thời gian qua, khu vực quận 1 thường xuyên có nhiều hoạt động lễ hội diễn ra, tạo thành thói quen vui chơi, mua sắm, ăn uống với du khách và người dân địa phương.





Quán nước tại khu dân cư tại quận 1, thu hút người trẻ chụp hình dịp 30/4. Ảnh: Khương Nguyễn

Quán nước tại khu dân cư quận 1, thu hút người trẻ chụp hình dịp 30/4. Ảnh: Khương Nguyễn

“Tôi nhận thấy lượng khách về đêm có nhu cầu trải nghiệm là rất lớn và tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây”, anh Trịnh Nguyễn Hùng Dũng, Chủ cửa hàng Phở Phát Tài trên đường Trần Hưng Đạo nói. Cửa hàng anh bán 24/7 và có kế hoạch mở rộng điểm bán.

Mặt tiền ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhà hàng The Long @ Times Square của khách sạn The Reverie Saigon mở cửa đến nửa đêm. Họ có không gian ngoài trời, phục vụ các món pizza nướng củi, cocktail thủ công, bia nhập khẩu lẫn nội địa.

Ông Marcelo Geraldini – Bếp trưởng kiêm Giám đốc Bộ phận Ẩm thực & Đồ uống The Reverie Saigon – là người cổ vũ khái niệm “thành phố sinh thái về đêm”. Thực tế, đây là thời điểm kinh doanh hiệu quả của nhà hàng. “Hơn 85% doanh số đến từ khung giờ sau 16h”, ông cho hay.

Khảo sát của Viện nghiên cứu và Phát triển TP HCM (HIDS) khi thực hiện soạn thảo đề án phát triển kinh tế ban đêm tại quận 1, cho biết 40% doanh nghiệp được hỏi có doanh thu ban đêm chiếm hơn 50% tổng doanh thu trong ngày, chủ yếu là nhà hàng – quầy bar, gym và cửa hàng tiện lợi 24h. Thời gian đông khách nhất kéo dài từ 20h đến 22h hàng ngày.

Kinh tế ban đêm xuất hiện lần đầu vào những năm 70 của thế kỷ trước. Hiện nay, khái niệm này đã không còn xa lạ với nhiều thành phố và quốc gia trên thế giới. Tuy chưa có một định nghĩa thống nhất về kinh tế ban đêm, nhưng đa số các nhà nghiên cứu và các thành phố coi đây là tổng hợp của tất cả hoạt động kinh tế – văn hóa – xã hội diễn ra trong khoảng thời gian từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau. Giới hạn thời gian này trong nhiều trường hợp cũng chỉ mang tính tương đối. Một số thành phố đã xây dựng những chiến lược xóa nhòa giới hạn về thời gian, như New York (Mỹ), Amsterdam (Hà Lan), London (Anh) – trở thành những “thành phố 24 giờ”, “thành phố không ngủ”.

Khi được hỏi về định hướng phát triển, 82,8% doanh nghiệp tham gia khảo sát của HIDS nói sẽ tiếp tục kinh doanh ban đêm trong 3 năm tới, 61,53% có kế hoạch mở rộng. Chuỗi chocolate Alluvia tháng trước khai trương đồng loạt thêm 3 chi nhánh quanh các trục trung tâm như Lê Lợi, Nguyễn Huệ. Tổng cộng họ có 5 cửa hàng trong phạm vi chỉ 2 con đường này.

Nhà đồng sáng lập Nguyễn Hải Yến cũng cho biết rất muốn tranh thủ dòng khách tập trung về quận 1 mua sắm, giải trí ban đêm. “Đặc trưng của thời tiết Sài Gòn là đa phần nóng vào ban ngày nên ban đêm họ mới ra đường giải trí, mua sắm. Đây là lúc khách có thời gian rảnh sau khi đã đến các điểm tham quan hay đi tour”, anh Hải Yến nhận định.

Ông Lars Kerfin, Tổng giám đốc khách sạn Le Méridien Sài Gòn trên đường Tôn Đức Thắng, cho rằng quận 1 phát triển kinh tế đêm khá hiệu quả. “Nơi đây có tiềm năng rất lớn để trở thành điểm đến về đêm hàng đầu thành phố, không chỉ cho khách du lịch mà còn cả người dân muốn tận hưởng những hoạt động giải trí đa dạng”, ông nói.

Tuy nhiên, kinh tế ban đêm tại quận 1 vẫn còn một số hạn chế và thách thức. Đầu tiên là mức độ đa dạng của loại hình. Khi khảo sát khách quốc tế, HIDS nhận ra ẩm thực là lựa chọn phổ biến nhất vào buổi tối trong mắt du khách, với 86,1% đến nhà hàng; 62,3% đi pub, bar và 44,4% lui đến các quán cà phê.

Nhiều người cũng giải trí bằng cách ra phố đi bộ hoặc chợ đêm, trong khi các hoạt động khác như các trung tâm trò chơi, tour du thuyền hay địa điểm văn hóa, lịch sử kém thu hút. Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc điều hành nền tảng du lịch Klook tại Việt Nam, xác nhận các sản phẩm trải nghiệm đêm của TP HCM hiện vẫn còn “ở mức rất cơ bản” so với các thành phố Đông Nam Á khác.

Trên nền tảng này, khi tìm kiếm các lựa chọn về đêm, khách chỉ loanh quanh tour ẩm thực bằng xe vespa cổ hoặc xích lô, tour du thuyền buổi tối, xe buýt hai tầng ngắm cảnh. Số ít khác là các lớp học nấu ăn, đi spa.

Khai thác đa dạng các loại hình tham quan, trải nghiệm, Vietluxtour đã phối hợp với UBND quận 1 để phát triển các tuyến tham quan đêm như Sài Gòn xưa – TP HCM, quận 1 – sắc màu đêm. Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị và truyền thông của công ty, cho biết sản phẩm đa phần được du khách đánh giá tích cực nhưng cũng hạn chế về lượng khách và doanh thu, chưa thể tổ chức liên tục hàng ngày, hàng tuần.

“Các sản phẩm du lịch đêm đa phần phục vụ khách inbound (lưu trú ngắn), nhưng với những người có lịch trình tham quan thành phố dài hơn, từ 5 ngày trở lên, các chương trình tour đêm cần đa dạng để đáp ứng tốt nhu cầu của họ”, bà Thu nêu.

Theo khảo sát của HIDS, trung bình mỗi khách quốc tế chi 50 USD cho các hoạt động ban đêm. Làm phép tính với 1,6 triệu lượt khách đến TP HCM trong quý I, doanh thu đêm ước đạt 88 triệu USD, tương đương hơn 2.000 tỷ đồng. Con số này khiêm tốn so với tổng thu du lịch của TP HCM trong 3 tháng đầu năm trên 56.600 tỷ đồng.





Khách nước ngoài tham quan đường hoa Nguyễn Huệ vào tháng 1/2025. Ảnh: Quỳnh Trần

Khách nước ngoài tham quan đường hoa Nguyễn Huệ vào tháng 1/2025. Ảnh: Quỳnh Trần

Các doanh nghiệp, cơ sở tham gia hoạt động sau hoàng hôn cũng phản ánh thách thức khi kinh doanh. Theo khảo sát của HIDS, giới hạn về giờ hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ sở như quán bar, nhà hàng vốn có nhu cầu phục vụ muộn. Các quy định phòng cháy chữa cháy được đánh giá là nghiêm ngặt và tốn kém, trong khi những ràng buộc về tiếng ồn, chiếu sáng, quảng cáo đồ uống có cồn và hoạt động casino cũng thu hẹp không gian phát triển cho các mô hình giải trí đêm.

Yếu tố an ninh trật tự là mối lo khác, với 24% doanh nghiệp bày tỏ lo ngại về tình trạng cướp giật, xô xát và các tệ nạn, ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng và hoạt động kinh doanh. Cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống về đêm còn hạn chế như thiếu bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng và hệ thống thu gom rác hiệu quả khiến trải nghiệm của du khách và người dân chưa trọn vẹn.

Bản thân doanh nghiệp cũng chật vật với bài toán nhân sự và chi phí. Anh Trịnh Nguyễn Hùng Dũng tại Phở Phát Tài nói tuyển dụng nhân sự cho ca trực đêm khá khó khăn vì múi giờ này rất vất vả. “Một số lao động có chuyên môn thì vướng bận gia đình, con cái”, anh nói thêm.

Ông Marcelo Geraldini tại The Reverie Saigon chỉ ra 3 thách thức chính khi vận hành ban đêm là chi phí, giữ chân nhân tài và tuân thủ quy định. “Duy trì chất lượng dịch vụ cao, đội ngũ nhân sự và an ninh trong khung giờ khuya đòi hỏi đầu tư lớn. Cùng với đó, tuyển dụng và duy trì đội ngũ chuyên nghiệp cho ca đêm là bài toán khó chung của ngành khách sạn – nhà hàng”, ông nói.

Những thách thức chủ quan lẫn khách quan dẫn đến nhiều thành viên của hệ sinh thái kinh tế đêm ở quận 1 chưa thực sự “ăn nên làm ra”. Theo khảo sát, 27,9% nhận thấy doanh thu biến động thất thường. Chỉ 13,8% đánh giá tình hình kinh doanh giữ được trạng thái ổn định và 20,7% cho rằng tốc độ phát triển đang chậm lại. Đáng chú ý, không bên nào ghi nhận tăng trưởng nhanh.

HIDS đánh giá quận 1 là một trong hai khu vực trên cả nước đã đi trước rất xa về phát triển kinh tế ban đêm, cùng với quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Tuy nhiên, địa phương vẫn chưa có một quy hoạch phát triển tổng thể nên kinh tế ban đêm còn thiếu định hướng, tiêu chí hay tiêu chuẩn hoạt động. Các loại hình dịch vụ vẫn mang tính tự phát, không bổ trợ nhau, đôi khi trùng lặp về mô hình và khách hàng.

“Trên thực tế, một số khu vực trên địa bàn quận 1 đã phát triển các cụm kinh doanh ban đêm nhưng lại chưa có mô hình quản lý hiệu quả. Điều này đã khiến một số vấn đề tiêu cực xuất hiện như tiếng ồn, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, chèo kéo khách, thậm chí có xô xát giữa các chủ cơ sở do cạnh tranh nguồn khách”, HIDS nhận xét trong dự thảo đề án phát triển kinh tế ban đêm tại quận 1.

Trong cuộc họp vào trung tuần tháng 3 với quận 1, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được cũng lưu ý kinh tế đêm cần mô hình, cách thức kinh doanh hiện đại chứ không phải chỉ là “kéo bàn nhậu lề đường”. “Uống bia bê bết ở vỉa hè quận 1 là không chấp nhận được, làm xấu bộ mặt thành phố, đó không phải kinh tế đêm”, ông Được nói. Theo ông, kinh tế đêm phải có tính hiện đại, tạo ra không gian văn hóa, thể hiện bản sắc của thành phố.

HIDS cho rằng nhu cầu xây dựng các mô hình quản lý và định hướng phát triển kinh tế ban đêm là vô cùng quan trọng, nhằm tiêu chuẩn hóa và nâng tầm hoạt động, cũng như tránh các hình ảnh tiêu cực tại quận 1 và TP HCM.

Viện này đề xuất kinh tế đêm quận 1 gồm 3 trục động lực: văn hóa – thương mại; không gian xanh và ven mặt nước. Đề án cũng khuyến nghị nhu cầu ban hành các quy định cụ thể về khai thác vỉa hè, lòng đường; tiêu chí chứng nhận cơ sở đủ điều kiện tham gia kinh doanh ban đêm, phương án tổ chức giao thông. Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức sự kiện, không gian “check-in”.

“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm của quận 1 – một định hướng phù hợp với xu thế du lịch toàn cầu và góp phần nâng tầm TP HCM trở thành điểm đến 24/7 năng động”, ông Marcelo Geraldini nói.

Viễn Thông – Bích Phương

>>Bài 2: Cách các thành phố thu tỷ USD từ kinh tế đêm