
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy (thứ 4 từ trái sang) chia sẻ với nông dân, lãnh đạo địa phương việc nâng chất sầu riêng – Ảnh: TRUNG TÂN
Sáng 24-5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã đến thăm vùng trồng sầu riêng tại xã Tân Bắc, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, và yêu cầu phải kiểm soát chất lượng sầu riêng từ vườn đến từng container hàng xuất khẩu.
Quét mã QR để truy xuất nguồn gốc sầu riêng
Tại đây người dân, đại diện hợp tác xã và địa phương đã có nhiều đề xuất nhằm nâng cao chất lượng sầu riêng, phát triển chế biến sâu để tăng giá trị chuỗi ngành hàng tỉ đô la này.
Ông Trần Văn Thắng, giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Krông Pắk, cho biết hợp tác xã đã chủ động triển khai hệ thống tem điện tử cho từng quả sầu riêng nhằm truy xuất nguồn gốc, tăng độ tin cậy và uy tín sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng bày tỏ khó khăn khi triển khai giải pháp này đồng bộ. Khác với doanh nghiệp lớn chỉ hỗ trợ những hộ trồng đạt chuẩn, hợp tác xã phải đồng hành với tất cả thành viên. Trong bối cảnh giá sầu riêng tăng cao, doanh nghiệp có thể bỏ hợp đồng, nhưng hợp tác xã vẫn phải đảm bảo bao tiêu.
Do đó ông đề xuất tỉnh và Trung ương ban hành chính sách hỗ trợ cụ thể để hợp tác xã vận hành hiệu quả hơn, đặc biệt trong liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững.

Đắk Lắk là một trong những vùng trồng sầu riêng có diện tích lớn nhất cả nước – Ảnh: TRUNG TÂN
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Lắk Nguyễn Văn Hà kiến nghị thành lập trung tâm kiểm nghiệm chất lượng sầu riêng tại địa phương, nhằm rút ngắn thời gian đánh giá và tăng cường kiểm soát tiêu chuẩn kỹ thuật, nhất là khi xuất khẩu sang các thị trường khắt khe như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ.
Ông Hà cũng lưu ý hiện chưa có cơ chế hỗ trợ vốn cụ thể, khiến doanh nghiệp e ngại đầu tư, trong khi ngân sách nhà nước khó đáp ứng toàn bộ.
Còn ông Nguyễn Thiên Văn, quyền chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết tỉnh đã có một số nhà máy chế biến sầu riêng, trong đó có nhà máy cấp đông quy mô lớn.
Tuy nhiên nếu không đầu tư đồng bộ khâu sơ chế và chế biến sâu, giá trị gia tăng của ngành hàng vẫn thấp, phụ thuộc nhiều vào thị trường trái tươi và dễ tổn thương khi thị trường biến động.
Có thể khởi tố hành vi đưa chất cấm vào sầu riêng
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy thừa nhận hiện có nhiều quốc gia tham gia xuất khẩu sầu riêng, nhưng một số vùng trồng và cơ sở đóng gói của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về chất lượng, mã số và truy xuất nguồn gốc.
Điều này khiến một số lô hàng bị trả lại, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế và uy tín thương hiệu nông sản, đặc biệt trong hệ thống tín dụng tài chính.
“Ngành hàng sầu riêng đang phát triển nhanh về diện tích và sản lượng, tạo áp lực lớn cho công tác kiểm soát chất lượng và xuất khẩu”, bộ trưởng nói.
Ông cho biết bộ đã phối hợp với địa phương tháo gỡ nhiều vướng mắc, điển hình là Hải quan Trung Quốc mới cấp thêm 800 mã số vùng trồng và 151 mã số cơ sở đóng gói cho Việt Nam, là tín hiệu tích cực cho vụ sầu riêng năm nay và các năm tới.

Ông Nguyễn Thiên Văn – quyền chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk – trao đổi, đề xuất với Bộ trưởng Đỗ Đức Duy một số giải pháp nâng chất lượng sầu riêng – Ảnh: TRUNG TÂN
Bộ trưởng nhấn mạnh rằng từ ngày 1-7 tới, quyền kiểm soát chất lượng sầu riêng sẽ được phân cấp rõ ràng cho chính quyền địa phương và các sở ngành tỉnh thành, nhằm nâng cao trách nhiệm và tính chủ động trong quản lý chất lượng nông sản.
Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng chính sách, tăng cường thanh kiểm tra và xử lý nghiêm cơ sở vi phạm.
Tuy nhiên ông cũng bày tỏ lo ngại ngành hàng sầu riêng hiện phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, chiếm hơn 90% sản lượng xuất khẩu.
“Đây là thị trường thuận lợi về chi phí logistics nhưng tiềm ẩn rủi ro cao, nhất là trong chính vụ khi sản lượng lớn mà thời gian tiêu thụ ngắn”, ông nói.
Do đó bộ đang chủ động nghiên cứu giải pháp đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Đông, Nam Mỹ…, đồng thời khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm để giảm thiểu rủi ro khi thị trường biến động.
Về tồn dư chất cấm như cadimi, kim loại nặng có hại cho sức khỏe, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo phối hợp với địa phương xác định nguyên nhân chủ yếu liên quan đến đất đai và quy trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa chuẩn.
“Chúng tôi ban hành quy trình sản xuất sầu riêng bền vững, kiểm soát từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói, xuất khẩu, đồng thời yêu cầu thanh kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi dùng chất cấm để làm đẹp hoặc tăng độ bóng trái.
Chúng tôi cũng phối hợp với Bộ Công an xử lý hình sự các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, bảo vệ uy tín ngành hàng”, ông Duy nói.
Bộ trưởng khẳng định khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng, giảm áp lực mùa vụ chính.
Cuối cùng, bộ trưởng cho biết bộ đang trao đổi với Hải quan Trung Quốc để thống nhất quy trình kiểm định chất lượng từ vùng trồng đến cửa khẩu, đảm bảo minh bạch trong xuất khẩu sầu riêng.
Đắk Lắk dẫn đầu cả nước về diện tích sầu riêng, nhưng mã số vùng trồng thấp
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có hơn 38.800ha sầu riêng, lớn nhất cả nước, trong đó 22.600ha đã cho thu hoạch.

Đắk Lắk có diện tích và sản lượng sầu riêng lớn, đang nỗ lực nâng chất ngành hàng này – Ảnh: TRUNG TÂN
Năm 2025, sản lượng sầu riêng toàn tỉnh dự kiến đạt 380.000 – 400.000 tấn, chỉ khoảng 11% diện tích được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch.
Tỉnh hiện có 68 vùng trồng và 24 cơ sở đóng gói được phê duyệt, thêm 229 vùng trồng đang chờ cấp mã số.