Trong 136 cán bộ công chức tại các cơ quan của Quốc hội xin nghỉ hưu trước tuổi để phục vụ tinh gọn bộ máy, 105 người được chấp thuận.
Tại cuộc gặp mặt chiều 4/4, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao tinh thần tự nguyện và trách nhiệm của các cán bộ, đảng viên, những người đã “đặt lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc lên trên hết”, tạo điều kiện cho lớp công chức trẻ có năng lực đảm đương vị trí. Đóng góp này “rất đáng trân trọng, thể hiện tinh thần gương mẫu của người công bộc vì sự phát triển của đất nước”.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh (áo trắng, giữa) trao quyết định cho các cán bộ, công chức. Ảnh: Phạm Thắng
Theo bà Thanh, nhiều cán bộ trong số này đã có thời gian dài gắn bó, cống hiến không ngừng nghỉ cho Quốc hội. Dù ở cương vị nào, họ luôn nỗ lực, phát huy kinh nghiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhà nước đã có những chính sách đặc biệt trong nghị định 178 để ghi nhận sự tự nguyện và bảo vệ quyền lợi của những cán bộ này.
“Đây là sự động viên, chia sẻ, giúp cán bộ, công chức, viên chức yên tâm với chế độ, quyền lợi được hưởng”, bà Thanh chia sẻ, đồng thời mong muốn các cán bộ sau khi nghỉ vẫn tiếp tục đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm cho xã hội và Quốc hội.
Phó chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chú trọng công tác tư tưởng đối với những người chịu tác động của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tạo sự đồng thuận cao trong toàn hệ thống.
Vừa qua, Ủy ban Đối ngoại đã kết thúc hoạt động, chuyển nhiệm vụ về Ủy ban Quốc phòng – An ninh, Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao. Ủy ban Quốc phòng – An ninh đổi tên thành Ủy ban Quốc phòng, An ninh – Đối ngoại. Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp sáp nhập thành Ủy ban Pháp luật – Tư pháp; Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, Ngân sách thành Ủy ban Kinh tế – Tài chính; Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thành Ủy ban Văn hóa – Xã hội.
Hai cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu được nâng cấp thành Ủy ban Dân nguyện và Giám sát, Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội.
Sơn Hà