80% phụ nữ bị lừa bán để làm cô dâu, bóc lột tình dục

Gần như toàn bộ nạn nhân buôn người bị lừa bán ra nước ngoài, đích đến phần lớn là Trung Quốc, nhiều phụ nữ bị ép làm cô dâu, bóc lột tình dục, theo Bộ Y tế.

Trong báo cáo tổng kết thi hành pháp luật phòng chống mua bán người, Bộ Y tế cho biết từ năm 2012 đến đầu năm 2025, lực lượng chức năng đã giải cứu, tiếp nhận, xác minh khoảng 11.000 trường hợp, trong đó xác định được gần 8.500 người là nạn nhân.

Phân tích tình hình nạn nhân cho thấy 98% bị bán ra nước ngoài và đích đến chủ yếu là Trung Quốc. 80% phụ nữ bị bán ra nước ngoài nhằm cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bóc lột tình dục. Gần một nửa nạn nhân tự trở về, được giải cứu và số còn lại qua trao trả song phương.

Nạn nhân đa phần làm ruộng hoặc không có việc làm, gặp chuyện gia đình, tình cảm éo le. Khoảng 37% nạn nhân không biết chữ, gần 7% là các cô gái, học sinh, sinh viên “thích hưởng thụ, thiếu cảnh giác nên tin theo lời hứa hẹn của kẻ lừa đảo về việc làm ổn định, thu nhập cao hoặc lấy chồng nước ngoài khá giả nên bị lừa bán”, báo cáo nêu.





Một cô gái Việt trốn thoát khỏi bọn buôn người sau khi bị đưa sang Trung Quốc. Ảnh: CNN

Một cô gái Việt trốn thoát khỏi bọn buôn người sau khi bị đưa sang Trung Quốc. Ảnh: CNN

Bộ Y tế đánh giá tội phạm mua bán người là loại tội phạm ẩn nên việc xác định nạn nhân rất khó khăn. Nạn nhân bị mua bán được tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu tập trung đông tại Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Lạng Sơn, Nam Định, Huế, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang.

Họ khi được giải cứu, tiếp nhận, nếu có nhu cầu đều được lực lượng chức năng bảo vệ theo quy định như giữ bí mật thông tin, ngăn chặn xâm hại hoặc đe doạ tính mạng. Song dịch vụ hỗ trợ nạn nhân còn nhiều bất cập về nhu cầu thiết yếu, tâm lý, y tế hoặc trợ cấp ban đầu cũng khó thực hiện do yêu cầu phải là hộ nghèo, mức tối thiểu một triệu đồng là quá thấp…

Từ thực tế trên, Bộ Y tế khi xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống mua bán người đã bổ sung nhóm được nhận hỗ trợ là người đang trong quá trình xác định nạn nhân bị mua bán và người dưới 18 tuổi đi cùng, bỏ quy định phải là hộ nghèo mới được thụ hưởng.

Dự thảo bổ sung hàng loạt chế độ hỗ trợ so với hiện hành, trong đó có nhu cầu thiết yếu như bố trí chỗ ở tạm thời, tiền ăn trong thời gian tạm lưu trú, vật dụng sinh hoạt, sách vở, đồ dùng học tập tối đa 120 ngày; chi phí đi lại như tiền tàu xe trong nước, tiền ăn trong thời gian đi đường và quá trình trở về nơi cư trú. Ngoài ra, còn hỗ trợ y tế như sơ cấp cứu khi bị thương tích hoặc tổn hại sức khỏe, thăm khám, tiền thuốc men khi bị ốm; hỗ trợ phiên dịch; hỗ trợ tư vấn tâm lý tối đa 90 ngày; hỗ trợ pháp luật về hồ sơ, giấy tờ cần thiết để làm thủ tục đăng ký cư trú, hộ tịch, làm thẻ căn cước; học văn hóa, học nghề, hỗ trợ vay vốn. Thời gian hỗ trợ không quá ba tháng.

Người đang được xác minh là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng cũng được cơ quan soạn thảo đề xuất các biện pháp bảo vệ. Tùy trường hợp và điều kiện thực tế, cơ quan có thẩm quyền được áp dụng một hoặc nhiều biện pháp bảo vệ an toàn, như: giữ bí mật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ; thông tin về đời tư, đặc điểm nhân dạng, nơi cư trú; bố trí lực lượng bảo vệ tại nơi cư trú, làm việc, học tập, đi lại, tại phiên tòa và những nơi cần thiết khác; hạn chế phạm vi đi lại, giao tiếp của người được bảo vệ; bố trí nơi ở, làm việc, học tập mới; áp dụng biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại hoặc đe dọa tính mạng, sức khỏe, danh dự của người đó; xét xử kín.

Cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ gồm Cơ quan Cảnh sát điều tra trong Công an nhân dân, Cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Viện Kiểm sát nhân dân, Viện Kiểm sát quân sự các cấp, Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp, Sở Y tế, UBND xã phường, Cơ sở hỗ trợ nạn nhân, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Nghị định đồng thời bổ sung Tổng đài 111 tiếp nhận tố giác, tin báo về hành vi mua bán người. Tổng đài hoạt động 24 giờ tất cả ngày để tiếp nhận tin báo, ghi âm tự động và miễn cước phí đối với các cuộc gọi đến và đi.

Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Hồng Chiêu