Bắc GiangBa thanh niên bị bắt với cáo buộc luân chuyển khoảng 200 tỷ đồng chiếm đoạt của gần 1.000 nạn nhân bị cắt ghép hình ảnh nhạy cảm để tống tiền.
Ngày 27/4, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Giang bắt tạm giam Lê Việt Hoàng (21 tuổi, ngụ TP HCM), Vũ Quang Quỳnh (27 tuổi, quê Nam Định) và Nguyễn Văn Tới (24 tuổi, quê Thanh Hóa) để điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, từ công tác nắm tình hình địa bàn, Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện nhiều lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của tỉnh và các địa phương khác bị cắt ghép hình ảnh gương mặt vào ảnh đồi trụy, nhạy cảm để đe dọa tống tiền. Vào cuộc điều tra, công an đã làm rõ hành vi lừa đảo của 3 bị can trên.

Bị can Lê Việt Hoàng (trái) và đồng phạm. Ảnh: Minh Thúy
Hôm 7/4, Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp một số Cục nghiệp vụ của Bộ Công an và Cảnh sát Hoàng gia Campuchia bắt giữ Hoàng, Quỳnh và Tới. Cả ba bị di lý từ khu Titan thuộc thành phố BaVet, tỉnh Svay Riêng, qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) để bàn giao cho Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Giang.
Cơ quan điều tra xác định, tháng 8-9/2024, Quỳnh và Tới xuất cảnh sang Campuchia làm thuê cho người nước ngoài. Công việc chủ yếu của họ là giúp cho nhóm lừa đảo luân chuyển dòng tiền chiếm đoạt được của người Việt Nam.
Tại Campuchia, đường dây lừa đảo này chia thành nhiều nhóm khác nhau. Chủ mưu, cầm đầu điều hành hoạt động là người nước ngoài.
Những cấp còn lại sẽ làm nhiệm vụ cắt, ghép tạo hình ảnh nhạy cảm của “con mồi”. Khi có ảnh ghép, chúng gọi điện, nhắn tin, gửi email để tống tiền. Tiền nhận được, một nhóm sẽ thực hiện luân chuyển sang các tài khoản khác nhau.

Hình ảnh các nhóm lừa đảo cắt, ghép và nhắn tin cho bị hại. Ảnh: Minh Thúy
Để thực hiện, Quỳnh, Tới và Hoàng đã cho thuê tài khoản ngân hàng của nhiều người để nhận tiền chiếm đoạt được của các bị hại. Sau đó, ba người này có nhiệm vụ quét, nhận dạng sinh trắc học khuôn mặt phục vụ việc chuyển tiền đến các tài khoản trung gian do nhóm người nước ngoài quản lý.
Tổng cộng, từ tháng 8 đến 10/2024, ba bị can đã đứng ra lập 71 tài khoản tại các ngân hàng, luân chuyển khoảng 200 tỷ đồng của gần 1.000 bị hại trên cả nước. Mỗi người được hưởng lợi bất chính khoảng 80 triệu đồng.
Vụ án đang được mở rộng điều tra.